Tồn kho giảm làm gia tăng lo ngại thiếu hụt nguồn cung, giá cà-phê Robusta tăng trở lại
Sau 4 phiên giảm liên tiếp, giá cà-phê Robusta hợp đồng tháng 5 quay đầu tăng 0,91% trong phiên hôm qua. Tồn kho giảm làm gia tăng lo ngại thiếu hụt nguồn cung cục bộ, hỗ trợ giá tăng trở lại.
Sau 4 phiên giảm liên tiếp, giá cà-phê Robusta hợp đồng tháng 5 quay đầu tăng 0,91% trong phiên hôm qua. Xung đột chính trị có tín hiệu căng thẳng trở lại, khiến thị trường chưa dứt khỏi lo ngại về nguồn cung.
Theo đó, Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện chiến dịch chống lại 2 máy bay không người lái trên biển của Houthi ở Yemen. Đồng thời, các cuộc tấn công từ những bên khác cũng vân thực hiện, gây ảnh hưởng lên hoạt động thương mại trên tuyến đường huyết mạch Á-Âu.
Bên cạnh đó, tồn kho Robusta trên Sở ICE-EU tiếp tục giảm còn 27.250 tấn, mức thấp kỷ lục mới. Điều này góp phần làm gia tăng lo ngại thiếu hụt nguồn cung cục bộ, từ đó hỗ trợ giá tăng trở lại.
Khép lại phiên giao dịch 6/2, giá Arabica giảm 0,69%, ghi nhận phiên thứ 3 liên tiếp trong sắc đỏ. Tồn kho tăng mạnh phần nào giảm bớt lo ngại về khả năng đáp ứng cà-phê cho thị trường. Trong báo cáo kết phiên 5/2, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US tăng thêm 14.565 bao loại 60kg, đưa tổng số cà-phê qua chứng nhận lên 281.455 bao.
Giá đường 11 biến động trong phiên hôm qua, đóng cửa giá chỉ tăng nhẹ 0,13% so với tham chiếu. Rủi ro thiếu hụt nguồn cung đường có thể kéo dài sang niên vụ 2024/25 đã tạo hỗ trợ tốt cho giá. Nhà phân tích Green Pool dự báo sản lượng đường toàn cầu vụ 2024/25 sẽ thâm hụt 788.000 tấn. Điều này đồng nghĩa nguồn cung vẫn thắt chặt và giá có thể sẽ ở mức cao.
Giá bông tăng 0,57%, chủ yếu nhờ hỗ trợ từ sự suy yếu của đồng USD vào phiên tối. Theo đó, chỉ số Dollar Index giảm 0,23%, đồng nghĩa đồng USD yếu đi và giá bông Mỹ bớt đắt đỏ với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác. Giá rẻ hơn thúc đẩy lực mua trên thị trường. Điều này cũng phần nào củng cố niềm tin nhu cầu về bông đang trở lại.
Tình hình nguồn cung kém khả quan tại Malaysia tiếp tục hỗ trợ giá dầu cọ thô tăng 1,08%. Trước đó, tồn kho dầu cọ tính đến cuối tháng 1 của nước này ước tính đạt 2,14 triệu tấn, giảm 6,62% do sản lượng thấp hơn 11,83% so với tháng 12/2023. Hơn nữa, sản lượng dầu cọ của Malaysia được dự báo sẽ tiếp tục sụt giảm trong hai tháng tới, khiến nguồn cung thắt chặt hơn.