'Tôi yêu giảng dạy và nghiên cứu khoa học như một phần sống của đời tôi'
'Kết quả của nghiên cứu khoa học nhất định phải cho ra các giải pháp thiết thực hỗ trợ cho xã hội, sinh viên', Nhà giáo ưu tú Nguyễn Minh Thủy chia sẻ.
Tôi được nghe chia sẻ về hành trình của một nhà giáo làm nghiên cứu khoa học với nhiều khát vọng cống hiến.
Đó là Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Minh Thủy, sinh năm 1961, quê gốc ở tỉnh An Giang, hiện đang là giảng viên cao cấp môn Công nghệ thực phẩm, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Trường Đại học Cần Thơ.
Cô Thủy kể, năm 1984, sau khi tốt nghiệp xuất sắc kỹ sư ngành Chế biến thực phẩm của Trường Đại học Cần Thơ, cô được giữ lại làm giảng viên của trường.
Cô Thủy luôn tâm niệm rằng, giáo án phải luôn là một kịch bản hoàn hảo, nếu được chuẩn bị chu đáo thì mọi tiết học đều sẽ thành công. Do vậy, mỗi giờ lên lớp, cô Thủy đều chuẩn bị giáo án rất kỹ, giảng dạy hết tâm huyết để truyền thụ kiến thức từ lý luận đến thực tiễn cho sinh viên. Càng đi sâu vào công tác giảng dạy chuyên ngành, cô Thủy càng đam mê, mong muốn được dạy, mở rộng kiến thức trong và ngoài nước cho học trò.
“Tôi nghĩ, giảng viên không chỉ trang bị kiến thức cho học trò để nâng cao chất lượng học tập mà còn cần phải dạy cho các em cách sống, đạo đức ứng xử và kỹ năng giao tiếp. Với những lẽ đó, tôi đã toàn tâm, toàn ý vì sự nghiệp giảng dạy cho đến thời điểm này”, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Minh Thủy chia sẻ.
Người đi tìm giải pháp chăm sóc sức khỏe cộng đồng
Chia sẻ về bước ngoặt đầu tiên trên hành trình phát triển chuyên môn, cô Thủy cho đó là ngày cô nhận được Thư phản hồi chấp nhận học Chương trình Thạc sĩ tại Viện Kỹ thuật Châu Á (AIT) ở Thái Lan năm 1991 - thời điểm mà để được nhận học bổng du học không phải là điều dễ dàng.
Ở đất nước xa lạ, tiếp xúc với con người, nền văn hóa và ngôn ngữ mới, cô Thủy phải cố gắng rất nhiều mới có thể hòa nhập, sinh hoạt, học tập và nghiên cứu với mục tiêu nâng cao kiến thức, kinh nghiệm. Có thời điểm sát ngày thi, cô Thủy ôn bài đến gần sáng. Bằng nỗ lực hết mình, năm 1992, tại Viện Kỹ thuật Châu Á, cô Thủy hoàn thành báo cáo tốt nghiệp Thạc sĩ với xếp loại xuất sắc.
Năm 2001, cô Thủy tiếp tục học chương trình Tiến sĩ tại Trường Đại học Katholieke Universiteit Leuven, Bỉ. Tại đây, cô Thủy được tiếp cận với các trang thiết bị hiện đại bậc nhất thế giới và được hỗ trợ, hướng dẫn của các giáo sư. Trước những khó khăn, cô luôn tự nhủ: “Người khác làm được thì mình nhất định phải làm được, phải đem vinh quang về cho quê hương và góp phần phát triển đất nước sánh cùng với các quốc gia phát triển trên thế giới”.
Năm 2007, trở về nước với những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy ở nước ngoài, cô Thủy tiếp tục cống hiến hết mình cho nghiên cứu khoa học và giảng dạy tại Trường Đại học Cần Thơ.
Cô Thủy đau đáu phải làm thế nào để mang lại giải pháp hỗ trợ cho xã hội từ những nghiên cứu của mình. Các nghiên cứu khoa học của cô Thủy tập trung vào phát triển công nghệ chế biến sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em, người già và các đối tượng khác nhau trong cộng đồng. Nghiên cứu nhằm nâng cao sức đề kháng, tăng khả năng miễn dịch của cơ thể và phòng chống bệnh tật từ việc kết hợp giữa các chất dinh dưỡng đa dạng trong sản phẩm động vật như gà, cá tra, tôm… và các loại rau củ quả phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long.
Liên quan đến dinh dưỡng của con người, theo cô Thủy, yếu tố quan trọng chính là nguồn thực phẩm. Nguồn nguyên liệu nông sản đa dạng với giá trị dinh dưỡng cao đã và đang phát triển trong nước với sản lượng lớn, đặc biệt là rau củ quả, chỉ được tiêu thụ dạng tươi, thu nhập khiến chất lượng cuộc sống của người dân địa phương còn thấp, nhiều mặt hàng nông sản khó tiêu thụ. Vì vậy, cô Thủy cho rằng, cần có biện pháp chiến lược nhằm giải quyết lâu dài vấn đề về tiêu thụ nông sản, hỗ trợ nông dân và ngành nông nghiệp khi gặp khó khăn.
Vốn là người luôn quan tâm đến nguồn nguyên liệu có giá trị dinh dưỡng cao nhưng lại ít được nhiều người biết đến, cô Thủy mong muốn, đã và đang nghiên cứu chuyển những nguyên liệu từ rừng xa, đồng ruộng đến các bàn ăn trong mỗi gia đình hoặc trở thành những mặt hàng có giá trị cao.
Đưa kết quả nghiên cứu khoa học vào giảng dạy, chuyển giao để giải quyết việc làm
Hơn 40 năm miệt mài làm khoa học, cô Thủy đã tham gia nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học trên lĩnh vực Công nghệ thực phẩm và Công nghệ sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm đặc sản mới có giá trị gia tăng, với tiêu chí sạch, an toàn, dinh dưỡng cho người sử dụng và mang thương hiệu của địa phương. Thời điểm khó khăn nhất đối với cô Thủy là vào thập niên 90, khi việc nghiên cứu khoa học là vấn đề nan giải với nguồn kinh phí ít, trang thiết bị hạn chế.
Có kỷ niệm cô Thủy không bao giờ quên đó là khi nghiên cứu cây mía ở Hậu Giang, cô và cộng sự phải lội ruộng, bị đỉa, vắt bám đầy chân. Hay khi làm đề tài ở Tịnh Biên (tỉnh An Giang), để giúp cô Thủy lấy được nước thốt nốt làm nguyên liệu nghiên cứu, người dân địa phương phải trèo lên cây thốt nốt rất cao và nguy hiểm. Cô Thủy vẫn nhớ cảm giác lo sợ khi vượt qua đoạn đường đèo dài 12 km đến Măng Đen lấy quả sim rừng chất lượng tốt nhất để làm rượu vang. Giao tiếp với đồng bào dân tộc thiểu số cũng là thử thách với cô khi làm đề tài ở vùng sâu, vùng xa.
Sau mỗi đề tài nghiên cứu, nhiệm vụ quan trọng nhất là chuyển giao công nghệ, quy trình sản xuất, và đề xuất trang thiết bị cần thiết cho các Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học của các tỉnh để địa phương có thể triển khai sản xuất hiệu quả. Cô Thủy đã chuyển giao một số công nghệ sản xuất đặc biệt như: rượu vang sim rừng; Sữa hạt sen; kỹ thuật sản xuất rượu vang thốt nốt và vang khóm; 02 quy trình công nghệ sản xuất trà Linh chi túi lọc và nước uống Linh chi đóng chai. Các bảng màu dự đoán chất lượng theo độ chín của hai giống thanh trà chua và ngọt, ba giống trái chôm chôm ở Bến Tre, giống Khóm Cầu Đúc ở Hậu Giang…
Cô Thủy thực hiện 26 đề tài nghiên cứu khoa học và hơn 45 công nghệ được chuyển giao. Nhờ chuyển giao công nghệ, cơ sở sản xuất đã tận dụng được nguồn đặc sản của địa phương, sản xuất sản phẩm với số lượng lớn và mang lại hiệu quả kinh tế. Hoạt động này còn giúp giải quyết công ăn việc làm cho phụ nữ ở các địa phương, giúp họ tăng thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống. Giúp địa phương tận dụng các hợp chất sinh học quý từ các nguồn nguyên liệu sẵn có khi thị trường tiêu thụ các nguồn hàng này còn bấp bênh, thường xảy ra tình trạng “kêu cứu” hàng năm… góp phần nâng cao giá trị của nguồn đặc sản bản địa, tạo sản phẩm mới có giá trị dinh dưỡng cao và tiện dụng.
Cũng theo cô Thủy, khó khăn lớn nhất trong quá trình chuyển giao là các địa phương tiếp nhận công nghệ thường thiếu thốn trang thiết bị (điều kiện tiên quyết của các công nghệ sản xuất). Cách khắc phục là sử dụng trang thiết bị sẵn có từ trước của địa phương để phát triển các dự án thử nghiệm, dần dần có kinh phí thì sẽ mua sắm trang thiết bị mới.
Với những kết quả nghiên cứu đạt được, cô Thủy lồng ghép và truyền tải trong các tiết học, giúp sinh viên/học viên có thể tiếp cận các kiến thức mới nhất (phát triển lý thuyết từ thực tiễn), áp dụng hiệu quả vào thực tế.
Lý giải nguyên nhân lựa chọn lĩnh vực nghiên cứu thực phẩm, cô Thủy Tâm sự: “Do làm công tác giảng dạy từ năm 1984 với học phần “Dinh dưỡng người” và “Dinh dưỡng và cộng đồng” trong chương trình đào tạo đại học và sau đại học ngành Công nghệ thực phẩm, nên tôi tập trung nghiên cứu theo các hướng của học phần giảng dạy với mục tiêu quan trọng nhất là làm sáng tỏ nội dung, cập nhật thông tin nghiên cứu thực tế vào mỗi bài giảng.
Mọi nghiên cứu khoa học cần gắn liền với thực tế, thiết thực và có trọng tâm. Ngoài ra, cũng cần phải có kinh phí, mô hình nghiên cứu phù hợp. Kết quả của nghiên cứu khoa học nhất định phải cho ra các giải pháp thiết thực hỗ trợ cho xã hội, sinh viên. Bởi, chính sinh viên là người tiên phong áp dụng công nghệ được học trên giảng đường để quay về địa phương góp phần tổ chức sản xuất sản phẩm hữu dụng, hỗ trợ sinh kế, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy khởi nghiệp của các doanh nghiệp”, cô Thủy chia sẻ.
Ghi nhận những cống hiến, cô Thủy vừa là 1 trong 16 tập thể, cá nhân được vinh danh trong Chương trình Vinh quang Việt Nam năm 2023.
Cô bộc bạch: “Đây là dấu son đẹp trên quãng đường dài giảng dạy và nghiên cứu khoa học của tôi. Tôi ý thức được hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong xã hội, tiếp tục cống hiến và lan tỏa, truyền cảm hứng học tập và nghiên cứu cho thế hệ trẻ với những đổi mới sáng tạo, thiết thực hơn. Đặc biệt, tôi vẫn sẽ tiếp tục chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học của mình thành những sản phẩm hữu ích cho xã hội, cống hiến cho khoa học, góp phần xây dựng và phát triển đất nước”.
Đổi mới tư duy để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước
Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Minh Thủy là điển hình cho tấm gương luôn đổi mới mạnh mẽ tư duy để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định.
"Trong giáo dục đào tạo, để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước thì trước hết cần phát huy tối đa nguồn lực con người. Trực tiếp là giảng viên phải lấy sinh viên làm trung tâm trong giảng dạy, học tập, nghiên cứu, phát huy tốt các nguồn lực, tiềm năng sáng tạo, nghị lực vươn lên", cô Thủy nói.
Do tính chất công việc, cô Thủy thường xuyên phải di chuyển để tiếp cận nguồn nguyên liệu, tìm hiểu văn hóa, lối sống địa phương. Có những lần thực địa ngoài trời nắng, mưa, về bị ốm nhưng công việc còn dang dở nên cô vẫn tiếp tục nghiên cứu miệt mài trong phòng thí nghiệm.
“Tôi yêu giảng dạy và nghiên cứu khoa học như một phần sống của đời tôi”
_Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Minh Thủy tâm sự_
Chia sẻ về thực tế tuyển sinh ngành Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm của Trường Đại học Cần Thơ, cô Thủy cho biết không gặp nhiều khó khăn vì đây là 2 ngành học có số lượng sinh viên đông, hiện trường đang đào tạo cả 3 bậc: đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.
Song, điều làm cô Thủy luôn trăn trở đó là giảng viên ngành Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm phải luôn xác định học tập suốt đời, nâng cao chất lượng bài giảng và tạo sự hứng thú cho sinh viên. Lấy đó làm tiêu chí đầu tiên của mỗi giảng viên để mang kiến thức, kinh nghiệm truyền tải cho thế hệ học trò.
Người thầy phải gương mẫu, nhiệt huyết thì sinh viên mới học tập, chủ động, tư duy, sáng tạo và dành nhiều thời gian nghiên cứu sâu, đáp ứng được yêu cầu của xã hội và kỳ vọng của gia đình. Xa hơn nữa là chuẩn bị hành trang tốt cho sinh viên sau khi ra trường, thỏa mãn yêu cầu và đỏi hỏi nghiêm ngặt về năng lực, kinh nghiệm của sinh viên ở các đơn vị tuyển dụng.
“Từ những yêu cầu thay đổi đối với lực lượng lao động, dẫn đến sự thay đổi trong nhu cầu học tập của các cá nhân và ngành nghề thì hệ thống giáo dục cũng cần được đổi mới. Theo tôi, trước hết đó là đổi mới trong chương trình đào tạo.
Chương trình đào tạo phải được cập nhật và điều chỉnh liên tục, vì hiện không còn là đào tạo đơn ngành mà là đa ngành, liên kết các lĩnh vực khác nhau để đáp ứng được nhu cầu học tập suốt đời của cá nhân.
Nhu cầu người học ngày càng cao cũng thúc đẩy sự thay đổi trong đào tạo ngành Công nghệ thực phẩm. Vì vậy, giảng viên phải có sự chuẩn bị sẵn sàng về công nghệ để có những bước thay đổi mạnh mẽ trong hoạt động đào tạo, phương pháp giảng dạy và quản trị sinh viên”, cô Thủy chia sẻ.