Tính lương người quản lý công ty có vốn Nhà nước thế nào?
Bà Trần Thị Thúy Hằng (TPHCM) làm việc tại công ty cổ phần có vốn Nhà nước trên 50%. Công ty đang chi trả lương cho người quản lý theo quy định tại Nghị định số 53/2016/NĐ-CP và Thông tư số 28/2016/TT-BLĐTBXH.
Theo quy định tại Thông tư số 28/2016/TT-BLĐTBXH, công ty có lợi nhuận kế hoạch dưới 50 tỷ đồng thì mức tiền lương bình quân kế hoạch tối đa không quá 36 triệu đồng/tháng (mức lương cơ bản).
Bà Hằng hỏi, mức tiền lương để tính tiền lương bình quân của người quản lý gồm những nội dung gì? Những khoản lương thời gian (lễ, phép, hội họp), lương làm thêm giờ, các khoản bổ sung lương và mang tính chất lương (lương tháng 13, 14) có phải tính vào tổng tiền lương của người quản lý và bị giới hạn không quá 36 triệu đồng/tháng hay không?
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Hiện nay, tiền lương đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước được quy định tại Nghị định số 53/2016/NĐ-CP ngày 13/6/2016 của Chính phủ và Thông tư số 28/2016/TT-BLĐTBXH ngày 1/9/2016 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong đó Nhà nước quy định các nguyên tắc xác định quỹ tiền lương đối với người quản lý chuyên trách theo chức danh công việc và gắn với việc bảo toàn và phát triển vốn, thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm đối với người lao động và Nhà nước theo quy định của pháp luật và các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh (Điều 3, Điều 6 Nghị định số 53/2016/NĐ-CP và Mục 4 Thông tư số 28/2016/TT-BLĐTBXH).
Trên cơ sở quỹ tiền lương được hưởng, công ty phân phối và trả lương cho người quản lý (việc trả lương cụ thể cho từng người quản lý căn cứ vào thời gian làm việc, mức độ đóng góp vào hiệu quả sản xuất, kinh doanh, kết quả quản lý, điều hành hoặc kiểm soát, làm đêm, làm thêm giờ,...) theo quy chế trả lương của công ty và không được vượt quá quỹ tiền lương được hưởng nêu trên.