Tinh giản bộ máy: Chỉ bàn làm, không bàn lùi, khó mấy cũng làm (kỳ 1)
Thời gian qua, hệ thống chính trị của cả nước đã có những chuyển động mạnh mẽ, quyết tâm cao để sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Nhiều điểm nghẽn, nút thắt, rào cản gây khó khăn cho phát triển KT-XH, cho cuộc sống, sinh hoạt của người dân đã được chỉ rõ và từng bước được tháo gỡ. Và một trong những nhiệm vụ lớn, nhiệm vụ trọng tâm chính là sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đảm bảo tinh, gọn, mạnh - hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Cùng cả nước, Phú Yên đã và đang vào cuộc, quyết liệt sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tạo nền tảng vững chắc để chung nhịp đập với cả nước vươn xa trong bối cảnh mới.
KỲ 1: Bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả
Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII qua 7 năm thực hiện tại Phú Yên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân đã đạt được những kết quả quan trọng. Tổ chức, bộ máy của các đơn vị, địa phương được tinh giản, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Giảm đầu mối, nâng cao hiệu quả quản lý
Một năm sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông.
Sau khi sáp nhập, cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh được tinh gọn hơn, từ 21 phòng trực thuộc giảm xuống còn 11 phòng. Lãnh đạo ban cũng giảm xuống còn 1 giám đốc và 4 phó giám đốc. Việc tinh gọn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy không ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Đối với chế độ lương, tất cả cán bộ, viên chức được hưởng cao hơn so với thời điểm chưa sáp nhập.
Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đặng Khoa Đãm cho biết: Trước đây, 3 ban quản lý có các phòng chức năng nhiệm vụ tương đối giống nhau nên việc sáp nhập không ảnh hưởng đến công việc. Hiệu quả chỉ đạo điều hành là rất rõ rệt khi đã giảm được các đầu mối. Ngoài ra, việc sáp nhập, thành lập Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh cũng giúp đảm bảo tính chuyên môn hóa, nâng cao năng lực quản lý và vận hành theo cơ chế mới, đảm bảo chất lượng các dự án đầu tư xây dựng và hàng năm kết quả công tác giải ngân đều đạt trên 95% so với tổng số vốn được nhập trên hệ thống TABMIS.
Hiện ban đang tổ chức quản lý đầu tư 47 dự án trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, phòng chống thiên tai, dân dụng, dự án sử dụng vốn phục hồi kinh tế và thực hiện trên toàn tỉnh. Trong giai đoạn vừa qua, ban đã đưa vào khai thác sử dụng 70 công trình. Ban đã chủ động, tích cực bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh và các bộ, ngành trung ương, các đơn vị liên quan và các địa phương thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư theo đúng trình tự thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản, khẩn trương và quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành quản lý các dự án, đảm bảo đúng tiến độ. Công tác quản lý chất lượng công trình được quan tâm chú trọng ở tất cả các khâu, đảm bảo chất lượng, kỹ mỹ thuật công trình khi đưa vào sử dụng. Bộ máy chuyên nghiệp sau sáp nhập nên hiệu quả quản lý được nâng lên, không có tình trạng phá đi làm lại gây lãng phí vốn đầu tư.
Sắp xếp đơn vị hành chính gắn với đổi mới bộ máy
Đầu tháng 11/2024, TP Tuy Hòa tổ chức lễ công bố Nghị quyết 1200/NQ-UBTVQH15, ngày 28/9/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Phú Yên. Từ 16 xã, phường, sau khi sắp xếp, TP Tuy Hòa còn 12 xã, phường. Gần 2 tháng sau sắp xếp, các đơn vị hành chính mới đã dần đi vào hoạt động ổn định. Ông Nguyễn Chí Hùng, Bí thư Đảng ủy phường 2 cho biết: Cùng với tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, địa phương đã nhanh chóng kiện toàn sắp xếp bộ máy; thực hiện phương án bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách. Đồng thời, phường đã tiến hành giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư; sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư; nhanh chóng giải quyết chuyển đổi giấy tờ cho cơ quan, tổ chức và công dân trên địa bàn…
Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, các đơn vị sự nghiệp công lập được củng cố, kiện toàn, tổ chức theo hướng tinh gọn. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được sắp xếp gắn với tinh giản biên chế, từng bước được chuẩn hóa. Tỉnh mạnh dạn thực hiện thí điểm một số mô hình mới về tổ chức bộ máy, kiêm nhiệm chức danh… để tinh gọn đầu mối, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.
Phó Trưởng ban trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lưu Vĩnh Hưng
Tại Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh khóa VIII đã thông qua Nghị quyết quy định không thu các loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh khi thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023-2030. Trước đó, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, khu phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh. Đây là các chính sách thiết thực, nhân văn, kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, nhận được sự ủng hộ, đồng tình của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa Cao Đình Huy cho biết: Sắp xếp đơn vị hành chính là một nhiệm vụ quan trọng trong định hướng phát triển đất nước, địa phương giai đoạn 2021-2030, gắn liền với thực hiện đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc sắp xếp đơn vị hành chính mang lại nhiều lợi ích như: tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả của đội ngũ cán bộ, công chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy, cắt giảm cơ sở vật chất phục vụ, chi phí hoạt động của bộ máy, giảm được nguồn chi lương cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Những nguồn lực này có thể sử dụng vào việc tăng lương hoặc ban hành chính sách khác để tạo động lực cho những người làm việc trong hệ thống chính trị; từ đó phát huy hiệu quả nguồn lực cho phát triển KT-XH, nâng cao đời sống nhân dân.