Tỉnh nào ở Việt Nam có đông dân tộc sinh sống nhất?

Việt Nam có 54 dân tộc anh em, trong đó người Kinh chiếm đa số, khoảng hơn 86% dân số cả nước. Một tỉnh của nước ta là nơi hội tụ của 49 dân tộc sinh sống.

1. Tỉnh nào ở Việt Nam có đông dân tộc sinh sống nhất?

Đắk Lắk
Đồng Nai
Bắc Kạn
Gia Lai

Chính xác

Đắk Lắk nằm ở vị trí trung tâm của vùng Tây Nguyên gồm các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và Đắk Nông. Đây là tỉnh gồm 49 dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc có những nét đẹp văn hóa riêng.

Nơi đây được xem là “cái nôi” của nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào Ê Đê, M'Nông, Gia Rai như: lễ hội cồng chiêng, đâm trâu, đua voi mùa xuân… hay những sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá như: kiến trúc nhà sàn, nhà rông; các nhạc cụ lâu đời nổi tiếng như các bộ cồng chiêng, đàn đá, đàn T'rưng; các bản trường ca Tây Nguyên…

Trong đó, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

2. Dân tộc thiểu số nào cư trú tập trung nhiều nhất ở Đắk Lắk?

M’Nông
Ê Đê
Gia Rai
Tày

Chính xác

Trong số 49 dân tộc chung sống ở Đắk Lắk, người Kinh chiếm đa số, khoảng 70%; tiếp đó là người Ê Đê 18%, người Nùng 4%, người Tày hơn 2%, người Mông hơn 2,1%...

Cổng thông tin điện tử Ủy ban dân tộc viết, người Ê Đê đã có mặt từ rất lâu ở khu vực miền trung - Tây Nguyên. Hơn 90% người Ê Đê tại Việt Nam sinh sống ở Đắk Lắk, còn lại tập trung ở các tỉnh Phú Yên, Đắk Nông, Khánh Hòa.

3. Dân tộc thiểu số nào đông nhất ở Tây Nguyên?

Ê Đê
Nùng
M’Nông
Gia Rai

Chính xác

Người Gia Rai (hay JRai) sinh sống chủ yếu ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum và phía bắc tỉnh Đắk Lắk. Theo số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số vào năm 2019, cộng đồng này có trên 513.000 người, là dân tộc đông nhất ở Tây Nguyên.

Người Gia Rai sống thành từng làng, gồm một hội đồng các bô lão có uy tín chủ trì chung. Hội đồng cũng chọn ra một người đứng đầu gọi là trưởng làng, giữ vai trò điều hành mọi sinh hoạt tập thể.

4. Gia đình người Gia Rai theo chế độ gì?

Mẫu hệ
Phụ hệ
Song hệ

Chính xác

Dân tộc Gia Rai theo chế độ mẫu hệ, phụ nữ được tự do lựa chọn người yêu và chủ động việc lấy chồng. Phong tục cưới xin giản đơn, không mang tính chất mua bán và do nhà gái chủ động. Khi đã thành vợ thành chồng, đàn ông phải sang nhà vợ, không có trường hợp ngược lại.

Con cái người Gia Rai đều theo họ mẹ. Ngoài xã hội, đàn ông đóng vai trò quan trọng, nhưng trong nhà phụ nữ có ưu thế hơn.

5. Trang phục truyền thống của người Kinh ở khu vực đồng bằng Nam Bộ là gì?

Áo dài
Váy xòe thổ cẩm
Áo tứ thân
Áo bà ba

Chính xác

Trang phục truyền thống của phụ nữ Nam Bộ là áo bà ba cùng với khăn rằn. Áo bà ba hiện nay không thẳng và rộng như xưa mà được nhấn thêm eo bụng, eo ngực cho ôm sát lấy thân hình. Ngoài ra, áo còn được thiết kế sáng tạo theo kiểu cổ lá sen, cánh én…

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tinh-nao-o-viet-nam-co-dong-dan-toc-sinh-song-nhat-2174420.html