Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khảo sát một số nội dung về công tác tổ chức, cán bộ công đoàn
Sáng 14/8, đoàn khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam do đồng chí Tống Văn Băng, Trưởng Ban tổ chức Tổng LĐLĐ Việt Nam làm trưởng đoàn khảo sát một số nội dung về công tác tổ chức, cán bộ công đoàn và khảo sát xây dựng Đề án thí điểm thành lập công đoàn khu vực ở một số địa phương ít doanh nghiệp.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-TLĐ ngày 11/1/2019 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII về công tác cán bộ công đoàn trong tình hình mới, nhận thức của cán bộ công đoàn các cấp trong tỉnh có chuyển biến tích cực, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tổ chức công đoàn trong tình hình mới. Hiện nay, đội ngũ cán bộ công đoàn có 3.623 đồng chí, đa số có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên (trên 90%); trình độ về lý luận chính trị (từ sơ cấp, trung cấp, cao cấp, cử nhân) đạt tỷ lệ trên 40%.
Hiện, toàn tỉnh có 780 đơn vị, gồm 690 công đoàn cơ sỏ (CĐCS) hành chính sự nghiệp, 5 CĐCS doanh nghiệp khu vực Nhà nước và 83 CĐCS doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước, 2 nghiệp đoàn cơ sở, trong đó, 53 CĐCS doanh nghiệp có dưới 25 đoàn viên với tổng số đoàn viên là 631 người (18 doanh nghiệp dưới 10 đoàn viên). Đa phần các CĐCS doanh nghiệp dưới 25 đoàn viên không có tổ công đoàn, một số ít các CĐCS có tổ công đoàn được thành lập theo bộ phận công tác, hoặc ở bộ phận chuyên môn; số lượng ban chấp hành CĐCS chủ yếu 3 ủy viên, đều là những đơn vị quy mô sản xuất, kinh doanh nhỏ, mang tính chất hộ gia đình; nhiều đơn vị hoạt động cầm chừng, không ổn định, khó khăn cho tổ chức các phong trào, hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn.
LĐLĐ tỉnh kiến nghị: Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục sửa đổi, bổ sung mức chi phụ cấp đối với cán bộ CĐCS nhằm động viên, khích lệ tinh thần đối với đội ngũ cán bộ CĐCS trong các doanh nghiệp và có cơ chế hỗ trợ nhằm đảm bảo kinh phí cho hoạt động của CĐCS doanh nghiệp có dưới 25 đoàn viên; nghiên cứu xây dựng hướng dẫn về cách thức tổ chức sinh hoạt CĐCS, tổ công đoàn nhằm đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả trong hướng dẫn chỉ đạo hoạt động CĐCS, nhất là đối với mô hình CĐCS có dưới 25 đoàn viên. Có chủ trương để LĐLĐ tỉnh thực hiện việc hợp đồng kế toán công đoàn, chủ động trong việc bố trí cán bộ, nhân viên thực hiện nhiệm vụ. Ban Tổ chức Trung ương, phối hợp với Tỉnh ủy bố trí biên chế cán bộ công đoàn chuyên trách, có cơ chế phù hợp để công đoàn chủ động thực hiện việc tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ công đoàn đúng chuyên môn, đủ số lượng để hoạt động công đoàn được tốt.
Đối với Đảng, Nhà nước, chính quyền đồng cấp cần hoàn thiện thể chế, pháp luật lao động và quan hệ lao động phù hợp hơn với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, tăng cường vai trò quản lý Nhà nước quan hệ lao động từ Trung ương đến cơ sở để vừa thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về quan hệ lao động. Xây dựng các quy định bảo đảm và quản lý tốt sự ra đời, hoạt động của tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp; nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và phát triển.
Kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Tổ chức Tổng LĐLĐ Việt Nam Tống Văn Băng đề nghị LĐLĐ tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác bồi dưỡng cán bộ, phát triển đoàn viên tại các CĐCS. Đối với Đề án thí điểm thành lập công đoàn khu vực ở một số địa phương ít doanh nghiệp, sẽ tiếp tục phân tích, đánh giá cho phù hợp để khi triển khai, lựa chọn tỉnh Cao Bằng là địa phương thực hiện đề án thí điểm. Đồng thời, tiếp thu, tổng hợp các ý kiến đề xuất, kiến nghị và giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Tổng LĐLĐ Việt Nam…