Tinh gọn bộ máy, khai mở tiềm năng - Bài cuối: thách thức và cơ hội phát triển

Việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong tiến trình tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, xây dựng nền hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tại tỉnh Tuyên Quang, chủ trương này đang được triển khai một cách bài bản, nghiêm túc với sự đồng thuận cao trong Nhân dân. Đây không chỉ là minh chứng cho tính đúng đắn của chủ trương, mà còn phản bác đanh thép đối với những luận điệu sai trái, xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

> Bài 1: Thay chiếc áo đã chật

Mở rộng không gian phát triển

Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, BCH Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 thông qua đề án sáp nhập tỉnh, trong đó có việc hợp nhất các tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang. Đây là sự kế thừa có chọn lọc từ các đợt cải cách hành chính trước đây, đồng thời mở ra bước đột phá mới, mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phục vụ Nhân dân.

Nhân dân thôn Thia, xã Tân Trào trong ngày lấy ý kiến vào các Đề án sáp nhập đơn vị hành chính.

Nhân dân thôn Thia, xã Tân Trào trong ngày lấy ý kiến vào các Đề án sáp nhập đơn vị hành chính.

Ông Nguyễn Văn Mạch - người có nhiều năm nghiên cứu về lịch sử tỉnh Tuyên Quang cho biết: Theo sử liệu, tên gọi Tuyên Quang đã xuất hiện từ hơn 700 năm trước, dưới thời nhà Trần. Tuyên Quang khi ấy đã là "trấn lớn", không chỉ có vị trí chiến lược về quốc phòng mà còn là nơi hội tụ các dòng chảy văn hóa - kinh tế - dân cư vùng thượng du phía Bắc. Đáng chú ý, Hà Giang cũng từng thuộc về Tuyên Quang trong nhiều thời kỳ lịch sử, từ thời phong kiến cho đến khi trở thành một tỉnh riêng vào năm 1891. Từ góc độ lịch sử đó, việc hợp nhất hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang là sự tái hợp kết nối một thực thể văn hóa, địa lý vốn đã gắn bó, tương thuộc từ lâu đời. Chúng ta không nên nhìn sáp nhập chỉ dưới góc độ hành chính, mà phải nhìn đây là cơ hội để kiến tạo tương lai. Trung tâm chính trị hành chính đặt tại Tuyên Quang là lựa chọn phù hợp, dựa trên nền tảng hạ tầng đồng bộ, điều kiện giao thông thuận lợi và vị thế lịch sử là Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến.

Việc hợp nhất hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang là thời cơ quý báu để tạo lập một không gian phát triển mới với quy mô đủ lớn, điều kiện đủ mạnh và định hướng đủ rõ để phát triển bền vững, lâu dài. Sáp nhập sẽ giúp hình thành một đơn vị hành chính có diện tích hơn 13.700 km2, dân số gần 1,9 triệu người, trở thành một cực tăng trưởng mới của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Với quy mô này, tỉnh mới có đủ điều kiện để tranh thủ nguồn lực đầu tư trung ương, thu hút các dự án lớn về hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, du lịch, kinh tế rừng và nông nghiệp công nghệ cao. Sáp nhập sẽ tạo thuận lợi cho liên kết vùng, phát triển hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là các trục giao thông chiến lược như quốc lộ 2, quốc lộ 279, đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (đang được triển khai). Việc phát triển các hành lang kinh tế dọc theo sông Lô, sông Gâm, hành lang biên giới phía Bắc sẽ được hoạch định bài bản, quy mô hơn và hiệu quả hơn. Tỉnh mới sẽ có khả năng xây dựng quy hoạch tổng thể, chiến lược dài hạn cho cả vùng, thay vì mỗi địa phương tự quy hoạch nhỏ lẻ, cục bộ. Những vùng có tiềm năng lớn về du lịch như Đồng Văn, Mèo Vạc, Bắc Mê (Hà Giang) sẽ có thêm cơ hội kết nối với Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) để hình thành chuỗi sản phẩm đặc sắc, hấp dẫn nhà đầu tư và du khách.

Cùng với đó, việc tinh gọn bộ máy hành chính sẽ giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, giảm trùng lặp, chồng chéo, tiết kiệm chi phí quản lý, đồng thời đầu tư mạnh hơn vào các dịch vụ công thiết yếu cho người dân. Sáp nhập cũng là cơ hội để khẳng định, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, trong đó có sự tương đồng rất lớn giữa cộng đồng các dân tộc Tày, Dao, Mông, Nùng, Pà Thẻn… vốn cùng sinh sống lâu đời ở hai tỉnh. Việc kết nối văn hóa, lễ hội, di sản... sẽ tạo động lực mới cho phát triển du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái vùng cao.

Cán bộ xã phải đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Việc sáp nhập các xã, phường là điều cần thiết để đảm bảo nguyên tắc "một chính quyền gần dân phục vụ tốt nhất cho người dân". Một trong những yêu cầu đặt ra là phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ xã, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Đồng chí Mai Quang Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh cho biết: Sau sáp nhập, trước mắt là sáp nhập cấp xã, thì mỗi cán bộ xã đều phải nâng cao năng lực chuyên môn, trình độ, đảm bảo 5 hơn: Phạm vi quản lý hành chính rộng hơn, quy mô dân số đông hơn, thẩm quyền ban hành, giải quyết văn bản nhiều hơn, phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực lãnh đạo, quản lý cao hơn và thái độ, trách nhiệm và phương pháp làm việc tốt hơn. Điều này đặt ra không hành chính hóa hoạt động, hướng mạnh về địa bàn dân cư, gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân theo tinh thần "chú trọng và thực hành dân làm gốc", phải thực sự là "cánh tay nối dài" của Đảng đến từng hộ gia đình, từng người dân; lấy người dân làm trung tâm cho các mục tiêu phát triển bền vững. Chính vì vậy, quá trình sáp nhập phải gắn liền với việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ hợp lý, tránh xáo trộn lớn, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của chính quyền cơ sở để kịp thời uốn nắn, hỗ trợ. Cần đi liền sáp nhập với quy hoạch phát triển, đặc biệt là quy hoạch không gian đô thị, hạ tầng kinh tế - xã hội, sản xuất và dịch vụ công. Sáp nhập phải tạo được không gian phát triển mới chứ không chỉ dừng lại ở việc “cộng số học đơn thuần”. Cùng với đó phải luôn đề cao cảnh giác với những luận điệu sai trái, thù địch nhằm kích động chia rẽ. Trong quá trình triển khai sáp nhập, một số thế lực thù địch đã cố tình bóp méo bản chất của chủ trương, vu cáo rằng sắp xếp bộ máy là để “thâu tóm quyền lực”, “mị dân, gây mất ổn định xã hội”… Những quan điểm này không có cơ sở khoa học, trái với thực tế và hoàn toàn phản động cần được bác bỏ mạnh mẽ. Việc tổ chức lấy ý kiến dân cư rộng rãi chính là biện pháp mạnh mẽ để khẳng định chủ quyền của Nhân dân, qua đó “miễn nhiễm” với mọi thủ đoạn kích động, chia rẽ từ bên ngoài.

Việc sáp nhập, tinh gọn bộ máy là một chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng và Nhà nước, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, có cơ sở lý luận vững chắc và được triển khai với quyết tâm chính trị cao. Quan trọng hơn cả, đó là chủ trương hợp lòng dân, được Nhân dân đồng thuận, hưởng ứng và kỳ vọng. Chủ trương đã đúng, niềm tin đã có, sự đồng thuận đã sẵn sàng, thành công chỉ còn là vấn đề của quyết tâm và hành động nhất quán từ mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương.

Bài, ảnh: Thanh Phúc

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/tinh-gon-bo-may-khai-mo-tiem-nang-bai-cuoi-thach-thuc-va-co-hoi-phat-trien-210683.html