Toàn cầu hóa từ góc nhìn địa chính trị tiền tệ

Không quá khi nói rằng cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine từ tháng 2/2022, kéo theo đó là các đòn trừng phạt gay gắt của phương Tây nhằm vào Moscow đã làm đảo lộn nhiều khía cạnh địa chính trị quốc tế, trong đó có hệ thống tiền tệ toàn cầu.

Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, trật tự thế giới đơn cực, với Mỹ là quốc gia dẫn dắt, đã thúc đẩy quá trình siêu toàn cầu hóa. Sự hội nhập của các nền kinh tế thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, đã giúp củng cố vị thế của Mỹ và đồng USD, đưa đồng bạc xanh vươn lên thống trị trên mọi phương diện, từ dự trữ ngoại hối, thanh toán thương mại đến các giao dịch tiền tệ quốc tế.

Nhiều hệ lụy từ các đòn trừng phạt kinh tế.

Nhiều hệ lụy từ các đòn trừng phạt kinh tế.

Tuy nhiên, những biến động trong cục diện địa chính trị toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc chiến tại Ukraine, đã khiến vai trò của đồng USD bắt đầu suy giảm. Những đòn trừng phạt của phương Tây không chỉ nhắm đến các lĩnh vực kinh tế của Nga mà còn trực tiếp vào hệ thống tài chính quốc tế mà Nga vốn phụ thuộc, đặc biệt là việc tịch thu một phần lớn dự trữ ngoại hối của Nga bằng đồng USD. Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các quốc gia phương Tây đã đóng băng gần 300 tỷ USD tài sản của Nga, buộc Moscow phải tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc vào đồng USD trong các giao dịch quốc tế.

Một hướng đi khả thi là khẩn trương tìm kiếm các giải pháp thay thế đồng USD, trong đó thúc đẩy việc sử dụng đồng ruble trong các giao dịch thương mại quốc tế, đặc biệt là với các đối tác chính như Trung Quốc và các quốc gia châu Á. Đồng thời, Nga cũng ký kết các thỏa thuận với các quốc gia khác để thanh toán giao dịch bằng đồng tiền quốc gia thay vì USD. Tất cả nhằm phục vụ chiến lược dài hạn là giảm thiểu sự phụ thuộc vào hệ thống tài chính toàn cầu do Mỹ và phương Tây chi phối.

Không chỉ có Nga, mà cả Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tính theo GDP danh nghĩa - cũng đã bắt đầu giảm dần sự phụ thuộc vào USD. Bắc Kinh đã đẩy mạnh sử dụng đồng nhân dân tệ (NDT) trong các giao dịch quốc tế, đặc biệt là trong mua bán năng lượng. Một ví dụ điển hình, Trung Quốc và các quốc gia xuất khẩu năng lượng như Saudi Arabia đã thảo luận về việc sử dụng nhân dân tệ thay vì USD trong các giao dịch dầu mỏ. Thậm chí, Trung Quốc cũng đã thúc đẩy sáng kiến "Vành đai và Con đường", trong đó việc sử dụng NDT thay cho USD trong các giao dịch thương mại giữa các nước tham gia là một nội dung quan trọng.

Trong xu hướng này còn có những quốc gia đang phát triển hoặc có mối quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc và Nga, cũng đang tìm cách thoát khỏi sự chi phối của đồng USD. Ví dụ, Ấn Độ, một thành viên quan trọng trong nhóm BRICS, đã thúc đẩy việc thanh toán cho các giao dịch dầu mỏ bằng đồng rupee thay vì USD. Các quốc gia ở khu vực Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Phi cũng đang tìm kiếm các giải pháp thay thế.

Cần phải nhìn nhận một cách công bằng rằng sự dịch chuyển này không chỉ là phản ứng đối với các lệnh trừng phạt mà còn là một phần của chiến lược lâu dài nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào một hệ thống tiền tệ do 1 quốc gia dẫn dắt. Dù việc thay thế hoàn toàn đồng bạc xanh - xu hướng phi USD hóa - trong thương mại quốc tế và dự trữ ngoại hối sẽ không diễn ra trong một sớm một chiều song những dấu hiệu ngày càng rõ nét cho thấy thách thức đối với sự thống trị của USD ngày càng mạnh mẽ hơn.

Đây cũng không phải là một quá trình mới mẻ mà là sự tiếp nối của những biến động đã diễn ra từ những năm 1970. Sau một thời gian dài đồng USD thống trị, tỷ lệ dự trữ tiền tệ thế giới bằng USD đã giảm từ 80% vào năm 1970 xuống còn 59% vào năm 2020 và mới nhất, theo công cụ giám sát của AC, tỷ trọng đồng USD trong dự trữ toàn cầu ở mức 58% vào năm 2024.

Cùng với sự thay đổi trong trật tự tiền tệ toàn cầu, phi USD hóa có thể tạo ra những ảnh hưởng sâu rộng đối với nền kinh tế toàn cầu. Nếu quá trình này tiếp tục, nó có thể làm thay đổi cân bằng quyền lực tài chính và kinh tế toàn cầu. Trong ngắn hạn, dù đồng USD vẫn giữ được vị thế quan trọng và chiếm tỷ trọng lớn trong các dự trữ ngoại hối, các quốc gia đang tìm cách giảm thiểu sự phụ thuộc vào đồng USD sẽ có thể giảm bớt ảnh hưởng của Mỹ trong các quyết định tài chính quốc tế, hoặc trong các tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Thế giới (WB).

Tất nhiên, quá trình phi USD hóa cũng không phải không đối mặt thách thức. Một trong những trở ngại lớn là sự thiếu ổn định và sự thiếu niềm tin vào các đồng tiền thay thế, như đồng NDT Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc đã cố gắng thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong các giao dịch quốc tế, nhưng hệ thống tài chính của Trung Quốc vẫn còn thiếu sự minh bạch và có nguy cơ bị chính phủ kiểm soát quá mức. Điều này khiến nhiều quốc gia và nhà đầu tư quốc tế vẫn chưa sẵn sàng chuyển đổi hoàn toàn sang sử dụng nhân dân tệ thay vì USD.

Phi USD hóa còn có thể dẫn đến những hậu quả khó lường đối với thị trường tài chính toàn cầu. Các ngân hàng trung ương và các tổ chức tài chính có thể phải đối mặt với sự chuyển đổi hệ thống tiền tệ phức tạp, gây ảnh hưởng đến thanh khoản và ổn định tài chính. Đồng thời, việc giảm sử dụng USD có thể làm gia tăng sự biến động của các đồng tiền thay thế, dẫn đến rủi ro cao hơn cho các quốc gia và doanh nghiệp trong các giao dịch quốc tế. Mặc dù đồng USD vẫn sẽ tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong trung và dài hạn, các yếu tố địa chính trị như sự gia tăng mâu thuẫn giữa các cường quốc có thể khiến vai trò của đồng USD bị thách thức mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Dù sao đi nữa, trật tự tiền tệ toàn cầu cũng đang có những bước chuyển không thể tránh. Toàn cầu hóa tiền tệ và địa chính trị tiền tệ góp phần hình thành một hệ thống mới, nơi các yếu tố địa chính trị không chỉ ảnh hưởng mà còn chi phối sự vận hành của tiền tệ toàn cầu. Khi các quốc gia và tập hợp các quốc gia chung chí hướng tính đến chuyện xây dựng một hệ thống tài chính đa cực hơn, vai trò của đồng USD và các đồng tiền dự trữ truyền thống sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Nói một cách đơn giản, thời thế đổi thay đặt ra những bài toán thay đổi và thích nghi không dễ tìm lời giải!

Thái Hân

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/toan-cau-hoa-tu-goc-nhin-dia-chinh-tri-tien-te-i752082/