Ô tô nhập khẩu từ châu Âu vào Việt Nam được giảm thuế từ 2025, xe lắp ráp thêm sức ép
Kể từ ngày 1/1/2025, theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA), mức thuế nhập khẩu ô tô năm 2024 là 39% - 42,5% được giảm xuống 31,2% - 35,4%. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến bức tranh chung của thị trường xe ô tô Việt bên cạnh các nước có xe nhập khẩu trong khối ASEAN.
Bên cạnh EVFTA, theo biểu thuế của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), từ ngày 1/1/2025, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ Mỹ, Nhật Bản cũng tiếp tục được giảm từ 42% xuống 35%.
Đáng chú ý, hiện tại ở thị trường Việt Nam, các loại ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ EU về hầu hết nằm ở phân khúc xe hạng sang như: Mercedes, Audi, BMW, Land Rover v.v… Đây là phân khúc kén khách nhưng có giá trị cao, vì vậy khi mức thuế giảm sẽ giúp người tiêu dùng có thêm cơ hội tiếp cận dễ dàng hơn những mẫu xe chất lượng cao so với trước đây.
![Giảm thuế chắc chắn sẽ có tác động đến tâm lý người tiêu dùng nhưng thuế nhập khẩu giảm, nhưng giá xe có thực sự có giảm mạnh hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác từ thị trường, chính sách từ các hãng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_3_51447662/19866c72593cb062e92d.jpg)
Giảm thuế chắc chắn sẽ có tác động đến tâm lý người tiêu dùng nhưng thuế nhập khẩu giảm, nhưng giá xe có thực sự có giảm mạnh hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác từ thị trường, chính sách từ các hãng.
Tại thị trường Việt, trước đây, người tiêu dùng chủ yếu tiếp cận với các loại xe lắp ráp trong nước hoặc xe nhập từ ASEAN do mức giá “hợp ví” hơn. Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, năm 2024 cho thấy sự khởi sắc của hoạt động nhập khẩu ô tô với 173.561 xe, tổng kim ngạch đạt 3,62 tỷ USD, tăng 45,8% về lượng và tăng 27,6% về kim ngạch so với năm 2023. Indonesia dẫn đầu về lượng xe nhập khẩu về Việt nam với 70.728 chiếc, tổng kim ngạch 1,036 tỷ USD. Thái Lan đứng thứ hai về lượng xe với 63.769 chiếc, nhưng lại dẫn đầu về kim ngạch với 1,24 tỷ USD. Đứng thứ ba là Trung Quốc với 31.112 xe, kim ngạch hơn 909 triệu USD.
Bên cạnh việc mang lại cho người tiêu dùng Việt thêm nhiều lựa chọn, các Hiệp định thương mại tự do như các Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) còn mang lại nhiều cơ hội cho ngành ô tô Việt Nam thông qua việc giảm thuế và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Cụ thể, Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) với cam kết EU sẽ mở cửa thị trường ô tô cho Việt Nam. Theo đó, ô tô con thuộc nhóm 87023 đang hưởng thuế ưu đãi tối huệ quốc (MFN) 10% sẽ giảm về 0% sau 7 năm, còn linh kiện ô tô có thuế nhập khẩu từ 3 - 4% sẽ được cắt bỏ ngay khi EVFTA có hiệu lực.
Có thể nói EVFTA vừa là cơ hội, vừa là thách thức rất lớn cho doanh nghiệp Việt vì không chỉ tạo cơ hội cho việc nhập khẩu ô tô về Việt Nam mà còn tạo cho xe lắp ráp xuất khẩu sang EU. Những chiếc ô tô sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam cũng sẽ hưởng thuế xuất khẩu bằng 0% nếu đạt được tỷ lệ nội địa hóa theo quy định.
Trong khi đó, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN về Việt Nam sẽ xuống mức 0% (với xe có tỷ lệ nội địa hóa trong khối từ 40% trở lên) từ 1/1/2018. Các mẫu ô tô được nhập khẩu từ các nước như: Thái Lan, Indonesia hay Malaysia sẽ có thuế nhập khẩu giảm về 0% với những mẫu xe đạt tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm trong khối từ 40% trở lên. Tuy nhiên, thực tế các hãng xe trong nước gặp khó khăn trong xuất khẩu khi chưa đáp ứng được những yêu cầu trên. Đây cũng sẽ là dấu hỏi lớn khi các Hiệp định khác có hiệu lực từ năm 2025.
Gần đây nhất, năm 2024 đã qua là một năm xe lắp ráp trong nước gặp rất nhiều khó khăn trước sự lớn mạnh của xe nhập khẩu. Tình hình chỉ khởi sắc hơn khi chính sách ưu đãi trước bạ trong 3 tháng cuối năm. Về lâu dài sự lớn mạnh của xe nhập khẩu vào thị trường Việt rõ ràng không phải là tin tốt. Trong làn sóng xe nhập khẩu, các hãng xe nhập khẩu liên tục tung ra các chương trình khuyến mại tương đương với mức giảm lệ phí trước bạ của xe lắp ráp trong nước để kéo khách hàng. Ở góc độ tích cực thì đây cùng là thách thức cần có để xe lắp ráp trong nước có sự thay đổi ngay trên sân nhà, sau khi được sự hỗ trợ của Chính phủ từ đầu tháng 9/2024. Tiếp đến là áp lực cho các hãng xe trong nước phải tìm cách giải bài toán nâng cao chất lượng, cải tiến công nghệ, tối ưu giá bán để thu hút khách hàng.
![Tuy nhiên, việc tỷ trọng xe nhập khẩu liên tục neo ở mức cao và tăng mạnh trở lại là tín hiệu không tốt cho ngành công nghiệp ô tô trong nước.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_3_51447662/fd4f89bbbcf555ab0ce4.jpg)
Tuy nhiên, việc tỷ trọng xe nhập khẩu liên tục neo ở mức cao và tăng mạnh trở lại là tín hiệu không tốt cho ngành công nghiệp ô tô trong nước.
Xe nhập khẩu vượt xe trong nước đi ngược lại mục tiêu tăng trưởng đã được Chính phủ đề ra. Cụ thể, theo Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2020, tổng sản lượng xe sản xuất trong nước phải đạt ~ 227.500 chiếc, trong đó: xe đến 9 chỗ ~ 114.000 chiếc, từ 10 chỗ trở lên ~ 14.200 chiếc, xe tải ~ 97.960 chiếc, xe chuyên dụng ~ 1.340 chiếc. Đến năm 2025, tổng sản lượng xe sản xuất trong nước phải đạt ~ 466.400 chiếc, trong đó: xe đến 9 chỗ ~ 237.900 chiếc, từ 10 chỗ trở lên ~ 29.100 chiếc, xe tải - 197.000 chiếc, xe chuyên dụng ~ 2.400 chiếc.
Trước bối cảnh mới, trong Chiến lược phát triển các ngành ô tô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu tổng quát của Chiến lược là xây dựng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe có lợi thế cạnh tranh, tham gia xuất khẩu, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác và nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới.
Trước đó, theo Chiến luợc phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1168/QĐ-TTg, ngày 16 tháng 7 năm 2014, nhấn mạnh về các vấn đề phát huy nội lực của mọi thành phần kinh tế trong nước; chú trọng liên kết, hợp tác với các tập đoàn sản xuất ô tô lớn trên thế giới để phát triển ngành công nghiệp ô tô đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước về các loại xe có lợi thế cạnh tranh, phù hợp với chính sách tiêu dùng và các yêu cầu bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng; nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới; tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế cả nước theo hướng hiện đại.
Tỷ lệ số xe sản xuất lắp ráp trong nước đặt mục tiêu phải chiếm khoảng 78% so với nhu cầu nội địa. Về phát triển công nghiệp hỗ trợ, giai đoạn đến năm 2020, cơ bản hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô; phấn đấu đáp ứng khoảng 35% (tính theo giá trị) nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước. Giai đoạn 2026 - 2035 đáp ứng trên 65% nhu cầu về link kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.
Với các chính sách ứng phó để phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước, thời gian tới thị trường Việt Nam hứa hẹn sẽ rất sôi động khi có thêm các đối thủ mới và giá bán rất cạnh tranh. Người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi lớn với nhiều lựa chọn. Nhưng đằng sau đó là thách thức, áp lực rất lớn cho các hãng xe lắp ráp trong nước. Đặc biệt trong kỷ nguyên xanh hóa thì thị trường Việt thì các hãng xe nội địa phải có các chiến lược bền vững mới có thể đứng vững trên chính sân nhà của mình.