Tôn vinh giá trị Di sản văn hóa cồng chiêng Ba Tơ
Nhân kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và chào mừng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026, huyện Ba Tơ vinh dự đón Bằng công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia Nghệ thuật trình diễn chiêng ba của người Hrê.
Huyện Ba Tơ hiện có gần 49.000 người dân tộc Hrê, chiếm khoảng 84% tổng dân số toàn huyện. Người Hrê ở Ba Tơ còn lưu giữ các làn điệu ca lêu, ca choi, ca dao, dân ca truyền thống, các nhạc cụ vô cùng độc đáo. Trong đó, nhạc cụ được người Hrê quý nhất là chiêng, đặc biệt là bộ chiêng 3 chiếc, được gọi là chiêng ba. Chiêng ba là nhạc khí phổ biến nhất của người Hrê và mang tính đặc trưng tiêu biểu, có âm thanh hoang sơ nguyên thủy, có cái gì đó rất lạ, rất riêng. Từ tiết tấu, nhịp điệu đến sự phối âm, phối bè, sự tinh tế, tài tình của người đánh chiêng có khởi đầu, có cao trào, có kết thúc; khi trầm hùng, lúc rạo rực, thổn thức...
Tuyệt đại đa số chiêng của người Hrê là dàn chiêng 3 chiếc. Ba chiếc chiêng (chinh) có kích cỡ không bằng nhau. Chiếc lớn có tên là chinh Vông hay chinh cha, chiếc nhỏ hơn là chinh Tum hay chinh mẹ, chiếc nhỏ nhất là chinh Túc hay là chinh con. Đánh chiêng thì gọi là túc chinh. Khi trình diễn, chinh Vông được để nghiêng, chinh Tum để nằm, chinh Túc treo trên dây. Khi đánh thì chinh Tum đóng vai trò giữ nhịp, chinh Vông và chinh Túc theo giai điệu. Chinh cha và chinh mẹ đánh bằng nắm tay trần, chinh con đánh bằng nắm tay có quấn khăn để tiếng chiêng được ấm.
“Huyện Ba Tơ đã có định hướng phát triển du lịch cộng đồng, lấy tiềm năng văn hóa truyền thống của đồng bào để giới thiệu và thu hút khách tham quan. Nghệ thuật trình diễn chiêng ba thực sự là một sản phẩm du lịch hấp dẫn không chỉ của người Hrê ở Ba Tơ, mà còn của cả dân tộc. Huyện Ba Tơ sẽ tiếp tục đầu tư, quan tâm gìn giữ nhằm phát huy tốt nhất giá trị của di sản trong việc phát triển kinh tế - xã hội, gắn với phát triển du lịch tại địa phương" .
Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ PHẠM XUÂN VINH
Theo quan niệm của người Hrê, cồng chiêng cũng được xem là vật “có hồn” được trời ban cho. Tiếng chiêng được xem là tiếng nói của con người để cầu khấn đến thần linh xin ban những điều tốt đẹp và che chở cho dân làng, gia đình có cuộc sống bình an, cây trồng, vật nuôi, mùa màng sinh sôi phát triển. Chính từ những quan niệm mang yếu tố văn hóa tâm linh, nên người Hrê Ba Tơ rất coi trọng bộ chiêng và cất giữ trong gia đình và chỉ sử dụng trong các ngày lễ trọng đại của cộng đồng và gia đình.
Trải qua bao đời, người Hrê vẫn xem cồng chiêng là vật báu của tổ tiên, gắn bó với đời sống thường nhật của cộng đồng và từng gia đình. Hằng năm, người Hrê tổ chức nhiều lễ hội mang tính cộng đồng như: Lễ ăn trâu, Tết năm mới, lễ cầu mưa... và các nghi lễ của từng gia đình như lễ mừng nhà mới, cưới xin, cúng tổ tiên... Trong những dịp lễ hội, các gia đình có cồng chiêng mang ra trình diễn, tạo nên không khí lễ hội vui tươi, lành mạnh, tạo sự gắn kết cộng đồng. Tiếng chiêng có thể vang xa từ làng này đến làng khác và người ta có thể nhận biết được trong làng đang có lễ hội gì. Hầu hết các xã trên địa bàn huyện Ba Tơ đều có đội cồng chiêng và thường xuyên sinh hoạt cồng chiêng trong những ngày lễ, Tết của cộng đồng và gia đình.
Với những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, nghệ thuật trình diễn chiêng ba của người Hrê Ba Tơ được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tại Quyết định số 609/QĐ-BVHTTDL, ngày 3.2.2021. Đây là niềm vinh dự và tự hào của người Hrê huyện Ba Tơ nói riêng và cộng đồng người Hrê trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi nói chung.