Tinh giản biên chế: Cần tránh tình trạng cào bằng

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng công chức, người lao động cần phải hiểu đúng là không phải tiết kiệm về số lượng mà là sử dụng đúng người, đúng việc theo yêu cầu và vị trí việc làm.

Chiều 2/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội thảo luận tại hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Đoàn Tiền Giang) dẫn báo cáo cho biết kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế năm 2021 rất đáng ghi nhận. Biên chế công chức giảm 10,01%, biên chế sự nghiệp giảm 11,67%, số người hoạt động không chuyên trách, thôn, tổ dân phố giảm 46,64% so với năm 2015, hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế 10% đề ra tại Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần có sự phân tích kỹ lưỡng hơn về chất lượng tinh giản biên chế có tương ứng với số lượng tinh giản biên chế không. “Ở một số cơ quan, địa phương phản ánh tình trạng cào bằng giữa các đơn vị dẫn đến một số đơn vị khối lượng công việc lớn cần ít nhất là giữ nguyên chỉ tiêu biên chế hiện có, chưa nói đến cần tăng chỉ tiêu biên chế để đáp ứng yêu cầu công tác thì lại vẫn phải cắt giảm biên chế theo tỷ lệ chung” đại biểu cho biết.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Đoàn Tiền Giang). (Ảnh: QH)

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Đoàn Tiền Giang). (Ảnh: QH)

Như vậy, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng công chức, người lao động cần phải hiểu đúng là không phải tiết kiệm về số lượng mà là sử dụng đúng người, đúng việc theo yêu cầu và vị trí việc làm. Cần trao thẩm quyền cho người đứng đầu cơ quan thực hiện công tác tinh giản biên chế chịu trách nhiệm về nội dung này.

Cùng quan tâm đến vấn đề biên chế, đại biểu Đồng Ngọc Ba (Đoàn Bình Định) cho biết mặc dù ông đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ thời gian qua đã rất tích cực trong rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong của các bộ, ngành, chính quyền địa phương gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đạt được nhiều chỉ tiêu, vượt chỉ tiêu.

Tuy nhiên, đại biểu cho biết ông cũng rất lo ngại về hạn chế mà Báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra, đó là tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu. Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai công tác năm 2022 của ngành nội vụ là việc sắp xếp tổ chức, bộ máy bên trong của các bộ chưa đạt yêu cầu, bộ máy vẫn còn cồng kềnh, một bộ phận công chức, viên chức chưa đủ tầm.

Đại biểu Đồng Ngọc Ba (Đoàn Bình Định). (Ảnh: QH)

Đại biểu Đồng Ngọc Ba (Đoàn Bình Định). (Ảnh: QH)

Theo đại biểu, Chính phủ cần có đánh giá cụ thể hơn, có các thông tin, số liệu cụ thể, địa chỉ cụ thể để có các giải pháp khắc phục kịp thời. Nhiều cử tri và các nhà chuyên môn cho rằng, kết quả đổi mới về tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong thời gian qua phần nhiều mới chỉ là thay đổi về lượng, chưa đáp ứng yêu cầu chuyển biến về chất.

Tổ chức bộ máy vẫn còn chồng chéo, trùng giẫm về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, còn nhiều trường hợp chưa thực hiện đúng nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm; chức năng nhiệm vụ, mô hình tổ chức của chính quyền địa phương nhiều nơi chưa đồng bộ; việc tinh giản biên chế chưa thực sự gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ ban hành các nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, làm cơ sở cho việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị.

Đồng thời, tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm. “Tôi cho rằng nếu việc tinh giản biên chế một cách cơ học không gắn với vị trí việc làm phù hợp thì không những không làm lành mạnh thêm mà còn làm suy giảm năng lực của bộ máy”, đại biểu nói.

Bên cạnh đó, đại biểu Đồng Ngọc Ba cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục quan tâm chỉ đạo Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan thực hiện tốt việc cải cách tiền lương; bổ sung thêm giải pháp cụ thể về tăng cường năng lực và đào tạo cán bộ công chức, đặc biệt là vấn đề đạo đức công vụ và năng lực thực thi pháp luật.

H.L

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tinh-gian-bien-che-can-tranh-tinh-trang-cao-bang-141063.html