Tổng kết những kết quả đạt được tại COP28
Vào ngày 13/12 tại Dubai, 200 quốc gia tham gia hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc đã đưa đến kết luận cho một thỏa thuận 'lịch sử' – theo cách gọi của chủ tịch COP28, vì lần đầu tiên, COP đưa ra một văn bản gợi lên một 'sự chuyển dịch' dần dần theo hướng từ bỏ nhiên liệu hóa thạch - nguyên nhân chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Phóng viên Richard Valdmanis của Reuters đã đưa ra những điểm chính cần ghi nhớ từ thỏa hiệp đạt được sau hai tuần đàm phán căng thẳng.
Thời khắc chạng vạng của vàng đen
Trọng điểm của thỏa thuận là lời kêu gọi “từ bỏ nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng, một cách công bằng, có trật tự và hợp lý… nhằm đạt được (mục tiêu) phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, phù hợp với (khuyến nghị của) giới khoa học". Cam kết vẫn còn điểm mơ hồ, nhưng đây là lần đầu tiên cộng đồng quốc tế cùng bày tỏ mong muốn thoát khỏi kỷ nguyên dầu mỏ. Điều này đã gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ đến thị trường tài chính.
Rõ ràng, một lời hứa như vậy sẽ không làm giảm tiêu thụ dầu hoặc giảm giá trong ngắn hạn. Nhưng nếu nó tạo ra những thay đổi tiến bộ trong chính sách nhà nước và định hướng lại các khoản đầu tư, thì sẽ dẫn đến một sự chuyển dịch lớn trong hệ thống năng lượng toàn cầu.
Không quá nhanh
Thỏa thuận này là một thỏa hiệp. Để được các nước khai thác dầu khí bật đèn xanh, thỏa thuận cần phải tạo điểm nhượng bộ họ, vì các nước trên sẽ phản đối bất kỳ đề cập nào về việc thoát dần dần khỏi nhiên liệu hóa thạch. Do đó, văn bản thừa nhận tồn tại của những công nghệ có khả năng làm giảm tác động của dầu, khí tự nhiên và than đối với bầu khí hậu - chủ yếu là công nghệ thu giữ CO2 mà các nước lắp đặt nhằm ngăn chặn khí nhà kính đi vào bầu khí quyển trong quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch. Trong số những biện pháp khuyến khích các quốc gia thực hiện nhằm chống biến đổi khí hậu, có: “Tăng tốc (phát triển) các công nghệ không phát thải và phát thải thấp, bao gồm công nghệ tái tạo, năng lượng hạt nhân, công nghệ giảm thiểu và loại bỏ như thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon”.
Công nghệ thu giữ carbon đã có từ lâu, nhưng trong một số lĩnh vực, lắp đặt vẫn còn rất tốn kém. Bản thân công nghệ cũng chưa được chứng minh như một biện pháp phù hợp nhằm ứng phó với tình trạng khẩn cấp về khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, các nước khai thác dầu vẫn tiếp tục dùng giả thuyết về “những cải thiện tiềm năng trong ngành công nghiệp” làm lập luận chính nhằm bảo vệ quyết định tiếp tục tiêu thụ dầu khí của họ. Theo một nguồn tin quen thuộc với vấn đề này, tại bàn đàm phán, quốc gia được xem là lãnh đạo OPEC, Ả Rập Xê-út, đã lên tiếng nhấn mạnh rằng các nước đều có một "danh sách" hành động khả thi nhằm tự đi theo con đường riêng của họ.
Tiền đâu rồi?
Ngay cả những phái đoàn hài lòng nhất với thỏa thuận trên cũng thừa nhận vấn đề này. Cụ thể, không có nguồn tài trợ bổ sung nào được cung cấp nhằm giúp các nước đang phát triển đối phó với lượng chi phí khổng lồ phát sinh từ hoạt động loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch. Thỏa thuận này không có quy định về việc cấp kinh phí cần thiết nhằm giúp các nước nghèo và dễ bị tổn thương thích ứng với hậu quả của biến đổi khí hậu.
Ông Sabre Hossain Chowdhury - Đặc phái viên về khí hậu của Bangladesh, nhấn mạnh: “Thích ứng thật sự là một vấn đề sống còn. Chúng ta không thể thỏa hiệp về khả năng thích ứng. Chúng ta không thể thỏa hiệp về cuộc sống và sinh kế”. Tuy nhiên, những câu hỏi này sẽ phải chờ. Chúng có thể sẽ xuất hiện trong chương trình COP29, diễn ra vào năm tới tại Baku, Azerbaijan - một quốc gia khai thác dầu khí khác. Tuy nhiên, nỗ lực đàm phán tại Dubai đã dạt được bước đột phá, với việc công bố thành lập quỹ “Thiệt hại và mất mát” nhằm giúp các nước nghèo ứng phó với thiên tai gây ra bởi biến đổi khí hậu.
Mục tiêu 1,5° có còn đạt được không?
Nhìn chung, Liên minh châu Âu, Mỹ và nhiều quốc gia bày tỏ hài lòng với kết quả đàm phán. Họ cho rằng thỏa thuận đạt được ở Dubai sẽ giúp duy trì cơ hội hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,5oC so với mức bình quân thời tiền công nghiệp. Tuy nhiên, sẽ rất khó khăn nhằm đạt được điều này: Nó đòi hỏi phải cắt giảm gần một nửa lượng khí thải CO2 chỉ trong 6 năm và đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Dự thảo kêu gọi các nước làm như vậy, nhưng Liên minh Các Quốc đảo nhỏ (AOSIS) – bao gồm những nước có nguy cơ bị nhấn chìm do mực nước biển dâng cao, nói rằng điều này sẽ không xảy ra vì mọi thứ đã quá trễ. Bà Anne Rasmussen đến từ Quốc đảo Samoa - Đại diện AOSIS tại Dubai, cho biết vào cuối COP rằng thỏa thuận đã không đề cập được “điều chỉnh cần thiết" cho tham vọng đó.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tong-ket-nhung-ket-qua-dat-duoc-tai-cop28-701921.html