Toàn thế giới ghi nhận gần 233 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2

Ảnh minh họa. Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 28/9 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 233.041.897 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.768.127 ca tử vong. Hơn 209,72 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn hơn 18,55 triệu bệnh nhân đang điều trị.

Tại Đông Nam Á, Tổng thống Indonesia Joko Widodo kêu gọi tất cả người dân nước này chuẩn bị sống chung với COVID-19 vì bệnh dịch này sẽ sớm trở thành một loại bệnh đặc hữu. Trong một bài đăng trên trang Instagram, Tổng thống Joko Widodo cho biết tình hình dịch bệnh tại Indonesia đã được cải thiện trong thời gian gần đây, các bệnh viện hiện không còn quá đông bệnh nhân COVID-19, trong khi các trung tâm cách ly tập trung tại nhiều thành phố trên cả nước đang bắt đầu được nới lỏng.

Lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) đã được giảm cấp độ tại nhiều vùng, trong khi các trung tâm mua sắm, nhà thờ, địa điểm du lịch đã bắt đầu mở cửa trở lại và các trường bắt đầu tổ chức học trực tiếp. Tuy nhiên, người đứng đầu chính phủ Indonesia lưu ý rằng kết quả này không thể tách rời việc thực hiện PPKM, tiêm chủng đại trà và nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc thực hiện các quy định y tế. Tổng thống Indonesia yêu cầu người dân giữ gìn ý thức và không được mất cảnh giác trước nguy cơ lây lan của dịch bệnh dù nhiều biện pháp hạn chế xã hội đã được nới lỏng.

Tại Malaysia, chính phủ nước này dự kiến sẽ tiếp tục nới lỏng biện pháp phòng chống dịch bệnh. Chủ tịch Hội đồng Hồi phục quốc gia Malaysia Muhyiddin Yassin cho biết chính phủ dự kiến vào đầu hoặc giữa tháng 10 sẽ cho phép người dân đi lại xuyên bang.

Khi đó, tỉ lệ hoàn thành tiêm chủng ở nhóm người từ 18 tuổi trở lên đạt gần 90%. Tuy nhiên, người dân vẫn phải tuân thủ Trình tự vận hành tiêu chuẩn (SOP). Hội đồng Hồi phục quốc gia đã thảo luận vấn đề mở cửa biên giới, bao gồm cho phép những người Malaysia đã hoàn thành tiêm chủng ra nước ngoài và cho phép các doanh nhân, du khách… được nhập cảnh.

Chính phủ Nhật Bản ngày 27/9 cho biết kể từ ngày 1/10 tới, nước này sẽ nới lỏng các quy định về cách ly đối với những khách nhập cảnh đã tiêm ngừa COVID-19. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản đang lên kế hoạch khởi động lại du lịch quốc tế. Phát biểu trong cuộc họp báo, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết các trường hợp đã được tiêm phòng COVID-19 khi nhập cảnh Nhật Bản chỉ cần cách ly tại nhà trong 10 ngày - giảm 4 ngày so với quy định trước đó.

Sau khi hết thời hạn cách ly, những người đã được tiêm phòng đầy đủ có thể tự do đi lại trong lãnh thổ Nhật Bản nếu họ có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, quy định nới lỏng này chỉ được áp dụng đối với các trường hợp đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZeneca.

Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc đang phẩn bổ ngân sách 36,2 tỉ won (tương đương 30,8 triệu USD) để mua thuốc điều trị COVID-19 dạng uống, đồng thời tiếp tục thảo luận với một số hãng dược trên thế giới để ký hợp đồng đặt mua trước loại thuốc này.

Tại Hàn Quốc, các hãng dược của nước này cũng đang phát triển 11 loại thuốc trị COVID-19 dạng uống, song vẫn sẽ mất nhiều thời gian trước khi thuốc có thể chính thức được tung ra thị trường. Chi phí điều trị nếu dùng thuốc dạng uống được ước tính lên tới hơn 900.000 won (hơn 765 USD). Chính phủ dự định chi trả toàn bộ chi phí này cho người bệnh.

Việc phát triển thành công thuốc điều trị COVID-19 dạng uống đang được kỳ vọng là điều kiện cần thiết để đưa cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân trở lại bình thường, giảm lo lắng về dịch bệnh, giúp người bệnh dễ dàng điều trị tại nhà.

Hiện 3 hãng dược đi đầu trong phát triển thuốc điều trị COVID-19 dạng uống là MSD và Pfizer (Mỹ), Roche (Thụy Sĩ), đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba. Kết quả thử nghiệm tạm thời cho thấy thuốc điều trị COVID-19 giúp ngăn tình trạng bệnh tiến triển nặng và rút ngắn thời gian điều trị, song vẫn chưa có báo cáo nào về tính an toàn.

Tại Úc, cuối tuần này, Chính phủ Úc sẽ nhận được khuyến nghị của Cơ quan quản lý sản phẩm điều trị (TGA) về việc có nên công nhận vắc xin phòng COVID-19 sản xuất tại Trung Quốc và Ấn Độ hay không.

Hiện TGA mới chỉ công nhận các vắc xin được sản xuất tại châu Âu, Mỹ và Úc, bao gồm Pfizer, Johnson & Johnson, Moderna và AstraZeneca. Giám đốc TGA - Giáo sư John Skerritt cho biết cơ quan này đang nỗ lực đánh giá các loại vắc xin được sản xuất ở nước ngoài, nhưng thông tin về vắc xin của Ấn Độ và Trung Quốc còn khá ít so với các loại vắc xin mà châu Âu, Bắc Mỹ và Úc đã chấp thuận. TGA đang liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền của hai nước này để có thêm thông tin cần thiết.

Ngày 27/9 tại New Zealand, Bộ trưởng phụ trách Ứng phó với dịch COVID-19 của New Zealand Chris Hipkins cho biết mục tiêu mở cửa trở lại biên giới của New Zealand một cách an toàn và xây dựng các phương thức mới để tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân sẽ được bắt đầu với chương trình thí điểm tự cách ly.

Phát biểu họp báo sau cuộc họp nội các, Bộ trưởng Hipkins cho biết là một phần của kế hoạch tái kết nối New Zealand với thế giới được công bố vào tháng 8, chương trình thí điểm sẽ xem xét việc tự cách ly ở những người đã được tiêm chủng và chưa từng đến các quốc gia có nguy cơ rất cao. Mục đích của chương trình này là nhằm nghiên cứu một cách thức mới để nhập cảnh New Zealand, cho phép chính phủ xác định các lĩnh vực cần chú trọng hơn để mở rộng phương pháp tiếp cận và cung cấp những thông tin giá trị cho việc đưa ra các lựa chọn trong tương lai.

Tại châu Mỹ, Chính phủ Chile thông báo quyết định dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp được ban bố từ giữa tháng 3/2020 và chấm dứt lệnh giới nghiêm vào buổi tối sau một thời gian đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Tổng thống Sebastían Pinẽra đánh giá trong những tháng gần đây, thông qua những chính sách hợp lý và ý thức hợp tác của người dân, tình hình kiểm soát dịch bệnh tại Chile đã có những tiến triển tích cực, số ca nhiễm mới, ca bệnh nặng phải nhập viện và số tử vong đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, ông khuyến cáo người dân vẫn cần phải tự ý thức tuân thủ các biện pháp phòng dịch, sát khuẩn thường xuyên để hạn chế nguy cơ bùng phát dịch trở lại.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát hồi tháng 3/2020, quốc gia Nam Mỹ này đã có khoảng 1,6 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 37.000 trường hợp tử vong. Một trong những lý do quan trọng giúp Chile đạt được những tiến bộ tích cực trong kiểm soát dịch bệnh là việc triển khai nhanh chóng và hiệu quả chương trình tiêm vắc xin phòng COVID-19 đại trà cho người dân.

Đến nay đã có 13,4 triệu trong tổng số 19 triệu người dân Chile hoàn tất phác đồ tiêm vắc xin và hiện đã bắt đầu tiêm vắc xin cho trẻ em từ 6-11 tuổi.

Tại Mỹ, bang Texas đã ghi nhận số ca bệnh vượt mức 4 triệu người, chỉ xếp sau bang California. Đáng chú ý, Texas hiện là bang có số ca bệnh và số ca nhập viện trung bình hằng ngày cao nhất và chỉ đứng sau Florida về số ca tử vong trung bình hằng ngày.

Vào tháng 11/2020, Texas là bang đầu tiên tại Mỹ vượt qua 1 triệu ca bệnh, con số này đã lên tới 2 triệu và 3 triệu lần lượt vào tháng 1/2021 và tháng 7/2021. Tuần trước, Thống đốc Texas Greg Abbott cho biết tỉ lệ nhập viện tại bang này giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 6 tuần.

Hiện khoảng 60% người dân Texas đã tiêm ít nhất một liều vắc xin phòng COVID-19 và 51% được tiêm phòng đầy đủ. Những số liệu được ghi nhận trên được công bố trong bối cảnh biến thể Delta đang bùng phát tại Mỹ, với nguy cơ đặc biệt cao đối với những người chưa được tiêm phòng.

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo ông đã tiêm mũi vắc xin thứ 3. Theo Tổng thống Biden, có khoảng 23% người Mỹ đủ điều kiện nhưng chưa tiêm bất kỳ mũi vắc xin ngừa COVID-19 nào. Tuần trước, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đưa ra khuyến nghị tiêm mũi vắc xin ngừa COVID-19 tăng cường cho người lớn tuổi, những người đang được chăm sóc lâu dài tại các cơ sở chăm sóc, một số người có tình trạng sức khỏe không tốt và người trưởng thành có nguy cơ mắc COVID-19 do tính chất công việc.

Hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ thông báo đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn giữa và cuối loại thuốc viên kháng virus SARS-CoV-2 dành cho những người có khả năng đã nhiễm bệnh. Từ tháng 3/2020, hãng Pfizer đã bắt đầu phát triển thuốc điều trị COVID-19 dạng viên, có tên PF-07321332, và tiến hành thử nghiệm kết hợp với thuốc Ritonavir - loại thuốc đã được sử dụng kết hợp với các thuốc khác để kiểm soát lây nhiễm HIV.

Theo Pfizer, thử nghiệm có sự tham gia của 2.660 người trưởng thành, là những người bắt đầu có triệu chứng bệnh hoặc được xác định mới tiếp xúc với nguồn bệnh. Những tình nguyện viện này sẽ được chỉ định ngẫu nhiên uống thuốc PF-07321332 kết hợp với ritonavir hoặc uống giả dược 2 lần/ngày trong 5 hoặc 10 ngày. Mục đích của cuộc thử nghiệm là đánh giá độ an toàn và hiệu quả của PF-07321332 trong việc ngăn chặn lây nhiễm virus SARS-CoV-2 và sự phát triển của các triệu chứng bệnh trong 14 ngày.

Nhiều hãng dược khác đang thử nghiệm các thuốc uống hiện có để điều trị COVID-19, song Pfizer là hãng dược đầu tiên bào chế thuốc viên chống virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, thuốc PF-07321332, nếu được cấp phép, chỉ được dùng điều trị cho bệnh nhân mới nhiễm bệnh. Khi bệnh đã chuyển biến nặng, phần lớn virus đã ngừng nhân bản, việc dùng thuốc có thể tạo phản ứng thái quá của hệ miễn dịch, gây nguy hiểm cho bệnh nhân.

Trong diễn biến khác, nghiên cứu về biến thể Delta kết hợp với đột biến E484K, được phát hiện tại Lombardy, miền bắc Ý, cho thấy các loại biến thể mới có thể không kháng vắc xin nhiều như các nhà khoa học lo ngại.

Kết quả một nghiên cứu, được đăng trên tạp chí Các bệnh truyền nhiễm mới nổi ngày 27/9, cho thấy việc tiêm vắc xin có thể chống lại biến thể mới trên, mặc dù không ngăn chặn được việc lây nhiễm. Các nhà nghiên cứu, trong đó có tác giả chính, Tiến sĩ Andreina Baj thuộc Đại học Insubria ở Varese, nói rằng việc theo dõi sự xuất hiện của bất kỳ biến thể nào mang đột biến E484K là “cấp bách” và “cực kỳ đáng quan tâm vì lý thuyết tăng khả năng miễn dịch”.

Các quan chức y tế Ý đang theo dõi biến thể mới Delta Plus, kết hợp giữa biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao và đột biến E484K, liên quan đến khả năng kháng vắc xin đã được xác định xảy ra ở 19 người ở Anh và 99 người khác trên khắp thế giới.

Delta Plus hiện vẫn chưa phải là một biến thể đáng lo ngại do số người mắc chưa nhiều, nhưng các nhà khoa học lo ngại biến thể này có thể bùng phát khi nhiều người được tiêm chủng hơn, tạo điều kiện cho các biến thể mới có thể kháng được vắc xin.

Cho đến tháng 7/2021, cả biến thể Delta và các dòng nhánh của mình đều không mang đột biến E484K. Đột biến này xuất hiện trong biến thể Beta lần đầu tiên được xác định ở Nam Phi, nhưng biến thể đó không có mức độ lây lan cao như Delta.

Nghiên cứu trên cho biết sự xuất hiện của E484K ở Delta là bình thường do khả năng lây nhiễm cao của biến thể ban đầu. Vào ngày 11/7, một người đàn ông 41 tuổi sống tại một ngôi làng nhỏ ở phía bắc Lombardy, đã được tiêm đủ hai mũi vắc xin của hãng Pfizer, được phát hiện mắc COVID-19.

Sau khi giải mã gene, các nhà khoa học phát hiện người đàn ông này đã mắc biến thể Delta Plus. Bệnh nhân đã bình phục hoàn toàn mà không cần đến bệnh viện, song bà mẹ 80 tuổi của người này lại nhiễm COVID-19 vào ngày 24/7 với biến thể mới tương tự. Sau đó, hai trường hợp khác là người cao tuổi, vốn từng có tiếp xúc với bệnh nhân thứ hai, cũng được xác định mắc COVID-19. Tuy nhiên, hai người này cũng không cần nhập viện và tự bình phục.

H.T (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/264580/toan-the-gioi-ghi-nhan-gan-233-trieu-ca-nhiem-virus-sars-cov-2.html