Tổ sư Minh Đăng Quang cùng những đặc trưng tu tập của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam

Tư tưởng chủ đạo của Tổ sư Minh Đăng Quang không ngoài Tam vô lậu học làm nơi y cứ tu hành. Ngày nay do vì cách Phật, xa Tổ, ít ai tìm thấy chơn đạo, mà vật chất thì mỗi ngày một thịnh hành. Do vậy, con người càng lún sâu vào hố tội lỗi, bị cuốn hút vào mùi danh bả lợi ngũ dục của thế gian. Đối với người tu cũng thế, pháp thế gian lúc nào cũng làm cho tâm tham ái dấy khởi quên mất ý chí, nghị lực.

Mục lục bài viết

Dẫn nhập
Vài nét về đạo nghiệp của Tổ sư Minh Đăng Quang
Những đặc trưng tu tập nổi bật của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam

Trung đạo – Nền tảng của phương pháp tu tập
Hành trì Tứ y pháp
Trì bình khất thực
Tinh thần sống chung tu học
Ý pháp căn bản: Nhiếp phục, trau dồi Thân, Khẩu, Ý

Kết luận

Tư tưởng chủ đạo của Tổ sư Minh Đăng Quang không ngoài Tam vô lậu học làm nơi y cứ tu hành. Ngày nay do vì cách Phật, xa Tổ, ít ai tìm thấy chơn đạo, mà vật chất thì mỗi ngày một thịnh hành. Do vậy, con người càng lún sâu vào hố tội lỗi, bị cuốn hút vào mùi danh bả lợi ngũ dục của thế gian. Đối với người tu cũng thế, pháp thế gian lúc nào cũng làm cho tâm tham ái dấy khởi quên mất ý chí, nghị lực.

Hòa thượng TS. Thích Gia Quang
Phó Chủ tịch HĐTS Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Phó Viện trưởng Viên Nghiên cứu Phật học Việt Nam

Tóm tắt: Hệ phái Phật giáo Khất sĩ nêu ra một số chủ trương về phương pháp tu tập như: Trung đạo, Thực hành Tứ y pháp; Áp dụng tinh thần Lục hòa của Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo phát triển trong đời sống Tăng đoàn; Tinh thần sống chung tu học và những Ý pháp căn bản cho người tỳ kheo hành pháp. Chỉ trong mười năm hành đạo ngắn ngủi của Tổ sư Minh Đăng Quang, với nền tảng đó Hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam đã phát triển không ngừng từ miền Nam đến miền Trung Việt Nam. Tuy Ngài đã vắng bóng, nhưng các đệ tử của Ngài vẫn tiếp tục hành trì dưới sự lãnh đạo của những bậc Tôn túc – Trưởng lão và sự “Nối truyền Thích Ca chánh pháp” đã được Đức Tổ Sư Minh Đăng Quang nhọc công gây dựng lại qua con đường Phật Tăng xưa vẫn mãi mãi được duy trì và truyền thừa cho thế hệ hiện tại và tương lai. Trong đó sợi chỉ đỏ xuyên suốt là phương thức tu tập của Hệ phái do Tổ sư khai sáng làm cho Hệ phái Phật giáo Khất sĩ được phát triển bền vững.

Từ khóa: Tổ sư Minh Đăng Quang; Hệ phái khất sĩ, Phương pháp hành trì, Đặc trưng tu tập

Dẫn nhập

Thuở xưa, khi đức Phật còn tại thế, Ngài đã chỉ dạy hàng đệ tử sống chung tu học, đưa đến giác ngộ và giải thoát. Kế thừa Phật, Tổ, bao thế hệ Tăng-già tiếp nối, nhờ đó đạo Phật được tồn tại và phát triển làm lợi ích cho nhân loại. Có được thành quả tốt đẹp ấy là nhờ giáo pháp nhiệm màu của Đức Phật đã để lại và được Tăng già giữ gìn và xiển dương. Kế thừa gia tài Pháp bảo quý báu đó, Tổ sư Minh Đăng Quang xuất thế tại Việt Nam, khai mở lại hình ảnh xuất trần thoát tục của Phật Tăng, Thánh chúng. Chỉ vỏn vẹn mười năm ẩn tu và hành đạo mà công hạnh của Tổ sư đã vực dậy tinh thần giác ngộ cho các thế hệ Khất sĩ, đồng chung lý tưởng dưới sự chở che của hồng ân Tam Bảo. Cho đến ngày nay, âm vang phạm hạnh và những lời dạy của Tổ sư vẫn còn ảnh hưởng sâu sắc trong tâm thức của hàng hậu học. Tổ sư đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình, góp phần to lớn trong công cuộc chấn hưng đạo pháp. Những cống hiến của Ngài làm cho Phật giáo Việt Nam được thêm dưỡng chất, thêm hòa hợp và sống mãi trong lòng dân tộc suốt từ nửa thế kỷ XX đến nay.

Ngày nay, Phật giáo Việt Nam đã thống nhất trong ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trong đó, Hệ phái Phật giáo Khất sĩ là một thành viên sáng lập. Có được vị thế đáng tự hào đó, chính là nhờ công ơn một đời hành đạo của đức Tổ sư.

Hệ phái Phật giáo Khất sĩ tuân thủ đường lối tu tập hành Tứ y Pháp, đi con đường Trung đạo của Bát chính đạo, lấy giới luật làm thầy. Tổ sư cho rằng, giới luật Phật còn, thì Đạo Phật còn, ở đâu giới luật được hành trì thì đạo Phật còn sáng tỏ. Vì vậy, trong những năm truyền dạy, bản thân Ngài luôn lấy Giới, Định, Tuệ làm kim chỉ nam để tu tập và chỉ dậy hàng đệ tử thực hành để làm tấm gương cho hậu tấn về sau noi theo.

Tôn giáo và vai trò của đồng bào tôn giáo trong xây dựng đất nước (tapchinghiencuuphathoc.vn)

Vậy nên dù Hệ phái ra đời và phát triển mới hơn bảy mươi năm, (trong đó thời gian truyền đạo của Tổ sư Minh Đăng Quang chỉ mười năm) nhưng Hệ phái Phật giáo Khất sĩ đã gây dựng được một hệ thống tổ chức từ Tăng số đến số lượng Tịnh xá ở trong và ngoài nước khá đồ sộ. Điều này lý giải cho sự cuốn hút của đạo Phật Khất Sĩ không chỉ ở mục tiêu hình thành mà còn là ở phương pháp hoằng pháp và phương thức tu tập của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Tổ sư, để tưởng niệm công đức của Ngài , đề tài “Tổ sư Minh Đăng Quang cùng những đặc trưng tu tập của Phật giáo Khất sĩ Việt Nam” sẽ được triển khai như là một hành trình nhỏ vào trong kho báu quý giá của Phật giáo Khất sĩ Việt Nam.

Vài nét về đạo nghiệp của Tổ sư Minh Đăng Quang

“Người mang hoài bão trong lòng,
Thích ca Chánh pháp nối dòng độ sinh”.

Vào khoảng thập niên 40 – 50 của thế kỷ XX, trên những nẻo đường thuộc địa bàn các tỉnh Long An, Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Thủ Thừa, Phú Lâm, Chợ Lớn, Sài Gòn, Gia Định, Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, sau đó là khắp các tỉnh miền Tây, đồng bằng Nam Bộ… đã từng in dấu chân của một nhà sư khoác tấm y vàng, đầu trần, chân đất, tay ôm bình bát khất thực, thuyết giảng giáo lý Đức Phật Thích-Ca. Người ấy là ai? Đó chính là Tổ sư Minh Đăng Quang, người sáng lập ra “Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”.

Đức Tổ sư Minh Đăng Quang, vị Tổ sư khai sáng Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam, thế danh là Nguyễn Thành Đạt, tự Lý Huờn, sinh ngày 26 tháng 9 năm Quý Hợi (tức ngày 4 tháng 11 năm 1923), tại làng Phú Hậu, tổng Bình Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Ngài xuất thân từ gia đình có truyền thống trọng Nho kính Phật. Thân sinh là cụ ông Nguyễn Tồn Hiếu và cụ bà Phạm Thị Tỵ (tự Nhàn). Khi Ngài tròn 10 tháng tuổi, cụ bà lâm trọng bệnh và lìa đời, được người cô và bà nội nuôi dưỡng, sau đến kế mẫu Hà Thị Song giáo dưỡng cho ăn học đến lúc trưởng thành.

Năm 15 tuổi, Ngài xin phép thân phụ qua xứ Chùa Tháp (Nam Vang) để tầm sư học đạo. Cuối năm 1941, Ngài về lại Sài Gòn, sau đó vâng lời thân phụ lập gia đình vào năm 1942. Một năm sau, người bạn đời và đứa con thơ đều thọ bệnh rồi lần lượt qua đời. Vào năm 1943, một lần nữa Ngài xin phép thân phụ lên vùng núi Thất Sơn, ẩn tu tròn một năm.

Năm 1944, Ngài đến đầu gành Mũi Nai, Hà Tiên an trú thiền định 7 ngày đêm và chính nơi đây Ngài ngộ được ý pháp “Thuyền Bát-nhã” ngược dòng đời cứu độ chúng sinh. Từ đó, Ngài hành cước giáo hóa theo hạnh “Một bát cơm ngàn nhà.”. Một hôm, trên đường vân du hóa đạo có một thiện nam cảm phục đạo phong cao khiết và cốt cách đoan nghiêm của Ngài nên thỉnh Ngài về giáo hóa ở Linh Bửu tự, làng Phú Mỹ (Mỹ Tho – Tiền Giang). Nơi đây suốt 3 năm (1944 – 1947), buổi sáng Ngài đi khất thực, đến trưa thọ trai, buổi chiều Ngài giáo hóa, buổi tối tham thiền nhập định, nêu tấm gương sáng về đời sống phạm hạnh thanh tịnh, y theo truyền thống của chư Tăng thời Đức Phật còn tại thế. Đầu năm 1947, Ngài rời Linh Bửu tự, quyết tâm thực hiện tâm nguyện “Nối truyền Thích-Ca Chánh pháp – Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”.

Từ đó, bóng Ngài trải khắp đồng bằng Nam Bộ. Sau 8 năm tiếp Tăng độ chúng, khuyên tu khuyến thiện, giáo hóa bá tánh cư gia không một ngày dừng nghỉ, vào ngày mùng 1 tháng 2 năm Giáp Ngọ (1954), trên đường hành đạo từ Sa Đéc xuống Cần Thơ, khi đi ngang qua thị trấn Cái Vồn (nay là huyện Bình Minh), Ngài đã hoan hỷ đi vào “lửa nạn”, vui trả nghiệp quả trong nhiều đời kiếp luân hồi. Thế rồi Ngài vắng bóng, biền biệt cho đến ngày nay đã 69 năm (1954 – 2023). Trong thời gian giáo hóa, Ngài có soạn ra bộ Chơn lý gồm 69 quyển và tập Bồ-tát giáo. Hai tác phẩm Pháp bảo cao quý còn lại này chứa đựng những tư tưởng đặc thù phát xuất từ suối nguồn tự chứng tự ngộ của bản thân, dựa trên nền tảng Giới – Định – Tuệ cũng như giáo lý truyền thống của đạo Phật.

Muôn sự vạn vật có hợp tất phải có tan là lẽ thường tình. Ngày 30 tháng Giêng năm 1954, Ngài tập hợp chúng Tỳ kheo, thuyết pháp khuyến tu như thường lệ. Trước khi ra đi, Ngài dặn dò những điều tâm huyết về chuyến đi tu tịnh của Ngài tại “núi lửa”. Hôm sau, Tổ sư thọ nạn và vắng bóng từ đó. Năm ấy, Ngài vừa tròn 32 tuổi. Sự ra đi của Tổ sư đã để lại trong lòng đệ tử xuất gia Tăng Ni và nam nữ cư sĩ chịu ơn đức giáo hóa của Ngài cảm xúc đau buồn vô hạn.

Những đặc trưng tu tập nổi bật của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam

Có thể khẳng định, toàn bộ hệ thống giáo lý của Hệ phái Khất sĩ được Tổ sư xây dựng trên nền tảng Kinh – Luật – Luận của Phật giáo, đúc kết thành bộ “Chơn lý” gồm 69 quyển. Bộ Chơn lý được Tổ sư viết dưới dạng văn xuôi, lời văn mộc mạc, trong sáng, với nghệ thuật sử dụng biện pháp ẩn dụ, tu từ, nhân hóa, điệp từ. giúp cho người đọc dễ dàng am hiểu. Tư tưởng xuyên suốt của bộ Chơn lý là đề cao vai trò của người xuất gia giải thoát đó là Khất sĩ, được chia làm 5 phần:

1. Nhân sinh quan: Trình bày quan điểm của Phật giáo về đời sống con người, gồm các bài: Ngũ uẩn, Lục căn, Nam và nữ, Sinh và tử.

2. Vũ trụ quan: Nói về sự hình thành và phát triển của vũ trụ theo quan điểm Phật giáo như: Vũ trụ quan, Công lý vũ trụ, Xứ thiên đường.

3. Giáo lý của đạo Phật: Nói về triết lý Phật giáo, gồm: Thập nhị nhân duyên, Bát chánh đạo, Chánh đẳng Chánh giác, Nhập định, Tâm, Chánh pháp, Chánh kiến, Tam giáo, Tông giáo, Thần mật, Giác ngộ, Chư Phật, Đại thừa giáo, Phật tánh, Pháp Tạng, Vô Lượng Cam Lộ, Quan Thế Âm, Đại Thái Thức, Địa Tạng, Pháp Hoa, Pháp chánh giác, Số tức quán, Chơn như.

4. Khuyến tu và phương pháp học: Nhắc nhở, khuyên răn mọi người lo tu tập và Ngài chỉ ra phương pháp tu, sám hối để chuyển nghiệp, gồm các bài: Ăn chay, Bài học cư sĩ, Tánh thủy, Học chơn lý, Khuyến tu, Đi tu, Ăn và sống, Sợ tội lỗi, Đi học, Đời đạo đức, Học để tu, Tu và nghiệp, Sám hối, Lễ giáo, Khổ và vui, Hòa bình, Trường đạo lý, Nguồn đạo lý, Thờ phượng, Pháp học cư sĩ, Cư sĩ.

5. Đạo Phật Khất Sĩ: Gồm các quy định về phép tắc, nghi lễ, giới luật và nếp sống sinh hoạt truyền thống của Tăng đoàn, có các bài: Khất sĩ, Y bát chơn truyền, Đạo Phật Khất Sĩ, Kinh Tam bảo, Luật nghi Khất sĩ.

Tất cả những tinh hoa, căn bản của giáo lý Phật giáo được Tổ sư ghi lại trong bộ Chơn lý này và giáo lý căn bản của Hệ phái Khất sĩ được Tổ sư tóm lại như sau: “Giáo lý Khất sĩ một là dứt điều ác, hai là làm các điều lành và ba là cốt yếu giữ lòng trong sạch”[1].

Trung đạo – Nền tảng của phương pháp tu tập

Tư tưởng chủ đạo của Tổ sư Minh Đăng Quang không ngoài Tam vô lậu học làm nơi y cứ tu hành. Ngày nay do vì cách Phật, xa Tổ, ít ai tìm thấy chơn đạo, mà vật chất thì mỗi ngày một thịnh hành. Do vậy, con người càng lún sâu vào hố tội lỗi, bị cuốn hút vào mùi danh bả lợi ngũ dục của thế gian. Đối với người tu cũng thế, pháp thế gian lúc nào cũng làm cho tâm tham ái dấy khởi quên mất ý chí, nghị lực. Thực hành nơi giáo lý của Tổ giúp chúng ta trở về bản tính thanh tịnh, chân tâm sáng suốt, thấu triệt lẽ vô thường của thế gian. Học tập Đức Phật trong bài Kinh Đức Phật thuyết giảng đầu tiên về con đường trung đạo, ngài Minh Đăng Quang đã chọn giáo lý Trung đạo là một trong các pháp môn tu tập chính của Ngài, là một trong những bước đi của người tu tập trên lộ trình giải thoát và giác ngộ. Tổ sư Minh Đăng Quang đã khẳng định phương pháp tu tập của Hệ phái Khất sĩ chính là con đường ly khai hai cực đoan: không tuyệt đối hóa một vấn đề gì cả; không chấp trước có và không, hay thái quá và bất cập. Trung đạo là siêu việt đối đãi, thể nhập chân lý tuyệt đối, và đạt đến tùy duyên bất biến. Vì vậy Tổ Sư đã dùng sự tùy duyên mà tùy hoàn cảnh để hướng dẫn cho phật tử tu tập theo, Ngài dùng rất nhiều phương tiện để hóa độ làm cho họ dễ hiểu dễ hành dễ đạt kết quả an vui hơn.

Hành trì Tứ y pháp

Tứ Y Pháp là bốn pháp mà mỗi vị tỳ kheo vào thời Đức Phật phải nghiêm trì để có được đời sống phạm hạnh thanh tịnh. Và cũng để diệt trừ tự ngã những chấp kiến ngã mạn, kiêu mạn của mình. Bốn điều đó là:

Nhà sư khất thực: phải lượm những vải bỏ đi mà khâu lại thành áo, nhưng có ai cúng vải, đồ cũ thì được nhận.

Nhà sư khất thực: chỉ xin đồ ăn mà thôi, nhưng ngày hội, thuyết pháp, đọc giới bổn được ăn tại chùa.

Nhà sư khất thực: phải nghỉ dưới cội cây, nhưng có ai cúng lều am nhỏ bằng lá một cửa thì được ở.

Nhà sư khất thực: chỉ dùng cây, cỏ, vỏ, lá mà làm thuốc trong khi đau, nhưng có ai cúng thuốc, dầu, đường thì được dùng[2].

Tứ Y Pháp được Đức Tổ Sư rút tỉa trong Tứ phần luật, Ngũ phần luật hay Thập tụng luật.

Trì bình khất thực

Đức Tổ sư dạy trong Chơn lý “Khất sĩ” rằng: “Giáo lý ăn xin là sự chan hòa cho nhau, tức là công lý vũ trụ, là Pháp bảo hay chân lý, triết lý nhiệm mầu. Người này nấu cơm, người kia ăn. Người khác may áo, người nọ mặc. Kẻ này cất nhà, kẻ kia ở. Kẻ khác lo thuốc, người nọ đau”. Chúng ta hãy lắng nghe Tổ sư định nghĩa về Khất sĩ: “Khất có nghĩa là xin, sĩ là người học trò. Khất sĩ là người học trò nghèo đi xin ăn để tu học. Có hai thứ xin: (1) Xin vật chất (vạn vật) để nuôi thân; (2) Xin tinh thần (các pháp) để nuôi trí”. Ngài cũng đã xác định trong Chơn lý “Y bát chơn truyền”: “Giá trị của khất sĩ với khất cái khác nhau rất xa, một trời một vực. Kẻ khất cái tàn tật mới đi xin, tham sân si tội ác chẳng tiêu trừ. Mà trái lại Khất sĩ là kẻ thông minh trí thức, hiền lương mạnh khỏe”.

Cùng là việc đi xin, nhưng cách xin của người Khất sĩ khác hẳn với người khất cái. Người khất cái đi xin vì lòng tham, ai cho bao nhiêu cũng nhận, chỉ biết tư riêng ích kỷ. Còn cách xin của người Khất sĩ khác lạ hơn, đi xin nhưng biết vừa đủ, cho nhiều không nhận, cho tiền không lấy, ăn ngày chỉ một bữa, còn dư thì cho hết, không cất giữ chứa để ngày mai. Cách xin ăn của người Khất sĩ không phải do lòng tham hay tư riêng ích kỷ, mà xin vì để diệt trừ bản ngã của riêng mình, giúp người phá trừ tâm xan tham, cho nên người Khất sĩ đi xin ăn là để làm gương cho đời, giáo hóa những kẻ hữu duyên. Hình ảnh người Khất sĩ đi đến đâu cũng tuyên dương giáo lý từ bi, bình đẳng, nêu gương đạo đức cho đời, từ đó được nhiều người quý trọng, cảm mến, theo về tu học hạnh lành đạo đức.

Tinh thần sống chung tu học

Đức Tổ sư ngay từ buổi đầu lập đạo đã nhận thấy giá trị quý báu của đoàn thể Tăng già, nên Ngài thường khuyến tấn chư Tăng Ni hãy cùng nhau sống chung tu học để cùng bảo vệ, tôn trọng và giúp đỡ, cùng dắt dìu nhau tu sửa thân tâm, buông bỏ chấp ngã, diệt trừ cái ta ích kỷ nhỏ hẹp. Ngài chủ trương:

“Nên tập sống chung tu học:
Cái sống là phải sống chung,
Cái biết là phải học chung,
Cái linh là phải tu chung”.

Cái sống là phải sống chung: Tổ dạy chư Tăng Ni nên tập sống chung trong giáo hội, tu tập trên tinh thần lục hòa cộng trụ, lấy giới luật làm chuẩn mực nghiêm trì không được sai sót. Sống chung trong một tập thể để chan hòa tình thương, nhắc thức nhau tu học, trau dồi tâm ý không buông lung phóng túng và học hỏi cái hay, kinh nghiệm cái dở, mài mòn bản ngã riêng tư mà hòa nhập vào thế giới đại đồng bao la vũ trụ (Muôn người hòa hiệp như in một nhà).

Cái biết là phải học chung: Trong Chơn lý “Học để tu”, Tổ sư dạy: “Học đây không phải chỉ riêng học chữ nghĩa văn tự, mà học đầy đủ văn – tư – tu, học trong mỗi hành động, hoàn cảnh sống, học ở mọi người, mọi nơi, học với tất cả chúng sinh, vạn vật. Người Khất sĩ tạm sống xin ăn tu học đi ngay chơn lý chẳng chút lãng xao, không màng khổ nhọc. Chính Phật là Vô Thượng Sĩ, là ông thầy giáo có sự học không ai hơn!”

Vì vậy, thâm ý của Tổ là học không phải chỉ để có kiến thức, học vị, bằng cấp, mà học với ý nghĩa để thông suốt các pháp, rõ thấu đường hướng mà tu hành. Trên bước đường tu hành để đạt đến trí giác hoàn toàn, trở về với chân tánh linh giác của chính mình:

Cái linh là phải tu chung: Mục đích rốt ráo của đạo Phật là đạt đến chỗ toàn giác, toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ. Để đến nơi chân lý ấy, là sát-na mà tâm thể hoàn toàn thanh tịnh tịch nhiên, không còn mảy may vi tế trần cấu, là phút giây thật sự quay về với nguồn cội tâm linh tròn đủ sáng suốt, hiện hữu với con người thật của chính mình. Lúc ấy, cái ta giả ngụy biến mất, chỉ còn chân ngã hiện tiền hòa cùng vũ trụ bao la, muôn sự muôn vật đều hiện rõ trong ấy. Thế nên, đã ở vào hàng Tăng lữ xuất gia, thì phải sống chung tu học để nung đúc, rèn luyện, tăng trưởng cái sống, cái biết, cái linh, chính là cụ thể hóa tinh thần Tam tụ Lục hòa mà chư Phật đã giáo huấn tự ngàn xưa.

Ý pháp căn bản: Nhiếp phục, trau dồi Thân, Khẩu, Ý

Một trong những ý pháp căn bản mà Tổ sư luôn luôn khuyên dạy hàng Tăng Ni Khất sĩ nhận biết trong Chơn Lý đó là tu tập thanh lọc, nhiếp phục thân, khẩu, ý trong sạch. Ý pháp này được Tổ sư dạy cụ thể trong quyển Chơn Lý “Tu và nghiệp”:

Thân trong sạch ấy là xứ Phật
Miệng trong sạch ấy là pháp Phật
Ý trong sạch ấy là con Phật
Tâm trong sạch chính là đức Phật.

Lời dạy của Tổ sư súc tích, ngắn gọn nhưng khế hợp với giáo pháp của Đức Phật. Gìn giữ tam nghiệp thanh tịnh ấy mới được gọi là xuất gia chân chánh, tức là vị Tăng Khất sĩ phải có giới đức trong sạch.

Kết luận

Cuộc đời của Đức Tổ sư là một tấm gương sáng chói, quý báu mà ai có duyên cảm nhận cũng phải hướng đến Ngài với tất cả lòng tôn kính. Sở dĩ hình ảnh Ngài trở nên cao quý như vậy vì Ngài đã sống một đời phạm hạnh trong sạch hơn người tầm thường.

Tổ dạy: “Người Khất sĩ phải thanh thoát như một hoa sen vươn mình cao hơn mặt nước” Trong Chơn lý “Trên mặt nước”, Ngài dạy rằng: “Lời nói của người tu ví như hoa sen, việc làm của người tu ví như lá sen, ỷ niệm của người tu ví như gương sen, cả thảy các pháp đều ở trên cao, không trung và không còn phải ô nhiễm nước bùn theo thế sự”. Ngài thật sự là một đóa sen thiêng thơm ngát giữa cõi Ta-bà.

Chúng ta thấy rõ đường hướng tu tập mà Tổ sư vạch ra cho hành giả thực hành để đạt đến sự giải thoát không ngoài các điều mà chư Phật ba đời thực hiện. Theo giáo pháp của Ngài, muốn đạt đến lý tưởng đó, phải có trí đại hùng, đại lực, đại từ bi; hùng dũng bước tới không sợ gian tà phá hoại, luôn hành trì giáo pháp để đạt đến quả vị giải thoát giác ngộ. Ngài đã thể hiện chí khí cao vời đó qua lời dạy: “Người học đạo tức là vọt đất nhảy lên, phá địa ngục mà ra, xé càn khôn mà đến, đạp sinh tử mà đi, làm chủ lấy mình, cao ráo sạch trong, không ai bì kịp. Cho đến ông cha thời gian cũng không nhốt ngăn đặng, như vậy mới là người hoàn toàn giải thoát, giải thoát cái đời phát sinh nguồn đạo” (Chơn lý “Nguồn đạo lý”).

Khất sĩ là giải thoát khỏi trói buộc, phiền não vô minh vọng động, để sống bằng chân như trí tuệ, an lạc, thong thả, rảnh rang không còn tạo nghiệp thì luân hồi sinh tử, khổ não mới đặng dứt”.

Công đức khai đạo, tu hành và hoằng hóa độ sinh của Tổ sư thật là to lớn . Trong khoảng thời gian ngắn ngủi, với tuổi tác còn trẻ trung như thế mà Ngài đã lập nên một sự nghiệp đạo pháp, quả là phi thường và hy hữu! Cuộc đời, công hạnh tu tập cũng như những đặc trưng hành đạo của Ngài thật là kiệt xuất!

Ngài là tấm gương sáng lưu truyền cho hậu thế soi chung để rồi mỗi người đều tự phát nguyện dũng mãnh tu tập, tiến bước theo chân Ngài đi đến chân trời giác ngộ giải thoát.

Hòa thượng TS Thích Gia Quang
Phó chủ tịch HĐTS Giáo hội Phật giáo Việt Nam,
Phó Viện trưởng Viên Nghiên cứu Phật học Việt Nam

***

Tài liệu tham khảo
1. Tổ Sư Minh Đăng Quang (2009) Chơn Lý, Tr 764,767,Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
2. Tổ Sư Minh Đăng Quang (2009) Chơn Lý tập III, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
3. Hệ Phái Khất Sĩ,(1998) Chơn Lý Luật Nghi Khất Sĩ, NXB, TP HCM.
4. Tổ Sư Minh Đăng Quang, (2009) Chơn Lý,Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
5. Hệ Phái Khất Sĩ (1998) Luật nghi khất sĩ, Nxb Tp HCM.
6. Tổ sư Minh Đăng Quang, (2009) Chơn Lý, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
7. HT Quảng Độ (dịch) (2000), Phật Đại từ điển, tập 2, Nxb Đài Bắc.
8. Minh Đăng Quang(2009), chơn lý tập 1, bài Y bát chơn truyền, Nxb tôn giáo Hà nội.
9. Tổ sư Minh Đăng Quang(2009), Chơn lý, tập 1, bài Y Bát chơn truyền, Nxb Tôn giáo, Hà nội.
10. Minh Đăng Quang (2009),Chơn lý tập 1, bài Trên mặt nước, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
11. Tổ Sư Minh Đăng Quang (2012) Luật nghi Khất sĩ. NXB Tổng hợp TP HCM.
12. Thích Đổng Minh ( dịch)(2012) Luật tứ Phần, Viện Nghiên cứu Phật Học Huệ Nghiêm. NXB Phương Đông.
13. Tổ Sư Minh Đăng Quang (2009) Chơn Lý tập 2, bài Chánh Pháp, Nxb Tôn giáo, Hà nội.
14. Minh Đăng Quang (1965) Luật nghi Khất sĩ,Nxb Tp. HCM.
15. Tổ Sư Minh Đăng Quang, (2009) Chơn Lý, tập 1,bài Nhập định,Nxb Tôn giáo, Hà nội.
16. Tổ Sư Minh Đăng Quang, (2009) Chơn Lý, tập 3, bài Hòa bình, Nxb Tôn giáo, Hà nội.
17. Tổ Sư Minh Đăng Quang, (2009) Chơn Lý, tập 3, bài Đạo Phật khất
18. sĩ, Nxb Tôn giáo, Hà nội.
19. Tổ Sư Minh Đăng Quang, (2009) Chơn Lý, tập 2, bài Tông giáo, Nxb Tôn giáo, Hà nội.
20. Tổ Sư Minh Đăng Quang, (2009) Chơn Lý, tập 3, bài Tu và nghiệp, Nxb Tôn giáo Hà nội.
21. Tổ Sư Minh Đăng Quang, (2009) Chơn Lý, tập 1 bài Vũ trụ quan, Nxb Tôn giáo Hà nội.

Chú thích:
[1] Tổ sư Minh Đăng Quang(2009), Chơn lý, tập 1, bài Y Bát chơn truyền, Nxb Tôn giáo, Hà nội, tr. 426 – 427.
[2] Tổ sư Minh Đăng Quang(2009), Chơn lý, tập 1, bài Y Bát chơn truyền, Nxb Tôn giáo, Hà nội, tr 47.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/to-su-minh-dang-quang-cung-nhung-dac-trung-tu-tap-cua-he-phai-phat-giao-khat-si-viet-nam.html