Tổng Bí thư Tô Lâm: Tinh gọn không chỉ để tiết kiệm, quan trọng hơn là nâng cao năng lực bộ máy
Tổng Bí thư nhận định, đây là thời điểm vàng triển khai tinh gọn, sắp xếp bộ máy để đạt được các mục tiêu đề ra, trong đó có mục tiêu tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân…
![Tổng Bí thư Tô Lâm](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_341_51467896/3b1f55d864968dc8d487.jpg)
Tổng Bí thư Tô Lâm
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, các đại biểu thảo luận tại Tổ 1 (đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) về 3 nội dung: Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Phát biểu tại thảo luận tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập nội dung liên quan đến đề án tinh gọn bộ máy chính trị.
THỜI ĐIỂM VÀNG ĐỂ TINH GỌN BỘ MÁY
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, chủ trương của Đảng về tinh gọn, sắp xếp bộ máy được nhân dân, các cơ quan và Quốc hội đồng tình, ủng hộ; tổ chức triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả. Điều này cho thấy chủ trương đúng, đáp ứng mong đợi của người dân.
Tổng bí thư nhấn mạnh, mục tiêu tinh gọn bộ máy không chỉ tiết kiệm ngân sách, mà quan trọng hơn là hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, đưa đất nước phát triển. Đất nước muốn phát triển, muốn bứt phá phải sắp xếp, tinh gọn. Đây cũng là thời điểm chín muồi để thực hiện và được người dân đồng tình. Trong nhiều nhiệm vụ, có hai nhiệm vụ quan trọng là tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân, đây là những mục tiêu xuyên suốt mà Đảng ta đặt ra.
Trên tinh thần đó, cần xác định tinh gọn bộ máy hiệu lực, hiệu quả, xác định đúng chức năng, nhiệm vụ. Để làm được điều này, Tổng Bí thư cho rằng, điều đầu tiên cần làm là tổ chức mô hình tổ chức bộ máy và có hệ thống pháp luật để toàn xã hội đồng lòng thực hiện; cùng với đó là bố trí đội ngũ cán bộ đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật.
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, Nghị quyết trung ương các khóa đã nhận định bộ máy nhà nước hoạt động cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả. Nghị quyết 18 của Trung ương khóa XII tiếp tục khẳng định điều này. Do vậy, đến khóa XIII chúng ta tổng kết Nghị quyết 18 và nhận thấy còn nhiều nhiệm vụ chưa hoàn thành. Đây là thời điểm vàng để tinh gọn bộ máy, trong quá trình thực hiện đã nghiên cứu kỹ lưỡng và tham khảo kinh nghiệm các nước.
“Mỗi giai đoạn cách mạng phải có bộ máy để thực thi đường lối. Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bộ máy phải đảm bảo được mục tiêu đó; chính sách, pháp luật phải đảm bảo mục tiêu đó”, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật và hành chính để toàn dân thực hiện. Bố trí bộ máy không chỉ để bộ máy hoạt động, mà phải phù hợp với Quốc hội, phù hợp với Chính phủ, phù hợp với các bộ, ngành, địa phương, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
TỔNG HÒA NĂNG LỰC CỦA ĐẤT NƯỚC VÀ KINH NGHIỆM THẾ GIỚI
Mặc dù vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đang được nâng cao nhưng Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, năng lực cạnh tranh quốc gia vẫn còn thấp so với thế giới; nguy cơ tụt hậu của nước ta cũng được Đảng ta nhận diện từ sớm, trong đó nguy cơ tụt hậu là một trong bốn nguy cơ; nguy cơ này vẫn đang hiện hữu, thậm chí còn phức tạp hơn, vì các quốc gia trên thế giới đang phát triển nhanh.
Trong quá trình thực hiện, theo Tổng Bí thư, đã có nghiên cứu kỹ về hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả từ lịch sử của đất nước đến kinh nghiệm trên thế giới.
Cần phải tính đến khả năng phối hợp, năng lực dữ liệu, năng lực thực thi chính sách, chất lượng bộ máy, khả năng quản lý ngân sách. Chúng ta cũng cần kiểm điểm, đánh giá hàng năm, định kỳ về hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả của bộ máy nhà nước.
Cùng với đó phải tính đến khả năng phối hợp, năng lực thực thi chính sách và chất lượng hiệu quả; tính đến khả năng quản lý về ngân sách. Tổng Bí thư đặt vấn đề tiềm lực đất nước như thế tại sao không phát triển? Đầu tư công quy định phức tạp thế nào mà có tiền Nhà nước không tiêu được? Chủ tịch tỉnh, thành phố còn làm gì khi đầu nhiệm kỳ cấp trên đã phân bổ 5 năm xong hết đồng nào mua muối, đồng nào mua gạo và nếu làm khác đi là vi phạm.
"Mô hình quản lý ngân sách có vấn đề. Nhiều lúc tôi tự hỏi nhàn nhất chắc là ông chủ tịch thành phố vì quyết hết rồi, làm khác đi không được. Đất cũng xin cấp trên thì làm sao ông quyết định được đầu tư. Vậy hàng ngày ông làm việc gì, làm sao mà năng động, sáng tạo", Tổng Bí thư phát biểu.
Cuối cùng, phải tính đến năng lực cạnh tranh của thị trường, vị thế của quốc gia trên trường quốc tế. Nhìn lại 40 năm qua, chúng ta đánh giá thành quả của mình quá vĩ đại từ nghèo khổ đi lên nhưng nhìn ra thế giới thì mình quá chậm. Khả năng cạnh tranh quốc gia rất khó khăn.
"Tại sao có nơi với quy mô, phạm vi của một tỉnh lại làm kinh tế "đì đẹt", tốc độ phát triển như thế này? Người ta không có đất đai, tiềm năng, tài nguyên… không có gì cả, người ta lại khuyến khích được sản xuất, kinh doanh để làm việc và có nguồn thu. Muốn làm được thì phải mang sách vở đến mà học, phải tính toán lại, rút kinh nghiệm…", Tổng Bí thư nói.
Một lần nữa, Tổng Bí thư nhấn mạnh, trong số các giải pháp để tăng trưởng, việc tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả là yêu cầu rất quan trọng. "Để phát huy năng lực phát triển của toàn xã hội thì bộ máy phải phục vụ xã hội, động viên nhân dân tham gia. Những gì cản trở phát triển hai con số, những gì là điểm nghẽn thì phải giải quyết, phải khơi thông, phải làm rõ. Cả xã hội chuyển mình, ai cũng phải nghĩ để thực hiện", Tổng Bí thư Tô Lâm nói và nhấn mạnh cần phải khơi dậy sự đồng lòng, phát huy sức mạnh của nhân dân.
Tổng Bí thư cũng đề cập đến mục tiêu phát triển con người – động lực phát triển của đất nước, cần tính đến lợi ích của người dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. "Cần tính đến các cơ chế hành pháp, tính công bằng pháp quyền, mức độ liêm chính của Chính phủ, của Nhà nước. Chúng ta tăng cường phòng, chống tham nhũng để chứng minh được được bộ máy hành chính liêm chính… Đây chính là những tiêu chí để đánh giá hiệu năng, hiệu lực của bộ máy nhà nước, của chính quyền", Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý.