Tinh gọn bộ máy: Ổn định sớm để phát triển

Cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy đang tiến hành với tốc độ rất khẩn trương, quy mô và mạnh mẽ, nhất là khi chủ trương sắp xếp đã rõ, phương án, kế hoạch, lộ trình triển khai đã cụ thể. Trên tinh thần 'ổn định sớm để phát triển', tất cả đang bắt tay thực hiện theo hướng rõ người, rõ việc, rõ cách làm, rõ trách nhiệm, rõ thời gian hoàn thành.

Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết chủ trương sắp xếp tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình. Ảnh: Vũ Quang/TTXVN

Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết chủ trương sắp xếp tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình. Ảnh: Vũ Quang/TTXVN

Dù rất khẩn trương nhưng việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đang được làm với sự thận trọng, chắc chắn, bài bản, không nóng vội, chủ quan. Nhiệm vụ này tiến hành theo thứ tự ưu tiên, làm việc nào chắc việc đó, làm việc này phải tính đến việc khác liên quan. Và quan trọng, thực hiện đúng các quy trình thủ tục theo quy định, không làm tắt, làm ẩu, làm qua loa đại khái bất cứ công việc nào.

Chúng ta đang đặt ra và bám sát các mốc thời gian trong kế hoạch, cố gắng bảo đảm các công việc được thực hiện đúng tiến độ thời gian quy định, nhất là các mốc thời gian quan trọng được Trung ương, Bộ Chính trị ấn định cụ thể. Đó là trước ngày 30/6/2025 phải hoàn thành sửa đổi Hiến pháp và pháp luật có liên quan. Bắt đầu kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025 theo lộ trình chuyển tiếp và hoàn thành toàn bộ trước ngày 15/8/2025. Hoàn thành sáp nhập các tỉnh trước ngày 1/9/2025. Hoàn thành đại hội đảng tại cấp xã trước ngày 31/8/2025. Hoàn thành đại hội cấp tỉnh trước ngày 31/10/2025. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng vào đầu quý I/2026. Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp vào tháng 3/2026.

Cuộc cách mạng này, như Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã khẳng định, mang tầm nhìn chiến lược phát triển đất nước lâu dài. Việc này được thảo luận đánh giá kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt để đi đến thống nhất cao về thực hiện với nguyên tắc, tiêu chí thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, xác định tên gọi và địa điểm đặt trung tâm chính trị - hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp.

Trung ương đã xác định, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập xã không chỉ đơn thuần là vấn đề điều chỉnh tổ chức bộ máy, địa giới hành chính mà còn là vấn đề điều chỉnh không gian kinh tế, điều chỉnh sự phân công, phân cấp, phân bổ nguồn lực cho phát triển.

Và như Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý, đây còn là “cơ hội để chúng ta sàng lọc, sắp xếp, xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới”. Cho nên "bộ máy mới phải tốt hơn, hiệu quả hơn bộ máy cũ", bảo đảm hình thành và mở rộng không gian phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa phù hợp cho phát triển đất nước. Chính quyền địa phương sau sắp xếp phải bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, đáp ứng các yêu cầu quản trị xã hội hiện đại.

Trong sự khẩn trương “ổn định để phát triển” đó, tại Phiên họp 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 25/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Việc sửa luật là để thể chế hóa các chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động. Hệ thống Viện kiểm sát nhân dân được tổ chức, sắp xếp lại gồm Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân khu vực, Viện kiểm sát quân sự các cấp. Theo dự thảo luật quy định, bộ máy Viện kiểm sát nhân dân nay là 3 cấp (tối cao, cấp tỉnh và khu vực), thay vì 4 cấp (cấp tối cao, cấp cao, cấp tỉnh, cấp huyện) như trước đây.

Biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN

Biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN

Cũng với tinh thần “ổn định sớm để phát triển”, các địa phương trên cả nước đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ mà “chủ trương sắp xếp đã rõ, phương án, kế hoạch, lộ trình triển khai đã cụ thể”. Theo đó, việc lấy ý kiến nhân dân được tiến hành bằng hình thức phát phiếu trực tiếp đến từng hộ theo từng thôn, tổ dân phố. Kết quả là phần lớn cử tri tham gia lấy ý kiến đồng ý với việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Trong quá trình thăm dò, lấy ý kiến tại một số địa phương, người dân đều tán thành chủ trương về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Nhiều người dân đề xuất được đặt lại tên đơn vị hành chính mới theo các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa đặc trưng của địa phương mình.

Như tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang diễn ra ngày 25/4, các cử tri thống nhất thông qua Dự thảo Nghị quyết về việc tán thành chủ trương sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang để thành lập tỉnh Bắc Ninh (mới). Trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh Bắc Ninh và và tỉnh Bắc Giang, sau sắp xếp, hợp nhất, tỉnh Bắc Ninh (mới) có diện tích tự nhiên 4.718,6 km2, đạt tỷ lệ 94,3% so với tiêu chuẩn. Quy mô dân số 3.619.433 người, đạt tỷ lệ 258,5% so với tiêu chuẩn; có 99 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại Thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang hiện nay.

Trước đó, ngày 20/4 cử tri đại diện hộ gia đình tỉnh đã tham gia đóng góp lấy ý kiến nhân dân về Đề án sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã của tỉnh Bắc Ninh năm 2025. Kết quả, tổng số cử tri đại diện hộ gia đình của hai tỉnh đồng ý là 781.025/795.200 cử tri, đạt 98,21%.

Tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận khóa XIV tổ chức Hội nghị lần thứ 24, nhằm góp góp ý dự thảo Đề án sắp xếp, hợp nhất hai tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa; đồng thời cho ý kiến dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa, nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Qua khảo sát sơ bộ và đánh giá ban đầu, chủ trương sáp nhập được sự đồng tình cao của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân hai tỉnh. Từ những cơ sở, căn cứ nêu trên, thực hiện sáp nhập Ninh Thuận và Khánh Hòa thành một tỉnh mới, có tên gọi là tỉnh Khánh Hòa nhằm đáp ứng yêu cầu quản trị địa phương trong kỷ nguyên mới của đất nước, dân tộc, phù hợp với xu thế chung là rất cần thiết.

Hạnh Quỳnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/tinh-gon-bo-may-on-dinh-som-de-phat-trien-20250427092147460.htm