Tinh hoa ẩm thực từ sen
Không chỉ được tôn làm quốc hoa, sen còn trở thành một phần tinh hoa trong ẩm thực Việt. Các món ăn từ sen trong ngày Tết vì thế cũng mang những nét tinh tế riêng.
Ngọt thơm mứt sen vị Tết
Những ngày giáp Tết, bà Nguyễn Thị Phương ở phường Quang Trung (TP Hải Dương) dù bận đến đâu vẫn tự tay làm chút mứt sen để dùng. Với bà, những viên mứt sen nhỏ tròn, màu hanh vàng như gói ghém trong mình hương vị của ngày Tết, đậm đà, ngọt ngào và tinh tế. Không chỉ mang hương vị độc đáo, bổ dưỡng, mứt hạt sen còn có ý nghĩa tượng trưng cho một năm mới sum họp, con cháu đầy nhà.
“Từ xưa, mỗi dịp Tết, trên mâm lễ cúng gia tiên của người Việt không thể thiếu gói mứt sen. Ngày nay, cuộc sống đủ đầy, món ăn này vẫn được trân quý và không thể thiếu trong ngày Tết. Chỉ việc làm mứt thôi cũng thấy Tết về rồi”, bà Phương nói.
Trà ướp hoa sen
Những ngày áp Tết cũng là lúc cán bộ, nhân viên Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc tất bật gói hàng nghìn bông trà sen Kiếp Bạc gửi đi muôn nơi, đáp ứng nhu cầu của khách. Đây cũng là sản phẩm nổi tiếng của di tích Kiếp Bạc (TP Chí Linh).
Để làm ra những búp trà sen ngon, vào mùa sen nở rộ, cán bộ khu di tích đi thuyền ra hồ từ sáng sớm, lựa chọn và thu hoạch từng bông hoa vừa chớm nở. Việc thu hoạch sen phải hoàn tất trước khi mặt trời mọc. Sen mang về được ướp trà vào giữa bông, quấn thêm lớp lá sen rồi buộc chặt dây và cắm vào bình nước qua đêm. Khi hương sen tỏa vừa đủ độ, thấm vào từng cánh trà cũng là lúc từng búp trà sen được đem đi bảo quản.
Việc làm ra trà sen đã khó, cách để pha được một ấm trà sen ngon càng khó hơn và trở thành nghệ thuật. Từ dụng cụ lấy trà, ấm pha trà, chén uống trà… đến nguồn nước dùng để pha đều được lựa chọn khắt khe. Nghệ nhân pha trà điêu luyện qua từng công đoạn: đánh thức trà, hãm trà, ủ trà, rót ra chén tống, chia các chén nhỏ rồi mới thưởng thức...
Nhấc chén trà, để hương sen trong trà phả vào mặt, thức tỉnh các giác quan, nhấp từng ngụm để cảm nhận, người thưởng trà sẽ thấy thư thái, cảm giác như mình đang lạc giữa hồ sen thơm ngát.
Nhà hàng ăn chay đông khách nhờ sen
Tại Hải Dương, thời gian gần đây, các món ăn chế biến từ sen cũng trở nên phổ biến, nhất là tại các nhà hàng chay, khách sạn cao cấp.
Nhà hàng chay Viên Minh ở phố Vũ Hựu, phường Thanh Bình (TP Hải Dương) có hơn 10 món chay từ sen: xôi cốm hạt sen, củ sen chiên tempura, nộm ngó sen, củ sen hầm thuốc bắc, chè sen ngân nhĩ… với giá từ 60.000-90.000 đồng/suất.
Chị Phạm Âu Diệu Anh, quản lý nhà hàng cho biết vào mồng một hay ngày rằm, có tới 90% số khách đặt các món ăn liên quan đến sen để làm lễ cúng và thưởng thức.
Nhà hàng chay Anh Đào ở phố Vạn Xuân, phường Tân Bình (TP Hải Dương) hoạt động được hơn 1 năm nhưng menu các món ăn về sen khá bắt mắt, đa dạng. Tuy nhiên, bà Lương Thị Nụ, chủ nhà hàng tiếc nuối hạn chế của việc chế biến các món ăn từ sen là yếu tố mùa vụ. Các nguyên liệu hoa, hạt, ngó sen tươi chỉ dồi dào về mùa hè, còn mùa đông chỉ có củ và hạt.
Giá trị tốt đẹp từ ẩm thực sen
Trao đổi với phóng viên báo Hải Dương, chuyên gia ẩm thực nổi tiếng Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân cho rằng, chưa có loài cây nào mà gần như tất cả các bộ phận đều có thể chế biến thành món ăn, thức uống như sen: từ củ, ngó, hoa, đến lá, gương, hạt, nhụy. “Một đời của sen chắt chiu từ bùn đất để hiến dâng cho đời những gì tinh túy nhất”, bà Cẩm Vân nói.
Nhiều hơn thế, sen còn mang trong mình những giá trị tốt đẹp về văn hóa, cốt cách của con người Việt Nam. Trong một lần quảng bá ẩm thực Việt Nam ở Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, bà Cẩm Vân từng chia sẻ những thông tin khá thú vị về cây sen: Từ những bài học đầu tiên trong ghế nhà trường, ai cũng quen với hình ảnh hoa sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, kiên cường, bất khuất. Ít ai biết rằng, có một sự thật, sen chỉ phát triển được ở nơi có bùn. Và nơi nào có sen, bùn không hề có mùi hôi thối, nguồn nước đều rất trong. Hoa sen khi nở có hương thơm thuần khiết, không quyến rũ như hồng, nhài hay lý dạ hương. Bởi vậy, hiếm khi thấy ong và bướm xuất hiện ở đầm sen. Ngồi bên sen lòng người không hề rạo rực mà tâm luôn tịnh...
Để nấu được những món ăn ngon từ sen, trước hết người đầu bếp phải hiểu giá trị món ăn, hương vị ẩn chứa trong nguyên liệu. Mỗi món ăn lại có cách làm riêng. “Người đầu bếp phải làm sao để thực khách cảm nhận được lòng sen, tiếng nói và tâm tình của sen trong mỗi món ăn”, bà Cẩm Vân cho biết. Các món ăn từ sen phải có vị thanh, nhẹ. Đặc biệt, hương thơm dịu nhẹ, tao nhã của sen kỵ với ngũ vị hương, hành tỏi (có thể chỉ sử dụng một chút hành tây).
Còn rất nhiều món ăn lạ miệng có thể chế biến từ sen cho ngày Tết của mỗi gia đình như: cơm hấp hạt sen, củ sen hầm thuốc bắc, cháo hạt sen, gỏi ngó sen, chè hạt sen long nhãn… Các món ăn vừa thơm ngon, giàu giá trị dinh dưỡng, vừa có tác dụng như các bài thuốc bồi bổ sức khỏe, an thần. Theo thống kê có khoảng 200 món ăn, thức uống được chế biến từ nguyên liệu chính là sen.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/tinh-hoa-am-thuc-tu-sen-400779.html