Tinh gọn bộ máy để 'Việc chọn đúng người, người làm đúng việc'

Cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy mà Đảng, Nhà nước ta đang quyết liệt triển khai và bước đầu đã có hiệu quả trên thực tế. Biên chế hợp lý để 'việc chọn đúng người, người làm đúng việc' đang giúp bộ máy Nhà nước thực sự tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, nhằm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

So với những thay đổi to lớn của đất nước sau 40 năm đổi mới, sự phát triển của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và những thành tựu khoa học công nghệ; tổ chức bộ máy hệ thống chính trị nước ta, tuy đã được đổi mới ở một số bộ phận, nhưng cơ bản vẫn theo mô hình được thiết kế từ hàng chục năm trước, nhiều vấn đề không còn phù hợp điều kiện mới, là trái với quy luật phát triển; tạo ra tâm lý “Nói không đi đôi với làm” 1.

Đây chính là cơ sở thực tiễn để khẳng định rằng, để đất nước Việt Nam vững vàng bước vào “kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, thì “đây là thời cơ vàng để sắp xếp tinh gọn bộ máy”.

Ảnh minh họa: ct.qdnd.vn

Ảnh minh họa: ct.qdnd.vn

Cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy trong cả hệ thống chính trị có rất nhiều việc phải giải quyết, trong đó đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, trọng dụng được nhiều “nhân tài”, để “việc chọn đúng người, người làm đúng việc” trên cơ sở đánh giá sản phẩm cụ thể, hiệu quả công việc có thể định lượng được, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong đánh giá cán bộ, là khâu “then chốt của then chốt”.

Đặc biệt, cần có cơ chế hữu hiệu để sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và có chính sách sử dụng, đãi ngộ đối với người có phẩm chất, năng lực nổi trội.

Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước ta cần khẩn trương ban hành các chính sách bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động bị tác động bởi việc cải cách bộ máy; công tác chính sách cần có sự hài hòa giữa lợi ích tập thể và lợi ích cá nhân, trong đó Chính phủ đang triển khai thực hiện Nghị định số 177/2024/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng, Nghị định số 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đây là những điểm son trong thực hiện chính sách về tinh gọn bộ máy Nhà nước.

Mặt khác, các ban, bộ, ngành cần quán triệt sâu sắc lưu ý của Tổng Bí thư Tô Lâm trong Hội nghị làm việc với Chính phủ và chính quyền địa phương, đó là: “Giai đoạn tới sẽ có khoảng 100.000 lao động rời khỏi khu vực nhà nước do tác động của tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị và 100.000 thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Vậy Chính phủ có chính sách gì để khu vực ngoài nhà nước có thể tiếp nhận một phần trong số đó? Chính sách gì để phát triển thị trường lao động, thị trường việc làm? Cơ cấu lại nền kinh tế phải có cơ cấu việc làm” 2.

Do vậy, cả hệ thống chính trị cần phải có cơ chế, chính sách, giải pháp đồng bộ, hiệu quả; phải khẩn trương, quyết liệt triển khai các công việc theo tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”, “không thể xếp hàng xong mới chạy” trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", song vẫn quan tâm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước - thị trường và xã hội, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đặc biệt, chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, trọng tâm là công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là những người đứng đầu có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ theo tinh thần "7 dám", đi đôi với cơ chế đãi ngộ, bảo vệ, trọng dụng nhân tài. Mặt khác, không vì cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy mà để xảy ra tình trạng “chảy máu chất xám”, từ bỏ cơ quan, đơn vị Nhà nước.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, công tác tuyển dụng, đánh giá và quy hoạch cần được đổi mới căn bản, toàn diện; quan trọng là tạo ra các cơ chế, chính sách mới, ưu tiên cán bộ có đức, có tài, có tâm phục vụ nhân dân. Do vậy, từng tổ chức đảng, từng cơ quan, đơn vị cần thực hiện sâu sắc Nghị quyết số 45-NQ/TW Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “Về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới”.

Như vậy, để cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy có hiệu quả thiết thực, cần tập trung phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội; trong đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần tích cực, khẩn trương thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về tinh gọn bộ máy với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, thống nhất về tư tưởng, để bộ máy mới sớm đi vào hoạt động, phát huy hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng ngay, đáp ứng sự phát triển của đất nước và nhu cầu của nhân dân.

Xét cho cùng, sự tự nguyện của từng “cá nhân rút lui khỏi bộ máy” giúp cho bộ máy Nhà nước tinh gọn, để đạt được mục tiêu cao nhất phục vụ cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Sự đồng thuận, thống nhất cao của “ý Đảng với lòng dân” để tổ chức lực lượng có động lực mới, nguồn lực mới, tạo ra những bước nhảy vọt, có tính đột phá, đưa đất nước phát triển, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên Chủ nghĩa xã hội.

Thượng tá, Ths NGUYỄN THỊ ĐẮC HƯƠNG, Chủ nhiệm Bộ môn Luật học, Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị

1 Tổng Bí thư Tô Lâm: Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị.

2 https://baochinhphu.vn/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-to-lam-tai-hoi-nghi-chinh-phu-va-chinh-quyen-dia-phuong

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/tinh-gon-bo-may-de-viec-chon-dung-nguoi-nguoi-lam-dung-viec-816202