Tổ chức học 2 buổi/ngày: Bộ GD&ĐT chưa có chủ trương bắt buộc
Với đề xuất học 2 buổi/ngày, Bộ GD&ĐT khẳng định chưa có chủ trương bắt buộc, việc tổ chức buổi học thứ 2 phải trên tinh thần tự nguyện và dựa vào điều kiện cụ thể của từng nơi.
Chiều 6-4, trả lời báo chí về những lo ngại xung quanh đề xuất học 2 buổi/ngày, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: Việc học 2 buổi/ngày không phải là mới nhưng ở bậc THCS và THPT mọi chuyện trở nên phức tạp hơn rất nhiều.
Nguyên nhân là học sinh cấp hai, cấp ba sẽ có nhu cầu khác nhau, đã hình thành định hướng nghề nghiệp. Do đó, có em muốn học thêm kiến thức về ngoại ngữ hoặc tin học. Nếu trường không tổ chức dạy buổi hai thì các em có thể tìm nơi học phù hợp.
3 điều kiện để thực hiện học 2 buổi/ngày
Ở Việt Nam việc dạy học hai buổi mỗi ngày trước hết để đảm bảo học sinh thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông. Thứ hai là giảm áp lực cho các em; hình thành cho học sinh các kỹ năng khác, với mục tiêu phát triển toàn diện.
Ông Thưởng cho hay số trường dạy hai buổi mỗi ngày ở cấp THCS và THPT đã "tăng lên rất nhiều" so với 5-15 năm trước.
"Qua khảo sát, chúng tôi thấy rằng nơi nào tổ chức tốt việc dạy học hai buổi mỗi ngày thì chất lượng giáo dục toàn diện của trường, lớp đó cũng khá hơn và tốt hơn" - ông nói.
Dù vậy, dạy hai buổi mỗi ngày có một số bất cập như có nơi dạy kiến thức văn hóa là chính, gây áp lực cho học sinh. Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát, đánh giá lại hoạt động dạy hai buổi mỗi tuần để ra hướng dẫn chung toàn quốc.
"Học sinh không phải chỉ học kiến thức phổ thông mà còn phát triển thể chất, tâm hồn, thể dục, thể thao, kỹ năng như công dân số, ứng dụng AI, ngoại ngữ, tin học" - Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng cho hay muốn tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tốt ít nhất phải có 3 điều kiện. Đó là cơ sở vật chất, đủ giáo viên và chương trình phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi.
Thực tế, nhiều trường trung học hiện nay vẫn thiếu phòng học, thiếu nhà vệ sinh, sân chơi... Giáo viên quá tải, lớp học phải xoay vòng theo ca. Trong khi đó, buổi học thứ 2 ở nhiều nơi chỉ là hình thức phụ đạo hoặc nhắc lại kiến thức buổi sáng, khiến học sinh mệt mỏi, phụ huynh lo lắng, giáo viên áp lực.
Thứ trưởng khẳng định tinh thần cốt lõi của chương trình giáo dục mới là phát triển học sinh toàn diện từ kiến thức, kỹ năng đến thể chất và giá trị sống.
Buổi học thứ 2 không chỉ để học thêm kiến thức. Đó phải là khoảng thời gian để các em rèn luyện thể chất, phát triển kỹ năng, tiếp cận công nghệ, học ngoại ngữ…
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT thông tin về việc học 2 buổi/ngày. Ảnh: QUANG PHÚC
Buổi học thứ 2 không đơn giản là "mở thêm lớp phụ đạo"
Theo ông Thưởng, nếu buổi thứ 2 bị hiểu đơn giản là "mở thêm lớp phụ đạo" thì không chỉ lệch mục tiêu giáo dục mà còn vô tình biến trường học thành nơi học mãi không hết giờ.
Thứ trưởng cũng khẳng định cho đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT chưa có chủ trương bắt buộc, việc tổ chức buổi học thứ 2 phải trên tinh thần tự nguyện và điều kiện cụ thể của từng nơi.
Thông tin thêm, Thứ trưởng cho biết Bộ GD&ĐT đang rà soát lại toàn bộ mô hình dạy học 2 buổi/ngày với dự kiến ban hành văn bản hướng dẫn mới thay thế quy định cũ đã tồn tại từ năm 2010.
"Chúng tôi đang rà soát và sẽ có hướng dẫn mới phù hợp hơn, đảm bảo chất lượng, giảm áp lực, phát triển toàn diện và sát với nhu cầu thực tế của học sinh, phụ huynh" - Thứ trưởng cho biết.
Trong bối cảnh giáo dục cần thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội và công nghệ, việc học 2 buổi/ngày nếu được làm đúng có thể là cơ hội để học sinh phát triển sâu hơn về năng lực cá nhân. Thế nhưng nếu làm sai cách, sai thời điểm thì sẽ chỉ tạo thêm gánh nặng.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: Không thể lấy tiêu chí "nơi nào cũng phải học 2 buổi/ngày" làm thước đo chất lượng. Mỗi địa phương, mỗi trường học có điều kiện khác nhau, không thể dùng một mô hình cho tất cả. Một buổi học tốt không nằm ở thời lượng dài hay ngắn mà ở nội dung phong phú, thầy cô tận tâm và môi trường tích cực.
Nguồn PLO: https://plo.vn/to-chuc-hoc-2-buoingay-bo-gddt-chua-co-chu-truong-bat-buoc-post842930.html