Tỏa sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ

Năm 1980, chàng thanh niên Tô Trọng Bôn quê ở Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc vừa tròn 20 tuổi nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã lên đường nhập ngũ. Năm tháng đó đã rèn giũa nên một người chiến sĩ gan dạ, kiên trung. Khi trở về, ông chọn mảnh đất thôn 11, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) để lập nghiệp. Dù là thương binh hạng 3/4 nhưng ông vẫn luôn có khát vọng vươn lên, tận tâm xây dựng quê hương và tích cực tham gia vào các hoạt động 'Đền ơn đáp nghĩa', từ thiện tại địa phương.

Tự hào khi mặc áo bộ đội

Dù đã 45 năm trôi qua, nhưng những mất mát, sự khốc liệt của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí thương binh Tô Trọng Bôn. Năm 1980 ông Bôn nhập ngũ, được huấn luyện tại Sư 411 ở Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Sau một năm, ông được điều động lên khu vực Hoàng Liên Sơn tham gia Chiến dịch biên giới phía Bắc, thuộc Trung đoàn 468 của Sư 355, Quân đoàn 29, Quân khu 2.

Ông Bôn lưu giữ những Bằng khen của các cấp chính quyền, tổ chức hội trao tặng.

Ông Bôn lưu giữ những Bằng khen của các cấp chính quyền, tổ chức hội trao tặng.

“Năm 1979, Trung Quốc đã rút quân khỏi lãnh thổ Việt Nam nhưng những xung đột vẫn kéo dài 10 năm sau đó. Năm 1984, khi xung đột toàn tuyến biên giới phía Bắc trở lên căng thẳng nhất, quân ta với lực lượng khoảng 40.000 quân ngày đêm canh giữ bảo vệ biên giới. Lúc này, tôi cùng đồng đội của mình tham gia bảo vệ các chốt, canh giữ không cho địch tiến, bắn phá” ông Bôn kể.

Rưng rưng cảm xúc, ông Bôn nghẹn ngào nói: Tổ chốt của ông có 7 người, đóng tại xã Cốc San, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Trong lúc canh giữ thì bị pháo địch bắn phá, làm 2 người chết, 2 người bị thương. Nhìn đồng đội thân xác tan tành mà đau xót. Ông Bôn bị 2 mảnh pháo văng vào người, 1 mảnh vào đầu, 1 mảnh vào chân tưởng khó qua khỏi. Đến nay, trong đầu ông vẫn còn mảnh pháo năm xưa, mảnh dưới chân tuy đã được lấy ra nhưng bị nhiễm trùng, phần xương bị hoại tử, phải nạo xương, nẹp vít. Mỗi khi trái nắng trở trời, những cơn đau nhức lại ập đến khiến ông đau đớn không thôi. Nó nhắc ông nhớ về chiến sự năm nào, nhớ về những người đồng đội năm xưa, những người đang sống và những người đã ngã xuống trong chiến tranh.

Sau khi bị mất sức 54%, ông về nghỉ an dưỡng trong quân đội, đến năm 1987 thì xuất ngũ. Trở về quê nhà dù sức khỏe không còn tốt nhưng ông vẫn luôn cảm thấy tự hào vì được mặc trên người chiếc áo bộ đội, cống hiến sức mình cho đất nước trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.

Tỏa sáng trong thời bình

Năm 1988 ông Bôn lên Tuyên Quang lập nghiệp và xây dựng gia đình. Cũng như bao người dân khác, cuộc sống lao động sản xuất những năm tháng ấy còn vô vàn khó khăn, thiếu thốn. Vợ chồng ông dù rất cần mẫn, chăm chỉ làm ăn trên mảnh đất tự khai phá mà vẫn không đủ ăn.

Ông Tô Trọng Bôn bên những sản phẩm nội thất trang trí do xưởng của ông sản xuất.

Ông Tô Trọng Bôn bên những sản phẩm nội thất trang trí do xưởng của ông sản xuất.

Từ “Cái khó ló cái khôn”, ông đã bàn với vợ mạnh dạn vay mượn bạn bè và người thân để chăn nuôi vịt, nuôi cá, một phần là để phục vụ nhu cầu thiết yếu cho gia đình, phần còn lại thì bán lấy tiền. Nhận thấy thị trường khát con giống, nhưng lại không có giống để bán. Khi có ít vốn kha khá, ông mở rộng quy mô chăn nuôi vịt lên 2.000 con/lứa và đầu tư lò ấp trứng bán vịt giống. Làm ăn thuận lợi được vài năm thì năm 2001 Tuyên Quang bị ngập lụt ông lại trắng tay. Toàn bộ 2.000 con vịt siêu trứng bị trôi hết, 40.000 quả trứng trong lò cũng bị thối sạch.

Thiên tai ập đến làm ông mất trắng cũng không làm ông nản chí. Sau khi nước rút, ông tiếp tục gây dựng lại kinh tế từ chăn nuôi vịt. Nhiều năm kinh doanh, buôn bán vịt, ông được bạn bè và đối tác tin tưởng. Bạn cho mượn tiền, đối tác cung cấp trứng, con giống cho ông chăn nuôi, đợi khi ông bán hết lứa thì mới phải trả tiền.

Ông Bôn tự nhận mình là người cẩn thận, tự tìm tòi, nghiên cứu kỹ thuật chăn nuôi, ấp nở. Do môi trường thuận lợi, lại được “chủ” chăm sóc kỹ lưỡng nên trứng ấp nở đạt, đàn vịt cứ thế lớn nhanh và cho năng suất cao hơn cả kỳ vọng. Mô hình của ông trở thành điểm chăn nuôi, cung cấp giống vịt có tiếng ở tỉnh và được chính quyền địa phương tin tưởng, lựa chọn phối hợp thực hiện dự án nuôi vịt siêu trứng. Tiếng lành đồn xa, “một đồn mười, mười đồn một trăm”, người dân khắp nơi đổ về nhà ông mua vịt giống.

“Giai đoạn 2002 - 2005, một con vịt cái vừa ấp nở có giá 7.000 đồng/con, cứ 5 ngày ông cho ra một phiên 10.000 con giống mới nở. Nhờ vậy, thu nhập của gia đình cũng được vài trăm triệu đồng/năm” - ông Bôn chia sẻ.

Năm 2006, nhu cầu vịt giống trên thị trường bão hòa, ông chuyển nghề sang làm đồ mộc. Ông Bôn đầu tư 600 triệu đồng dựng nhà xưởng 1.000 m2, mua máy thiết bị, nhập gỗ và thuê nhân công sản xuất các mặt hàng mộc dân dụng như: giường, tủ, bàn, ghế.

Để đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của khách hàng, ông lặn lội đến các vùng đất nổi tiếng về nghề mộc nhằm nghiên cứu và học tập làm các mặt hàng và công nghệ thực hiện các sản phẩm có độ tinh xảo cao. Cùng với đó, ông đã đầu tư thêm vốn và tuyển thêm đội ngũ công nhân có tay nghề. Các mặt hàng do cơ sở của ông làm ra ngày càng khẳng định được “thương hiệu” trên thị trường, được nhiều người biết đến và được tiêu thụ rộng khắp ở trong và ngoài tỉnh. Có lúc ông phải thuê tới 15 người thợ chính và thợ phụ mới kịp làm trả các đơn đặt hàng. Xưởng sản xuất của ông tạo doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.

Những thành quả được tạo dựng từ bàn tay và khối óc của vợ chồng ông cũng đã được đền đáp trọn vẹn. Ông luôn sẵn lòng giúp đỡ đồng đội, con em của đồng đội đến làm việc tại xưởng. Hằng năm ông cùng chính quyền địa phương các cấp đóng góp một phần thu nhập của gia đình thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách mỗi dịp 27/7 và dịp lễ Tết; tham gia hỗ trợ 3 ngôi nhà theo chương trình xóa nhà tạm…

Dù đã bước sang tuổi 64, thế nhưng thương binh Tô Trọng Bôn vẫn tâm niệm rằng: Còn sức khỏe, còn trí lực là còn tiếp tục đóng góp xây dựng cho địa phương, quê hương. Nhiều năm liền ông được UBND tỉnh tặng bằng khen đã có thành tích trong phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” giai đoạn 2011 - 2016 và giai đoạn 2017 - 2022. Năm 2017, ông được UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” giai đoạn 2012 - 2016, năm 2020 ông được tặng Bằng khen vì có thành tích trong công tác phòng, chống dịch Covid-19…

Hải Hương

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/toa-sang%C2%A0pham-chat-bo-doi-cu-ho-195140.html