Tổng đài quốc gia 111 và nỗ lực bảo vệ trẻ em
Tại Việt Nam, theo khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH, trẻ em sử dụng mạng xã hội từ 5 - 7 giờ/ngày nhưng chỉ 36% trẻ em, hầu hết ở độ tuổi 16 - 17 được dạy về việc bảo đảm an toàn trên mạng.
Trẻ rất dễ rơi vào bẫy của người lạ trên mạng, tiếp cận với những nội dung độc hại như bạo lực, khiêu dâm; bị phát tán thông tin riêng tư, bị bắt nạt trực tuyến, bị lôi kéo, quấy rối, lừa đảo, tống tiền, dọa nạt, ép tham gia các hoạt động phi pháp.
“Alo, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em xin nghe!”
Khai trương từ ngày 6/12/2017, hoạt động 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 (Tổng đài 111) đã có rất nhiều nỗ lực để bảo vệ trẻ em trước vấn nạn xâm hại trên mạng.
Theo bà Nguyễn Thuận Hải, Trưởng Tổng đài 111, các trường hợp hỗ trợ, can thiệp của Tổng đài liên quan đến trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng chia theo 3 nhóm bao gồm: các báo cáo/thông báo về kênh/video/clip/hình ảnh có chứa nội dung độc hại cho trẻ em, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ em; các trường hợp trẻ em có nguy cơ hoặc bị xâm hại trên môi trường mạng; và trường hợp khẩn cấp. Trong đó, nhóm các trường hợp trẻ em có nguy cơ hoặc bị xâm hại trên môi trường mạng đã bao phủ khá đầy đủ. Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cũng đặc biệt quan tâm đến tình huống trẻ em tự gây hại đến tính mạng của mình như livestream tự sát, video tự sát hoặc chuẩn bị tự sát được đưa lên mạng.
Tại Hội thảo “Trẻ em trong thế giới số - Giải quyết rủi ro và thúc đẩy cơ hội” do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức mới đây trong khuôn khổ Tháng hành động vì trẻ em năm 2023, bà Nguyễn Thuận Hải, Trưởng Tổng đài 111, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, năm 2022 Tổng đài 111 đã tiếp nhận 419 cuộc gọi về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (giảm 39 cuộc gọi so với năm 2021) và 18 lượt thông báo về các kênh/video clip có nội dung độc hại đối với trẻ em (giảm 114 lượt so với năm 2021). Trong 419 cuộc gọi về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng có 398 cuộc gọi tư vấn, chiếm 3,8% trong số cuộc gọi tư vấn chuyên sâu của Tổng đài (giảm 24 cuộc so với năm 2021) và 21 ca kết nối, can thiệp cho trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng (giảm 15 ca so với năm 2021).
Trong 5 tháng đầu năm 2023, Tổng đài 111 đã tiếp nhận 128 cuộc gọi về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (giảm 39 cuộc gọi so với cùng kỳ năm 2022) và 03 lượt thông báo về các kênh/video clip có nội dung độc hại đối với trẻ em (giảm 06 lượt so với cùng kỳ năm 2022). Trong 128 cuộc gọi về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng có 124 cuộc gọi tư vấn, chiếm 3,6% trong số cuộc gọi tư vấn chuyên sâu của Tổng đài (giảm 37 cuộc so với cùng kỳ năm 2022) và 04 ca kết nối, can thiệp cho trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng (giảm 02 ca so với cùng kỳ năm 2022).
Trong 124 cuộc gọi tư vấn có, 30 cuộc gọi liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng, chiếm 24,2% (giảm 18 cuộc gọi so với cùng kỳ năm 2022); 15 cuộc gọi về trẻ em bị bạo lực, bắt nạt trên môi trường mạng, chiếm 12,1% (giảm 02 cuộc gọi so với cùng kỳ năm 2022); 12 cuộc gọi liên quan đến trẻ em bị dụ dỗ/gạ gẫm trên môi trường mạng, chiếm 9,7% (giảm 06 ca so với cùng kỳ năm 2022); 08 cuộc gọi về việc trẻ em bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm trên môi trường mạng, chiếm 6,5% (giảm 06 cuộc gọi so với cùng kỳ năm 2022); 01 cuộc gọi liên quan đến bóc lột tình dục trẻ em trên môi trường mạng; 01 cuộc gọi về trẻ em bị đưa thông tin cá nhân lên môi trường mạng (giảm 05 cuộc gọi so với cùng kỳ năm 2022) và 57 cuộc gọi (chiếm 46%) của trẻ em và phụ huynh trao đổi về cách sử dụng Internet an toàn cho trẻ em (tăng 03 cuộc gọi so với cùng kỳ năm 2022).
Trong 04 ca can thiệp, hỗ trợ (chiếm 0,91% trong tổng số ca hỗ trợ can thiệp 5 tháng đầu năm của Tổng đài) có 02 ca kết nối, can thiệp cho trẻ em bị xâm hại tình dục trên môi trường mạng (chiếm 50%, giảm 02 ca so với cùng kỳ năm 2022); 02 ca trẻ em bị đưa thông tin cá nhân lên mạng và bị xúc phạm danh dự trên môi trường mạng (chiếm 50%, bằng số lượng như cùng kỳ năm 2022).
Nỗ lực để bảo vệ tốt hơn cho trẻ em trên Internet
Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc mạnh mẽ để bảo vệ tốt hơn cho trẻ em trên Internet. Hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được Việt Nam quan tâm xây dựng, tạo cơ sở pháp lý quan trọng như: Luật Trẻ em, Luật An ninh mạng, Luật Tiếp cận thông tin; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số văn bản quan trọng nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030; và Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025…
Tuy nhiên, có một thực tế, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, Internet mang lại nhiều lợi ích cho trẻ em trong học tập, giải trí..., nhưng cũng kèm theo những rủi ro cho trẻ em, nhất là trong thời đại công nghệ số, kỷ nguyên số, công dân số như hiện nay. Trẻ em ngày càng dành nhiều thời gian sử dụng Internet với nhiều mục đích khác nhau như: học tập; xem phim; sử dụng mạng xã hội, theo dõi các nhân vật của công chúng; tìm kiếm thông tin; trò chuyện với bạn bè, người thân… và cùng với đó, trẻ em sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn, xâm hại trẻ em qua môi trường mạng nguy hiểm không kém đời thực, bởi những nội dung, hình ảnh được phát tán khắp nơi, có thể hiện hữu bất cứ lúc nào, gây tổn thương dai dẳng cho trẻ em.
Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia của Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, có 31% học sinh THCS và THPT bị bắt nạt trực tuyến. Thế giới ảo với chức năng ẩn danh đã tạo điều kiện cho những hành vi ứng xử chưa văn minh, thiếu chuẩn mực. “Nhiều vụ việc, hành vi chưa phù hợp với văn hóa của Việt Nam lại bắt nguồn từ những mâu thuẫn trên không gian mạng, ở đó có một đặc điểm dễ khiến chúng ta tạo ra xích mích. Bởi lẽ, trên không gian mạng chỉ là bức hình, dòng chữ, chúng ta không thể hiểu được cảm xúc của người đối diện để thấu cảm những thông điệp của nhau. Một người bình thường không dám nói trong tình huống mặt đối mặt nhưng trên không gian mạng lại có thể nói những lời thậm tệ”, PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ.
Ngoài bắt nạt, có nhiều hành vi khác trên không gian mạng tác động đến môi trường học đường. Năm 2022, trên thế giới, nhiều trào lưu độc hại đã lan truyền trên không gian mạng như ăn cắp đồ trong trường học, đánh lén giáo viên… Dù tại Việt Nam, những trào lưu này chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, nhưng cũng là một thực tế đáng lo ngại bởi những tác động tiêu cực đến đời sống học đường.
Từ thực trạng trên, để tăng cường bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng Tổng đài 111 đã có đề xuất, kiến nghị như: cần thống nhất các thuật ngữ về xâm hại trẻ em trên môi trường mạng để thuận tiện cho việc thu thập, cập nhật và cung cấp thông tin, số liệu cho cơ quan quản lý; chỉnh sửa quy trình hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em có nguy cơ, trẻ em bị xâm hại (Quy trình NĐ56/2017-NĐ-CP) phù hợp đối với trẻ em có nguy cơ hoặc bị xâm hại trên môi trường mạng); các bài giảng, chương trình tập huấn đặc biệt cho giáo viên các trường, sách giáo khoa sách tham khảo cho trẻ em cần thông tin về Tổng đài 111; hỗ trợ tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho nhân viên tư vấn Tổng đài 111 (liên quan đến thu thập chứng cứ, bằng chứng các vụ việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, mua bán người)…
Sau 19 năm hoạt động, Tổng đài 111 đã tiếp nhận 5.398.105 cuộc gọi đến, trong đó, đã tư vấn 469.408 cuộc gọi và hỗ trợ, can thiệp cho 9.601 ca trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, bị mua bán, bị bóc lột, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và vi phạm quyền trẻ em. Trẻ em là nhóm gọi đến Tổng đài nhiều nhất, có 225.956 cuộc gọi (chiếm 48,1%); cha mẹ, người chăm sóc trẻ có 80.568 cuộc gọi (chiếm 17,2%); người dân quan tâm đến các vấn đề của trẻ em có 123.015 cuộc gọi (chiếm 26,2%); cán bộ xã hội có 32.203 cuộc gọi (chiếm 6,9%); nhóm đối tượng khác có 7.666 cuộc gọi (chiếm 1,6%).