Tinh gọn bộ máy, củng cố niềm tin

Phát huy truyền thống vẻ vang 96 năm ra đời và trưởng thành của Công đoàn Việt Nam, các cấp công đoàn Hà Tĩnh đang thích ứng linh hoạt, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động.

Gọn bộ máy, mạnh tổ chức

Ra đời ngày 28/7/1929, Công đoàn Việt Nam là tổ chức đại diện cho giai cấp công nhân, lao động, luôn đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Trong suốt 96 năm xây dựng và trưởng thành, tổ chức công đoàn không ngừng lớn mạnh, thể hiện vai trò trung tâm trong việc kết nối, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động (NLĐ).

 Thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy hành chính, 15 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở giải thể và hơn 1.000 công đoàn cơ sở kết thúc hoạt động. Trong ảnh: LĐLĐ thành phố Hà Tĩnh tổ chức hội nghị công bố quyết định giải thể.

Thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy hành chính, 15 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở giải thể và hơn 1.000 công đoàn cơ sở kết thúc hoạt động. Trong ảnh: LĐLĐ thành phố Hà Tĩnh tổ chức hội nghị công bố quyết định giải thể.

Kế thừa truyền thống ấy, những năm qua, Công đoàn Hà Tĩnh đã chủ động nâng cao chất lượng tổ chức và đổi mới phương thức hoạt động để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, nhất là sau khi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính, sắp xếp lại hệ thống tổ chức.

Thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy hành chính, từ ngày 1/7/2025, 15 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trên toàn tỉnh đã giải thể; 1.031 công đoàn cơ sở (CĐCS) thuộc khối hành chính, sự nghiệp được hưởng lương 100% từ ngân sách Nhà nước kết thúc hoạt động.

Sau sắp xếp, toàn tỉnh còn lại 442 CĐCS với 37.253 đoàn viên thuộc khối doanh nghiệp (DN), HTX, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và các đơn vị công lập không hưởng lương 100% từ ngân sách tiếp tục duy trì hoạt động. Các công đoàn này được chuyển về LĐLĐ tỉnh trực tiếp quản lý.

 Ban Công đoàn khu kinh tế triển khai kế hoạch công tác sau khi được thành lập.

Ban Công đoàn khu kinh tế triển khai kế hoạch công tác sau khi được thành lập.

Cùng với đó, bộ máy tổ chức cũng được tái thiết theo mô hình mới. Sau khi LĐLĐ tỉnh sáp nhập về Ủy ban MTTQ tỉnh, tổ chức công đoàn được phân thành 2 ban chuyên trách: Ban Công tác công đoàn và Ban Công đoàn khu kinh tế. Các Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh đồng thời đảm nhiệm vai trò trưởng ban. Để tăng cường công tác chỉ đạo, 4 cụm CĐCS cũng được thành lập, bao gồm: cụm trung tâm, cụm phía Bắc, cụm phía Nam và cụm phía Tây.

Ông Ngô Đình Vân - Trưởng ban Công đoàn Khu kinh tế (Ủy ban MTTQ tỉnh), Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: “Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy là bước chuyển cần thiết nhằm tinh gọn, hiệu quả, đồng thời đảm bảo tính liên tục, kịp thời trong việc chỉ đạo hoạt động CĐCS”.

Thích ứng linh hoạt, hành động kịp thời

Sau khi tổ chức được kiện toàn, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà công đoàn Hà Tĩnh xác định là tiếp tục vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động và phong trào công nhân lao động tại DN.

 Cán bộ LĐLĐ tỉnh bám nắm cơ sở, tìm hiểu tình hình đời sống, việc làm và tâm tư của người lao động.

Cán bộ LĐLĐ tỉnh bám nắm cơ sở, tìm hiểu tình hình đời sống, việc làm và tâm tư của người lao động.

Từ định hướng ấy, cán bộ LĐLĐ tỉnh đã trực tiếp xuống cơ sở, bám sát tình hình sản xuất và đời sống NLĐ để tuyên truyền, vận động. Điển hình là tại Công ty TNHH Giải pháp năng lượng công nghệ cao V-G (DN sản xuất pin và ắc quy tại phường Vũng Áng), với sự tuyên truyền tích cực, hiệu quả của công đoàn, công ty đã thống nhất chủ trương thành lập CĐCS.

Hiện nay, đơn vị đang phối hợp LĐLĐ tỉnh hoàn tất các thủ tục theo quy định và dự kiến ra mắt CĐCS với hơn 400 đoàn viên trong thời gian tới.

 Việc tuyên truyền phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở được triển khai qua nhiều hình thức như: tuyên truyền trực tiếp, phát tờ rơi; hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật...

Việc tuyên truyền phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở được triển khai qua nhiều hình thức như: tuyên truyền trực tiếp, phát tờ rơi; hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật...

Cùng với đó, LĐLĐ tỉnh tiếp tục mở rộng tiếp cận DN khác, nắm bắt tình hình lao động, việc làm, đời sống công nhân để làm tốt hơn vai trò đại diện, chăm lo của tổ chức. Tinh thần đổi mới còn được thể hiện ở việc hướng dẫn các CĐCS rà soát, phân công lại nhiệm vụ, lồng ghép mô hình hoạt động; tránh chồng chéo, tiết kiệm nguồn lực và phát huy vai trò từng cá nhân trong BCH CĐCS.

 Kỷ niệm 96 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, LĐLĐ tỉnh đã hỗ trợ 24 mái ấm công đoàn cho người lao động trị giá 640 triệu đồng.

Kỷ niệm 96 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, LĐLĐ tỉnh đã hỗ trợ 24 mái ấm công đoàn cho người lao động trị giá 640 triệu đồng.

Bà Đào Thị Phương - Chủ tịch CĐCS Nhà máy Sợi Nghệ Tĩnh chia sẻ: “Hoạt động công đoàn tại DN ngày càng được quan tâm, bởi vậy, mỗi thành viên trong BCH Công đoàn của nhà máy đều xác định phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm và không ngừng đổi mới phương thức hoạt động để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, củng cố niềm tin của đoàn viên vào tổ chức công đoàn”.

 Các hoạt động phong trào trong công nhân, lao động tiếp tục được duy trì.

Các hoạt động phong trào trong công nhân, lao động tiếp tục được duy trì.

Thích ứng với yêu cầu chuyển đổi số, công đoàn các cấp cũng đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tuyên truyền, quản lý, kết nối và chăm lo cho NLĐ. Điều này giúp hoạt động công đoàn ngày càng linh hoạt, kịp thời và sát với nhu cầu thực tế.

Trong bối cảnh sắp xếp tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả, Công đoàn Hà Tĩnh đã chủ động xây dựng phương án ổn định tổ chức, bảo đảm vận hành thông suốt. Thời gian tới, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh sẽ tiếp tục lắng nghe tiếng nói từ cơ sở, tổ chức các hoạt động thiết thực, phù hợp, đảm bảo hệ thống công đoàn hoạt động thông hiệu quả, đáp ứng kỳ vọng của đoàn viên và NLĐ trong giai đoạn phát triển mới.

Ông Nguyễn Văn Danh - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh

Kiều Minh

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/tinh-gon-bo-may-cung-co-niem-tin-post292614.html