Tơ lụa tuần hoàn: Hướng đi bền vững cho xây dựng nông thôn mới
Mô hình sản xuất tơ lụa tuần hoàn không chỉ bảo tồn nghề truyền thống, mà còn phát triển kinh tế tuần hoàn và xây dựng nông thôn mới bền vững.
Thoát khó nhờ chuyển đổi tư duy sản xuất
Thời gian qua, việc phát triển mô hình kinh tế xanh, ứng dụng công nghệ vào bảo tồn làng nghề đã tạo việc làm cho lao động tại chỗ, đồng thời góp phần hoàn thiện nhiều tiêu chí trong Bộ tiêu chí nông thôn mới. Hướng đi này được đánh giá là rất đúng đắn, đặc biệt là thực hiện được mục tiêu kép vừa phát triển doanh nghiệp, vừa gắn với bảo vệ môi trường.
Tại Hội thảo “Mô hình kinh tế tuần hoàn: Hiệu quả cho doanh nghiệp và môi trường”, bà Phan Thị Thuận - Giám đốc Công ty TNHH Dâu tơ tằm Mỹ Đức đã chia sẻ hành trình hình thành mô hình sản xuất tơ lụa theo hướng tuần hoàn. Đây không chỉ là minh chứng cho sức sống bền bỉ của một làng nghề cổ truyền mà còn mở ra hướng phát triển mới, thân thiện với môi trường, nâng cao giá trị kinh tế nông nghiệp nông thôn và góp phần thực hiện hiệu quả các tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Nghệ nhân Phan Thị Thuận - Giám đốc Công ty TNHH Dâu tơ tằm Mỹ Đức. Ảnh: Nguyễn Vy
Theo bà Phan Thị Thuận, ngành dâu tằm tơ từng có thời kỳ phát triển rực rỡ từ những năm 1960 - 1988 dưới các hình thức làng nghề, hợp tác xã, doanh nghiệp nhà nước. Khi ấy, Nhà nước giữ vai trò chủ lực trong định hướng và thu mua sản phẩm. Tuy nhiên, bước sang giai đoạn đầu của nền kinh tế thị trường, ngành dâu tằm tơ rơi vào giai đoạn thoái trào: Thị trường xuất khẩu bất ổn, đất sản xuất bị thu hẹp, cơ chế chính sách thay đổi, dẫn đến hàng loạt làng nghề mai một, hợp tác xã và doanh nghiệp giải thể.
Trước thực trạng ấy, nghệ nhân Phan Thị Thuận không ngừng tìm tòi cải tiến kỹ thuật. Bước ngoặt lớn xuất hiện vào năm 2015 khi bà sáng tạo thành công kỹ thuật tằm tự dệt, một giải pháp cho phép con tằm nhả tơ trực tiếp thành tấm, loại bỏ hoàn toàn các công đoạn ươm, kéo, dệt truyền thống. Sáng tạo này không chỉ làm giảm hàng nghìn ngày công mỗi năm, mà còn tiết kiệm 80% điện năng và khoảng 500 triệu đồng chi phí sản xuất.
Đặc biệt, năm 2021, sản phẩm tơ sen do bà Thuận nghiên cứu và phát triển đã đạt được các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của thị trường trong và ngoài nước. Đây là dòng sản phẩm mang tính bản địa cao, ứng dụng tốt trong lĩnh vực thời trang, thủ công mỹ nghệ cao cấp, đồng thời thân thiện với môi trường và có giá trị xuất khẩu.
“Muốn bảo tồn và phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa, đặc biệt là phát triển ngành tơ sen, yếu tố quan trọng là cải tiến kỹ thuật, đổi mới sáng tạo, tạo ra sản phẩm chất lượng, giá thành cạnh tranh, gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn và quản lý tốt”, bà Thuận khẳng định.
Lợi ích kép từ kinh tế tuần hoàn
Bà Thuận nhấn mạnh: “Từ quy trình sản xuất đến thu gom và tái sử dụng phụ phẩm, tất cả đều được tính toán kỹ lưỡng để giảm thiểu lãng phí, hài hòa mục tiêu kép về bảo vệ môi trường và tối đa hóa lợi ích kinh tế”.
Trước đây, những phụ phẩm như cành, lá dâu bị loại bỏ; phân tằm, nhộng đực không tận dụng hết, thậm chí gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, trong mô hình sản xuất hiện nay, các phụ phẩm đều được phân loại và tái sử dụng hiệu quả: Lá và rễ dâu, phân tằm được bán cho các cơ sở thuốc Đông y; nhộng tằm đực cung cấp cho các trang trại nuôi đông trùng hạ thảo. Tổng doanh thu từ phụ phẩm đạt hơn 200 triệu đồng/năm.

Nghệ nhân Phan Thị Thuận đang se tơ sen thành sợi. Ảnh: Quảng Hà
Đối với ngành sản xuất tơ sen, việc xử lý lượng lớn cọng sen, lá sen là một bài toán nan giải trong quá khứ. Thay vì thải bỏ, công ty đã chuyển hướng: Mỗi năm ủ 200 tấn phế phẩm sen với chế phẩm sinh học để sản xuất phân hữu cơ. Không chỉ tiết kiệm chi phí phân bón mà còn nâng cao chất lượng sợi tơ, đem lại thu nhập gần 300 triệu đồng/năm. Việc sử dụng phụ phẩm theo hướng khép kín này không chỉ giảm thiểu rác thải mà còn tạo ra giá trị gia tăng mới.
“Muốn bảo tồn và phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm dệt lụa, phát triển ngành tơ sen yếu tố rất quan trọng và quyết định thắng lợi đó là luôn cải tiến kỹ thuật, đổi mới sáng tạo cho ra những sản phẩm mới, giá cả cạnh tranh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, quản lý tốt", bà Thuận chia sẻ.
Việc phát triển mô hình kinh tế xanh, ứng dụng công nghệ vào bảo tồn làng nghề, tạo việc làm cho lao động tại chỗ đã góp phần hoàn thiện nhiều tiêu chí trong Bộ tiêu chí nông thôn mới, đặc biệt ở nhóm kinh tế và môi trường.
Bên cạnh đó, tất cả những sáng tạo trên giúp công ty của bà Thuận hình thành một hệ sinh thái sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Trong đó, mỗi nguồn tài nguyên được khai thác tối ưu, không tạo gánh nặng cho môi trường, đồng thời mở rộng cơ hội sinh kế cho người dân địa phương.
Không dừng lại ở sản xuất, bà Thuận cũng cho biết công ty đang triển khai kế hoạch phát triển mô hình du lịch trải nghiệm kết hợp làng nghề. Các ao sen sẽ được cải tạo thành khu du lịch sinh thái, nơi du khách có thể tự tay hái sen, học làm tơ, trải nghiệm ẩm thực với các món ăn từ tằm, nhộng, hạt sen, lá sen. Các phiên chợ làng nghề, hoạt động giao lưu văn hóa cũng sẽ được tổ chức thường xuyên nhằm tăng cường kết nối với các tour du lịch quanh Hà Nội.
Bà Thuận kỳ vọng: “Những sáng tạo và mô hình khép kín này không chỉ tạo ra giá trị kinh tế cho doanh nghiệp, mà còn lan tỏa tinh thần bảo tồn văn hóa, nâng cao sinh kế, thúc đẩy phát triển nông thôn mới theo hướng hiện đại, bền vững”.
Tại Hội thảo “Mô hình kinh tế tuần hoàn: Hiệu quả cho doanh nghiệp và môi trường”, bà Thuận kiến nghị cần triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ ngành nghề nông thôn như: Nghị định số 52/2018/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn; Đề án tổng thể phát triển làng nghề Hà Nội giai đoạn 2024 - 2030, tầm nhìn đến 2050; chương trình OCOP và các cơ chế khuyến khích kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Những chính sách này là hành lang pháp lý quan trọng, giúp các làng nghề như Phùng Xá “bật dậy” mạnh mẽ, tiến tới hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đúng với mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2025 - 2030 mà Chính phủ đang thúc đẩy.