Tinh gọn tổ chức - Hướng về cơ sở - Bài cuối: 'Nhạc trưởng' chung, từng tổ chức phát huy sức mạnh

Sau tinh gọn bộ máy, 5 tổ chức chính trị - xã hội và các hội nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây không chỉ là sự điều chỉnh cơ học về tổ chức mà là bước đi chiến lược nhằm tập trung sức mạnh trí tuệ, nguồn lực và phong trào, hướng về cơ sở. Trong vai trò 'nhạc trưởng' chung, Mặt trận không chỉ điều phối mà còn kết nối, để từng tổ chức thành viên phát huy thế mạnh riêng, hướng tới mục tiêu chung: Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh.

 Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ ba, khóa X - Ảnh: Quang Vinh

Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ ba, khóa X - Ảnh: Quang Vinh

Hiệu lực, hiệu quả hơn

PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, nói rằng, việc tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị để cho bộ máy của từng cơ quan, tổ chức hiệu quả, hiệu lực hơn đã được bàn đến từ Đại hội XII nhưng đến bây giờ chúng ta mới hiện thực hóa được. Tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.

Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và 5 tổ chức chính trị - xã hội (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam) cùng các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ cũng thực hiện việc tinh gọn là việc rất cần thiết nhằm mục đích nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Theo PGS.TS Bùi Thị An, MTTQ là nơi thể hiện ý chí nguyện vọng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của dân. Tất cả các tổ chức chính trị - xã hội đều thực hiện mục tiêu chung là tuyên truyền vận động quần chúng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện các chủ trương của Đảng, mục tiêu phát triển đất nước... Chỉ khác là trước đây các tổ chức chính trị - xã hội vận động từng đối tượng riêng rẽ thì bây giờ có sự điều phối của một cơ quan chung nhưng vẫn phải phát huy được thế mạnh của từng tổ chức, đoàn thể.

PGS.TS Bùi Thị An khẳng định, chủ trương sáp nhập là cần thiết và phù hợp với giai đoạn phát triển mới. Sắp xếp, tinh gọn bộ máy là xây dựng một hệ thống chính trị gọn nhẹ, minh bạch, vững mạnh, tránh tình trạng chồng chéo chức năng, lãng phí nguồn lực. Lợi ích có thể nhìn thấy khi sáp nhập là tập trung được sức mạnh của trí tuệ. Nếu trước đây, MTTQ cũng chỉ đạo nhưng chỉ đạo các Hội thành viên thì sau khi sắp xếp, phía dưới trực tiếp của mình là đội ngũ cán bộ rất giỏi được tập hợp từ các tổ chức chính trị - xã hội. Bên cạnh đó còn là tập trung đầu tư, nguồn ngân sách...

Hội LHPN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phản biện xã hội dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, tháng 4/2024 - Ảnh: Thìn Trần

Hội LHPN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phản biện xã hội dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, tháng 4/2024 - Ảnh: Thìn Trần

Phát huy mục tiêu to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng, khi mới sáp nhập, khó khăn là không tránh khỏi. Sáp nhập đồng nghĩa người lãnh đạo sẽ gánh vác trên mình trọng trách lớn hơn, vì vậy yêu cầu về trình độ của cán bộ cũng cần phải cao hơn. Quyền lớn thì trách nhiệm cũng lớn và trình độ phải cao hơn rất nhiều. "Trong chỉ đạo của Trung ương, tôi đề nghị cần lựa chọn người đứng đầu phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực nổi bật, đổi mới... Đồng thời, người lãnh đạo phải có đạo đức trong sáng, không vì "quân anh, quân tôi". Cùng với người đứng đầu, đội ngũ cán bộ mới cũng phải được chọn là tiêu biểu cho sự đoàn kết nhất trí, tất cả phải vì nước, vì dân phục vụ. Khi chọn được người cán bộ giỏi sẽ tạo được sự đồng thuận, đồng tâm, nhất trí, đoàn kết để phát triển", ông Túc nói.

"Sau khi sắp xếp, các đầu mối không còn nhiều, nguồn lực của Nhà nước sẽ được tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho an sinh xã hội. Với những tổ chức thực sự cần thiết giữ lại, phải đánh giá được năng lực hoạt động để thấy được những đóng góp thiết thực của tổ chức đó cho xã hội. Điều này sẽ nhân lên sức mạnh rất lớn của khối đại đoàn kết. Khi đó, người dân sẽ đồng thuận, sẽ thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước nhất quán, tạo nên sức mạnh vô cùng lớn".

PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội

Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội Bùi Thị An cũng cho rằng, từ các tổ chức độc lập nay tập trung về ngôi nhà chung, khó tránh khỏi những khó khăn ban đầu. Điều này đòi hỏi người lãnh đạo phải ở tầm rất cao về trình độ và cả về quản trị để giải quyết. Người lãnh đạo phải vừa có tầm vừa có tâm để chỉ đạo thế nào, điều hành ra sao, phải công bằng và hiệu quả. "Rất cần cái tầm của người đứng đầu của MTTQ kết nối các tổ chức chính trị - xã hội khi vừa mới được sáp nhập để điều phối, hài hòa các lợi ích. Trước đây nhiều tổ chức, giờ tập hợp vào một mái nhà chung, chỉ đạo chung và người lãnh đạo sẽ nhìn thấy cái nào thừa, cái nào thiếu để chỉ đạo điều hành, như vậy sẽ sâu sát hơn, đúng trọng tâm hơn. Sáp nhập không phải là tập trung quyền lực về một nơi mà là sự kết nối đồng bộ để tập trung trí tuệ, tập trung lực lượng thực hiện mục tiêu chung. Khi sự kết hợp tạo ra kết quả tốt sẽ tạo được niềm tin lớn cho người dân, từ đó xây dựng nên khối đại đoàn kết toàn dân thực sự mạnh để thực hiện những nhiệm vụ trọng đại trong kỷ nguyên này", bà An nói.

Ông Hà Bá Tâm, cán bộ MTTQ huyện Thường Xuân (Thanh Hóa), cho rằng, sáp nhập sẽ tạo nên sợi dây liên kết đồng bộ. Sau sáp nhập, hoạt động của các phong trào sẽ có nhiều đổi khác theo hướng tinh gọn nhưng có chiều sâu hơn. Thay vì "mỗi hội một cuộc" sẽ là Mặt trận chỉ đạo, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và những tổ chức khác cùng phối hợp thực hiện. Như vậy, so với hoạt động riêng rẽ trước đây, sự phối hợp này sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn. Thực tế, hội viên, người dân không quan tâm nhiều đến cơ cấu tổ chức mà họ chỉ quan tâm "ai đến với chúng tôi, hiệu quả thế nào". Khi Mặt trận và các đoàn thể lấy cơ sở làm trung tâm, lấy việc chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân và đoàn viên, hội viên của tổ chức mình làm mục tiêu phục vụ thì tổ chức có tinh gọn, phong trào vẫn có chiều sâu, bền bỉ và tạo sức lan tỏa thực sự. Chính phong trào cơ sở là nơi đoàn thể phát huy sức mạnh.

Theo PGS.TS Bùi Thị An, trước đây MTTQ đã thực hiện mục tiêu của mình nhưng chưa đạt đến đỉnh cao, bây giờ có thêm các tổ chức chính trị-xã hội, chắc chắn đỉnh cao của mục tiêu sẽ đạt được. "Cá nhân tôi ủng hộ tuyệt đối với chủ trương tinh gọn bộ máy. Tuy nhiên phải làm sao sắp xếp, lựa chọn được đúng cán bộ tài ở lại và xử lý hợp lý với những người dôi dư. Với các tổ chức chính trị - xã hội sau khi sáp nhập, trong cái chung vẫn có cái riêng, đối tượng vận động riêng và để làm sao phát huy tối đa vai trò, nhiệm vụ của các tổ chức khi đã về chung một nhà. Sự chỉ đạo, điều hành hiệu quả của lãnh đạo MTTQ là yếu tố then chốt. Với sự lãnh đạo, phối hợp tốt, MTTQ sẽ phát huy được vai trò tập hợp, đoàn kết toàn dân, góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ cách mạng", PGS.TS Bùi Thị An chia sẻ.

Có thể nói, khi tổ chức tinh gọn, điều hành hiệu quả, phong trào lan tỏa và cán bộ đủ "tâm - tầm - trách nhiệm", khối đại đoàn kết trở thành nền tảng phát triển vững chắc trong kỷ nguyên mới.

Nhóm PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tinh-gon-to-chuc-huong-ve-co-so-bai-cuoi-nhac-truong-chung-tung-to-chuc-phat-huy-suc-manh-20250512101429267.htm