Tỉnh nào bờ biển dài nhất Việt Nam, địa hình chủ yếu là núi?

Đây là tỉnh có 5 cảng biển, đa số diện tích là núi non. Miền đồng bằng rất hẹp, chiếm chưa tới 1/10 diện tích toàn tỉnh. Với lợi thế bờ biển dài, tỉnh này phát triển kinh tế biển và du lịch thuộc top đầu cả nước.

1. Đây là tỉnh nào?

Quảng Ngãi
Bình Định
Khánh Hòa
Bình Thuận

Chính xác

Khánh Hòa là tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, thuộc miền Trung Việt Nam. Bờ biển Khánh Hòa dài tới 385 km, dài nhất Việt Nam với nhiều cửa lạch, đầm vịnh, đảo lớn nhỏ.

Các vịnh ở Khánh Hòa đa phần có mực nước sâu, giúp các thuyền trọng tải lớn có thể vào gần bờ nên phù hợp xây dựng cảng biển. Vì vậy, giao thương quốc tế là thế mạnh của Khánh Hòa.

2. Tỉnh này nổi tiếng với thành phố du lịch nào?

Phan Thiết
Nha Trang
Tuy Hòa
Hội An

Chính xác

Nha Trang là thành phố du lịch nổi tiếng thuộc tỉnh Khánh Hòa. Nơi đây có khí hậu dễ chịu, mùa đông ít lạnh, mùa hè không quá nắng gắt. Nha Trang thu hút khách tham quan đến từ nhiều nơi. Một số trang xếp hạng du lịch đánh giá vịnh Nha Trang thuộc top 30 vịnh đẹp nhất thế giới.

3. Tháp bà Ponagar ở Nha Trang là công trình kiến trúc tôn giáo do đồng bào dân tộc nào xây dựng?

Người Chăm
Người Khmer
Người Ê Đê
Người Cơ Tu

Chính xác

Tháp bà Ponagar là ngôi đền được người Chăm xây dựng từ khoảng thế kỷ thứ VII đến thế kỷ XIII. Đây là giai đoạn hưng thịnh của vương quốc Chăm Pa khi xưa. Tháp bà Ponagar còn được biết đến với tên gọi tháp Yang Po Inư Nagar, thờ nữ thần Po Ina Nagar – vị thần khai sinh ra trái đất, tạo ra cây cối, mùa màng, bảo vệ con người khỏi thiên tai.

Đến ngày nay, tháp bà Ponagar vẫn là một phần quan trọng trong đời sống tinh thần, tín ngưỡng của đồng bào Chăm.

4. Điểm cực đông trên đất liền nằm ở đâu của tỉnh Khánh Hòa?

Hòn Tre
Mũi Đôi
Đảo Yến
Bãi Dốc Lết

Chính xác

Mũi Đôi nằm trên bán đảo Hòn Gốm (Vạn Thạnh, Vạn Ninh, Khánh Hòa ) được biết tới là điểm cực Đông trên đất liền của Việt Nam và nằm trong khu vực danh thắng quốc gia Mũi Đôi - Hòn Đầu.

Trong khi đó, điểm cực Tây Việt Nam nằm tại A Pa Chải (Sín Thầu, Mường Nhé, Điện Biên); điểm cực Nam nằm ở mũi Cà Mau (Đất Mũi, Ngọc Hiển, Cà Mau); điểm cực Bắc Việt Nam nằm tại Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang).

5. Vị bác sĩ người Pháp nổi tiếng nào từng coi Khánh Hòa là quê hương thứ 2 của ông?

Bác sĩ Alexandre Yersin
Bác sĩ Louis Pasteur
Bác sĩ Edward Jenner
Bác sĩ Joseph Lister

Chính xác

Theo chân thực dân Pháp đến Việt Nam, nhưng bác sĩ Alexandre Yersin có rất nhiều đóng góp cho nền y tế của nước bản địa. Khi sinh sống tại Nha Trang, Khánh Hòa, ông thường thăm khám, chữa bệnh miễn phí giúp nhân dân trong vùng. Vì vậy, người dân ở đây coi ông như “phật sống”.

Thời gian Hong Kong bùng nổ bệnh dịch hạch, bác sĩ Yersin xin phép chính phủ Pháp đến đây để tìm hiểu. Ông là người đầu tiên trên thế giới sáng tạo ra vắc xin dịch hạch, giúp tiêu diệt đại dịch cực kỳ nguy hiểm này.

Ngoài công việc làm bác sĩ, Alexandre Yersin còn là một nhà thám hiểm. Ông đã phát hiện ra Cao nguyên Lâm Viên cũng như vùng đất Đà Lạt ngày nay.

Hiện ở Khánh Hòa có nhiều di tích cấp quốc gia gắn liền với cuộc đời vị bác sĩ người Pháp, có thể kể đến như: thư viện tại Viện Pasteur Nha Trang (đường Trần Phú, Xương Huân, Nha Trang); chùa Linh Sơn, phần mộ bác sĩ Yersin (Suối Cát, Cam Lâm).

Tên của bác sĩ Yersin cũng được đặt cho một con đường nằm tại trung tâm thủ đô Hà Nội.

Thúy Nga

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tinh-nao-co-bo-bien-dai-nhat-viet-nam-dia-hinh-chu-yeu-la-nui-2126043.html