Tổng thống Indonesia có kế hoạch tiếp tục đàm phán về mức thuế quan với Mỹ
Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto hôm nay (16/7) lên tiếng về các cuộc thảo luận với Tổng thống Mỹ Donald Trum liên quan đến thuế nhập khẩu.
Ông Subianto cho biết sẽ tiếp tục đàm phán về mức thuế của Mỹ đối với hàng xuất khẩu của Indonesia.

Tổng thống Prabowo Subianto có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump về mức thuế quan. Nguồn: Instagram
Theo ông Prabowo, mặc dù các cuộc đàm phán rất khó khăn, nhưng cuối cùng đã đạt được thỏa thuận. Ông cũng tuyên bố rằng Indonesia hiểu lợi ích của Mỹ liên quan đến việc áp dụng thuế quan đối ứng. Mức thuế đã được giảm từ 32% xuống còn 19% và ông cho biết sẽ tiếp tục đàm phán.Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto cho biết có kế hoạch gặp Tổng thống Donald Trump, dự kiến diễn ra vào tháng 9 hoặc tháng 10 năm nay.
Khi được hỏi liệu ông có hài lòng với kết quả đàm phán hay không, ông Prabowo cho rằng ông Trump là một nhà đàm phán cứng rắn, thừa nhận không hoàn toàn hài lòng với kết quả của các cuộc đàm phán về mức thuế 19%, tin rằng mức thuế thương mại lý tưởng có thể được giảm xuống 0%. Ông cho biết luôn có chỗ cho đàm phán trong thương mại và Indonesia sẽ tiếp tục các cuộc thảo luận.
Nhà lãnh đạo Indonesia cũng trích dẫn một số thỏa thuận như việc mua máy bay sẽ không gây bất lợi cho Indonesia vì hiện Garuda Indonesia đang cần. Hơn nữa, Indonesia cũng cần nhiên liệu, khí đốt, lúa mì và đậu nành, những mặt hàng vẫn đang được nhập khẩu từ Mỹ. Do đó, ông tin rằng thỏa thuận mua sản phẩm của Mỹ sẽ không gây bất lợi cho Indonesia. Theo ông Prabowo, việc mở cửa thị trường Indonesia cho các sản phẩm của Mỹ cũng đã được đưa vào các cuộc đàm phán. Thỏa thuận thuế quan giữa Mỹ và Indonesia đã được tính toán kỹ lưỡng, trong đó có ưu tiên bảo vệ lợi ích của người lao động Indonesia.
Trong một cuộc họp báo tại Jakarta hôm nay, Chánh Văn phòng Truyền thông Tổng thống (PCO) Hasan Nasbi, tuyên bố Mỹ đã giảm thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm của Indonesia từ 32% xuống còn 19%, thấp hơn mức thuế mà một số nước châu Á áp dụng. Đây là kết quả các cuộc đàm phán, thảo luận của Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto và nhóm đàm phán do Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Arlangga Hartato đảm trách.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó thông báo, hàng hóa Indonesia nhập khẩu vào Mỹ sẽ phải chịu mức thuế 19%, thấp hơn nhiều so với mức 32% mà ông Trump từng thông báo trước đó. Indonesia đã cam kết mua 15 tỷ USD năng lượng của Mỹ, 4,5 tỷ USD nông sản của Mỹ và 50 máy bay Boeing, nhiều trong số đó là máy bay 777. Tổng thống Trump cũng thông báo Indonesia sẽ gỡ bỏ toàn bộ hàng rào thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ, trong khi hàng hóa trung chuyển từ một quốc gia có mức thuế cao hơn sẽ được cộng vào mức thuế mà Indonesia phải trả.
Theo một chuyên gia kinh tế tại Viện nghiên cứu Celios, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Indonesia như giày dép, quần áo may sẵn, cao su và dầu cọ thô (CPO), được hưởng lợi từ mức thuế nhập khẩu 19% đối với Mỹ (US) mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố. Tuy nhiên, theo Giám đốc Điều hành Celios Bhima Yudhistira Adhinegara, Indonesia cũng cần cảnh giác với các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ dự kiến tăng mạnh, chẳng hạn như dầu khí, sản phẩm điện tử, phụ tùng máy bay, ngũ cốc và lúa mì, dược phẩm sau tuyên bố của Tổng thống Trump rằng nước này sẽ được hưởng mức thuế 0% đối với Indonesia.
Ông Bhima nhấn mạnh, mức thuế 19% đối với hàng xuất khẩu của Indonesia sang Mỹ, trong khi Mỹ có thể được hưởng mức thuế 0%, thực sự tiềm ẩn rủi ro cao. Theo ông Bhima, các ngành dầu khí, điện tử, phụ tùng máy bay, ngũ cốc và lúa mì, dược phẩm ghi nhận giá trị nhập khẩu cao trong năm 2024. Do đó, cần theo dõi tác động của việc tăng nhập khẩu lên cán cân thương mại.
Theo ghi nhận, trong suốt năm 2024, tổng kim ngạch nhập khẩu của 5 loại sản phẩm này đạt 5,37 tỷ USD, tương đương 87,3 nghìn tỷ Rupiah. Mỹ sẽ được hưởng lợi đáng kể từ việc xuất khẩu lúa mì sang Indonesia nhờ mức thuế suất 0%. Điều này cũng đòi hỏi sự cảnh giác, vì chính phủ đã đặt mục tiêu tự cung tự cấp lương thực thông qua việc trao quyền cho nông dân và nhà sản xuất thực phẩm địa phương.
Người tiêu dùng có thể vui mừng khi giá mì ăn liền và bánh mì giảm, nhưng các nhà sản xuất thực phẩm địa phương sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Hơn nữa, ông đánh giá rằng thuế quan đối với các sản phẩm của Indonesia sang Mỹ lý tưởng nhất là có thể được giảm thêm.
Indonesia là đối tác thương mại lớn thứ 23 của Mỹ. Mỹ đã nhập khẩu 28 tỷ USD hàng hóa từ quốc gia này vào năm ngoái. Quần áo và giày dép là hai mặt hàng được người Mỹ mua nhiều nhất. Trong khi đó, Mỹ đã xuất khẩu 10 tỷ USD hàng hóa sang quốc gia này vào năm 2024. Hạt có dầu, ngũ cốc và dầu khí là hai mặt hàng xuất khẩu hàng đầu.