Tin tức kinh tế ngày 15/8: Ô tô nhập khẩu vào Việt Nam tăng cao kỷ lục

Ô tô nhập khẩu vào Việt Nam tăng cao kỷ lục; Xuất khẩu gạo sang Ukraine tăng gần 40 lần; Doanh thu thương mại điện tử tăng 28%… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 15/8.

Ô tô nhập khẩu vào Việt Nam tăng cao kỷ lục (Ảnh minh họa)

Ô tô nhập khẩu vào Việt Nam tăng cao kỷ lục (Ảnh minh họa)

Giá vàng thế giới tăng trở lại

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 15/8, theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đứng ở mức 2452,15 USD/ounce, tăng 14,8 USD so với cùng thời điểm ngày 14/8.

Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 15/8, giá vàng SJC trong nước được niêm yết tại TP HCM ở mức 78-80 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 14/8.

Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 78-80 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 14/8.

Trong khi tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 78-80 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 14/8.

Xuất khẩu gạo sang Ukraine tăng gần 40 lần

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 7 đạt hơn 751 nghìn tấn, trị giá hơn 451 triệu USD, tăng 46,3% về lượng và tăng 39,7% về kim ngạch.

Lũy kế 7 tháng đầu năm, gạo Việt đã thu về 3,3 tỷ USD với hơn 5,3 triệu tấn, tăng 27,7% về lượng và tăng 27,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. Giá xuất khẩu đạt bình quân 601 USD/tấn, tăng 18% về giá so với 7 tháng năm 2023.

Đáng chú ý, Ukraine đang tăng mạnh nhập khẩu gạo Việt Nam với mức tăng trưởng 4 chữ số liên tục kể từ đầu năm. Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm, nước ta đã xuất sang Ukraine 10.656 tấn gạo với kim ngạch đạt hơn 6,8 triệu USD, tăng 3.951% về lượng và tăng 3.420% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu thương mại điện tử tăng 28%

Số liệu mới nhất của Bộ Công Thương cho hay, thương mại điện tử tiếp tục là kênh phân phối quan trọng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng và lưu thông trong và ngoài nước, với doanh thu 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 13,2 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù kinh tế thế giới và khu vực gặp nhiều khó khăn, nhưng thương mại điện tử Việt Nam luôn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, giữ được tốc độ tăng trưởng cao và Việt Nam được ghi nhận có tốc độ phát triển thương mại điện tử dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.

Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam (EBI 2024) của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), ước tính tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 đạt 25 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2022, trong đó, quy mô bán lẻ hàng hóa trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD.

Tín dụng có dấu hiệu tăng chậm lại

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng đã tăng tốc và đạt mức 6% vào cuối tháng 6 trước khi giảm còn 5,3% vào ngày 17/7.

Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, việc tín dụng tăng tốc trong 2 quý đầu năm và tăng trưởng chậm lại trong tháng 7/2024 là phù hợp với xu hướng tăng trưởng tín dụng.

PGS. TS Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP HCM) nhận định, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn chậm trong nửa đầu năm nay và tín dụng chỉ mới cải thiện trong tháng cuối quý II/2024. Nguyên nhân do tính chất mùa vụ trong quý đầu năm và sức cầu thị trường còn yếu, thị trường bất động sản chưa thực sự hồi phục. Vì thế, theo ông Huân, khả năng tín dụng năm nay tăng trưởng 11-12%.

Ô tô nhập khẩu vào Việt Nam tăng cao kỷ lục

Theo báo cáo mới nhất do Tổng cục Hải quan công bố, Việt Nam đã hoàn tất nhập khẩu tổng cộng 17.233 ô tô nguyên chiếc các loại trong tháng 7, giá trị kim ngạch đạt gần 344 triệu USD.

So với kỳ báo cáo trước, ô tô nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng 8,5% về lượng, đồng thời giá trị kim ngạch cũng cao hơn khoảng 10,6%.

Như vậy, đây là tháng ghi nhận lượng ô tô nhập khẩu vào Việt Nam cao nhất kể từ đầu năm. Trước đó vào các kỳ báo cáo tháng 3 và tháng 6, lượng ôtô nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam cũng từng tăng lên mức xấp xỉ 15.900 xe.

Trung Quốc cắt giảm sản lượng thép

Theo Cục Thống kê Trung Quốc, sản lượng thép trong tháng 7 giảm khoảng 9% xuống còn 82,94 triệu tấn, mức thấp nhất được báo cáo trong năm 2024. Tổng sản lượng trong 7 tháng đầu năm là 613,72 triệu tấn, giảm 2,2% so với năm trước.

Sự suy thoái kéo dài của thị trường bất động sản và hoạt động sản xuất thu hẹp đã đẩy giá thép trong nước giảm mạnh và làm gia tăng căng thẳng thương mại khi một lượng lớn thép Trung Quốc tràn ngập thị trường thế giới.

Nhà sản xuất thép hàng đầu của quốc gia này đã cảnh báo vào thứ Tư (14/8) rằng ngành công nghiệp này đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn so với các cuộc suy thoái năm 2008 và 2015.

P.V (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tin-tuc-kinh-te-ngay-158-o-to-nhap-khau-vao-viet-nam-tang-cao-ky-luc-715955.html