Tổ chức Hội: Tinh gọn bộ máy nhưng không 'mỏng' phong trào
Khi tiến hành sắp xếp, sáp nhập địa giới hành chính, không ít người từng lo ngại công tác Hội và phong trào phụ nữ sẽ bị 'mỏng' đi. Nhưng thực tế cho thấy, nếu tổ chức Hội sẵn sàng đổi mới, thích ứng thì tinh gọn chính là cơ hội để Hội chuyển mình mạnh mẽ hơn, tiếp tục giữ vững vai trò nòng cốt trong tập hợp, vận động phụ nữ bước vào kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.

Cán bộ, hội viên phụ nữ xã Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) tham gia cuộc thi Tìm hiểu nghị quyết đại hội đại biểu phụ nữ các cấp. Ảnh minh họa
Bài 1: Chủ động thích ứng sau sáp nhập
Chủ động đổi mới phương thức hoạt động
Đã 5 năm kể từ ngày 2 xã Thạch Tân và Thạch Bình (huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) sáp nhập thành xã Thạch Bình, chị Lê Thị Thủy, Chủ tịch Hội LHPN xã Thạch Bình, vẫn nhớ cảm giác hồi hộp khi điều hành hoạt động Hội theo mô hình mới. "Trước khi sáp nhập, tôi là Chủ tịch Hội LHPN xã Thạch Tân, quản lý hơn 500 hội viên tại 4 chi hội. Sau khi 2 xã sáp nhập, con số hội viên lên đến khoảng 2.300 người. Với đặc thù địa bàn xã miền núi có diện tích rộng, việc điều hành sinh hoạt tại 15 chi hội thật không dễ dàng", chị Thủy chia sẻ.

Hội viên phụ nữ xã Thạch Bình (huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) nêu cao tinh thần chủ động đổi mới, sáng tạo, hoạt động hiệu quả
Theo chị Lê Thị Thủy, để có thể tổ chức được các buổi sinh hoạt Hội, nhiều chị em phải tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần. Có những nơi chị em đi làm đồng xa, việc sinh hoạt chỉ có thể tổ chức vào buổi tối. Để có thể nắm bắt kịp thời tình hình ở cơ sở, sâu sát với hội viên, chị Thủy và Phó Chủ tịch Hội LHPN xã phải sắp xếp công việc gia đình để cùng tham gia, động viên, chia sẻ với chị em hội viên. Bên cạnh đó, Hội LHPN xã Thạch Bình cũng đẩy mạnh đổi mới phương thức hoạt động. Từ thực tế địa bàn rộng, hội viên đông, để kịp thời truyền tải thông tin đến hội viên, cán bộ Hội LHPN xã đã ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội. Hiện nay, 15/15 chi hội đều có nhóm trao đổi thông tin trên mạng xã hội Zalo và một fanpage Hội LHPN xã. Nhờ đó, các thông tin, chủ trương, hoạt động của Hội LHPN các cấp đều được truyền tải đến hội viên một cách nhanh chóng, kịp thời. Các hoạt động ở cơ sở cũng được chị em cập nhật trên nền tảng số.
"Chúng tôi không đơn giản là đăng một bức ảnh lên mạng xã hội để báo cáo mà đó là sự ghi nhận đối với hội viên khi chị em tích cực tham gia phong trào. Các chị rất phấn khởi!", chị Lê Thị Thủy cho hay.

Hội viên phụ nữ xã Thạch Bình tích cực vì môi trường sống xanh - sạch - đẹp
Đến nay, sau 5 năm sáp nhập 2 xã, kết quả hoạt động công tác Hội trên địa bàn xã Thạch Bình đã có nhiều khởi sắc. Các hoạt động của Hội được lồng ghép trong thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương. Đặc biệt, công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững tiếp tục có bước phát triển. Tính riêng năm 2024, hoạt động ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổ chức tài chính vi mô, trên địa bàn xã có tổng dư nợ trên 24,5 tỷ đồng/12 tổ vay vốn, hỗ trợ 650 hội viên vay vốn để phát triển kinh tế, tăng 1,5 tỷ đồng so với năm 2023. Từ quỹ "Con giống niềm tin", Hội LHPN xã Thạch Bình đã hỗ trợ bò sinh sản để hội viên phát triển chăn nuôi; đẩy mạnh hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; nâng cao chất lượng, tăng cường giới thiệu, quảng bá các sản phẩm do hội viên sản xuất như: Lúa nếp hạt cau Thạch Bình, dưa lê, bí xanh và các loại hoa màu khác.
Lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, vấn đề ưu tiên
"Chính phủ đã ban hành chương trình Bình dân học vụ số. Tôi cho rằng, sự hỗ trợ của công nghệ thông tin cùng sự quyết tâm của đội ngũ cán bộ Hội sẽ là yếu tố quan trọng để tổ chức Hội giữ vững vai trò nòng cốt trong tập hợp, vận động phụ nữ bước vào kỷ nguyên mới".
Bà Ngô Thị Hồng Hảo, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa
Theo bà Ngô Thị Hồng Hảo, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2017 đến hết năm 2024, tỉnh Thanh Hóa là địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nhiều nhất cả nước khi sáp nhập 143 xã để thành lập 67 xã, giảm 76 xã. Với quyết tâm đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo Hội LHPN các cấp trên địa bàn chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, điều hành và tổ chức các hoạt động. Xác định nội dung, những vấn đề ưu tiên, liên quan trực tiếp đến phụ nữ để chỉ đạo trong hệ thống Hội; triển khai theo hướng chuyên sâu, có điểm nhấn, lồng ghép phong trào thi đua, các nhiệm vụ của Hội vào nhiệm vụ của địa phương, đơn vị. Việc tổ chức các sự kiện, hội thi, chuỗi hoạt động tạo sức lan tỏa, khí thế sôi nổi, thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ hưởng ứng.
Công tác hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế số được tăng cường, với nhiều hoạt động như: Tập huấn kiến thức, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp cho gần hàng nghìn hội viên, phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh; tổ chức hội nghị, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh và phát triển sản phẩm OCOP; hỗ trợ đăng tải thông tin quảng bá sản phẩm do phụ nữ sản xuất, kinh doanh trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội, sàn giao dịch điện tử, trên không gian mạng.
Sau sáp nhập, dù có những thay đổi về tổ chức bộ máy nhưng phong trào tại cơ sở vẫn được triển khai hiệu quả, với nhiều cách làm sáng tạo. Bà Ngô Thị Hồng Hảo cho biết, với kinh nghiệm đã triển khai hoạt động hiệu quả Hội LHPN cấp cơ sở sau khi sáp nhập, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa sẽ thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương và lãnh đạo tỉnh, sẵn sàng hoạt động trong tình hình mới, tập trung vào các nhiệm vụ thúc đẩy bình đẳng giới thực chất, bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ, đặc biệt là nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ.