TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 17/6: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG ĐƯỜNG CAO TỐC BẮC - NAM PHÍA TÂY ĐOẠN GIA NGHĨA - CHƠN THÀNH

Sáng 17/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV - tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về 'chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước)'. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Tại phiên họp, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội để cử tri và Nhân dân theo dõi.

8h10: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, theo chương trình, sáng 17/06 Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Phiên họp được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, sáng 22/5, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết; Quốc hội đã thảo luận tại Tổ với 117 lượt ý kiến phát biểu; Tổng Thư ký Quốc hội đã có báo cáo tổng hợp gửi các đại biểu Quốc hội; đề nghị các đại biểu Quốc hội thảo luận về các nội dung đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra, tập trung vào các nội dung: Sự phù hợp của dự án với các quy hoạch, kế hoạch, phạm vi, quy mô, hình thức đầu tư, nhu cầu sử dụng đất và phương án thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư, tổng mức đầu tư, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, phân kỳ tiến độ thực hiện dự án, các cơ chế chính sách đặc thù của Chính phủ đề nghị áp dụng cho dự án. Đoàn Chủ tịch sẽ mời Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

8h11: Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Huy động nguồn lực hợp lý để xây dựng hoàn thiện đường cao tốc

Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp bày tỏ nhất trí với sự cần thiết của Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), cho rằng đây là đoạn đường có ý nghĩa quan trọng trong kết nối đường cao tốc, kết nối huyết mạch vùng Tây và Đông Nam Bộ. Về quy mô và dự án đầu tư, cơ quan hữu quan đã hết sức cầu thị, ngoài đầu tư từ ngân sách nhà nước, phải sử dụng từ phương thức đối tác công tư theo quy định và áp dụng cơ chế đặc thù cho đoạn đường này.

Tuy nhiên, đại biểu cho biết, đoạn đường Chơn Thành – Đức Hòa hiện chỉ quy hoạch xây dựng đường cấp 3 đồng bằng, cần nghiên cứu, xem xét nâng cấp đoạn đường này cùng tuyến 4 làn xe như đoạn Gia Nghĩa – Chơn Thành. Theo quy hoạch, đường sẽ có 6 làn xe, tuy nhiên theo kế hoạch trước mắt, chúng ta sẽ xây dựng 4 làn xe do điều kiện còn hạn chế về nguồn vốn đầu tư, 2 làn xe còn lại sẽ tiếp tục giải phóng mặt bằng, phân kỳ để đầu tư tiếp khi có điều kiện.

Về tác động của dự án tới đường giao thông BOT, theo báo cáo, hiện đã có 2 đường hiện hữu thực hiện BOT, giờ tiếp tục thực hiện theo phương thức BOT thì sẽ dẫn đến bất cập, gây ảnh hưởng đến 2 đường BOT đã hiện hữu. Do vậy, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cần nghiên cứu để đảm bảo công bằng, thuận lợi cho các đối tác đầu tư.

Về phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đây là dự án rất quan trọng. Theo báo cáo, số người dân cần bồi hoàn lên tới 1299 hộ, diện tích đất cần giải tỏa cũng rất lớn. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo, chính quyền địa phương cần quan tâm nghiên cứu để đảm bảo thực hiện tốt việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

8h19: Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước: Giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho rằng, dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) là nhằm cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh- tế xã hội, đã được định hướng đầu tư tại các Nghị quyết số 23, Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị. Theo đại biểu, khi hệ thống giao thông phát triển sẽ là tiền đề tạo đà phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế- xã hội và đời sống của người dân ngày càng được nâng cao…

Theo quy hoạch, đại biểu cho biết, dự án là trục giao thông có ý nghĩa rất quan trọng, kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nam Bộ và thành phố Hồ Chí Minh. Việc đầu tư dự án cao tốc sẽ giải quyết được điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, tạo không gian mới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở khu vực vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ…

Đại biểu cho rằng, Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã đánh giá các nội dung rất sát với tình hình thực tiễn. Theo đó, so với hướng tuyến tại quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hướng tuyến đề xuất của dự án có một số thay đổi nhằm tối ưu hơn trong công tác thi công, khai thác, tạo không gian phát triển mới, thúc đẩy về kinh tế-xã hội cho địa phương.

Bên cạnh đó, dự án cũng bảo đảm cơ bản và phù hợp với các quy hoạch có liên quan, các chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất và cũng đã đánh giá kỹ, hạn chế tối thiểu ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái...

Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều dự án đường bộ cao tốc đang gặp khó khăn trong triển khai, thiếu nguồn vật liệu đắp nền đường... Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm để có phương án hỗ trợ cho địa phương.

8h23: Đại biểu Nguyễn Trường Giang - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam đáp ứng sự mong mỏi của đồng bảo, cử tri

Đại biểu Nguyễn Trường Giang bày tỏ thống nhất trình Quốc hội chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Việc đầu tư Dự án sẽ từng bước hoàn thành mạng lưới cao tốc theo quy hoạch, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương và tăng cường liên kết vùng nói chung và liên kết nội vùng nói riêng, tạo động lực, sức lan tỏa, thuận lợi kết nối với Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh đó, về kiến nghị khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để thực hiện Dự án, đại biểu Nguyễn Trường Giang thống nhất cho phép trong giai đoạn triển khai Dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng. Việc khai thác khoáng sản quy định tại khoản này được thực hiện đến khi hoàn thành dự án. Trường hợp không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản thì không phải thực hiện thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường…

Đại biểu mong rằng sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Chính phủ sớm triển khai dự án, đáp ứng sự mong mỏi của đồng bảo, cử tri, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

8h29: Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc: Cần tầm nhìn tổng thể về vốn đầu tư

Đại biểu Trần Văn Tiến đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết của Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Theo đại biểu Trần Văn Tiến, dự án này phù hợp với mạng lưới cao tốc đã được phê duyệt, phù hợp với chủ trương của Đảng và nguyện vọng của Nhân dân ở khu vực.

Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư công, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư thuộc Quốc hội, theo đại biểu Trần Văn Tiến việc Chính phủ trình Quốc hội dự án này là phù hợp. Đối với việc giải phóng mặt bằng và tái định cư. Đại biểu Trần Văn Tiến đồng ý với đề xuất giải phóng mặt bằng và tái định cư 01 lần theo quy hoạch với quy mô 06 làn xe của Dự án.

Theo đại biểu Trần Văn Tiến, quy mô đầu tư giai đoạn 1 với tổng chiều dài tuyến là 128,8km, quy mô 04 làn xe có làn dừng khẩn cấp, có dải phân cách giữa đáp ứng lưu lượng xe đến năm 2040 và đến năm 2045 sẽ không còn phù hợp.

Về tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư giai đoạn 1, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị xem xét lại lãi suất vay 10,7% để phù hợp với quy định lãi suất vay hiện hành.

Cuối cùng, liên quan đến tiến độ thực hiện, đại biểu Trần Văn Tiến đề xuất dự kiến hoàn thành dự án này vào cuối năm 2028 và khi đó cần tính toán lại tổng mức đầu tư cho phù hợp.

8h34: Đại biểu Trình Lam Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang: Đưa ra 4 đề nghị gửi tới Chính phủ

Đại biểu Trình Lam Sinh đề xuất Chính phủ giải trình thêm những vấn đề còn băn khoăn để các ĐBQH có thể yên tâm khi bán nút thông qua chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Theo đó, đại biểu đưa ra 4 đề nghị gửi tới Chính phủ:

Một là, đề nghị của Chính phủ báo cáo bổ sung thêm về tính hiệu quả của thời gian triển khai xây dựng và hoàn thiện công trình đến năm 2026.

Hai là, Chính phủ cần yêu cầu 2 địa phương mà có dự án đi qua phải cam kết thật mạnh mẽ trong việc giao mặt bằng thi công nhanh nhất có thể.

Ba là, cần tính đến lợi ích của hai nhà đầu tư có dự án BOT trên tuyến Quốc lộ 14 và tuyến đường Hồ Chí Minh.

Bốn là, khi mà kêu gọi nhà đầu tư tham gia dự án này theo phương thức đối tác công tư, chúng ta cũng phải tính đến việc hài hòa lợi ích cũng như là chia sẻ rủi ro hợp lý của hai bên, trong đó Nhà nước cần tạo điều kiện cho nhà đầu tư có phương án thu hồi vốn hiệu quả. Điều này rất quan trọng bởi dự án không đủ hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư thì có khi chúng ta phải chuyển dự án sang phương thức đầu tư công thì là lại gây chậm tiến độ, ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước, việc huy động nguồn đóng xã hội để xây dựng các công trình hạ tầng giao thông.

8h41: Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An: 06 vướng mắc liên quan đến quy định về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường

Quan tâm đến Điều 3 dự thảo nghị quyết về khai thác khoảng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nêu 06 vướng mắc khi triển khai quy định này. Đại biểu cho biết, nội dung này đã được quy định tại Điều 4 Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội: Thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ. Trong khi đó, thực tiễn triển khai Điều 4 Nghị quyết 106/2023/QH15 cho thấy còn nhiều vướng mắc về trình tự, thủ tục liên quan đến việc cấp phép các mỏ cát, mỏ đất làm vật liệu san lấp phục vụ thi công đường cao tốc.

Qua nghiên cứu, đại biểu cho rằng, quy định nội dung khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như dự thảo nghị quyết sẽ tiếp tục gặp 06 vướng mắc: Thứ nhất, liên quan đến quy hoạch, khoản 1 Điều 4 Luật Khoáng sản quy định khai thác khoáng sản phải phù hợp với quy hoạch khoáng sản, nhưng trên thực tế một số mỏ vật liệu thuộc hồ sơ khảo sát nhưng lại không nằm trong quy hoạch khoáng sản.

Thứ hai, về thủ tục hành chính, dự thảo nghị quyết đã quyết định cơ chế đặc thù không phải cấp giấy phép khai thác khoáng sản, không phải thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết chưa tính đến các thủ tục hành chính khác vẫn phải làm như: cấp giấy phép thăm dò khoáng sản; phê duyệt kết quả thẩm định đánh giá tác động môi trường; giấy phép môi trường. Như vậy, nếu dự thảo nghị quyết không quy quy định cơ chế đặc thù cho phép miễn những thủ tục này, cả nhà thầu thi công và cơ quan quản lý nhà nước nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với rủi ro pháp lý sau này.

Vướng mắc thứ ba, điều chỉnh giấy phép khai thác khi nâng công suất, dự thảo nghị quyết chưa có cơ chế đặc thù cho phép được miễn thủ tục điều chỉnh giấy phép khai thác đối với các mỏ đang hoạt động được phép nâng công suất khai thác để phục vụ dự án. Nếu phải thực hiện điều chỉnh giấy phép khai thác sẽ mất rất nhiều thời gian dẫn đến không đáp ứng được tiến độ, khối lượng vật liệu phục vụ cho dự án.

Qua nghiên cứu, đại biểu cho rằng, quy định nội dung khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như dự thảo nghị quyết sẽ tiếp tục gặp 06 vướng mắc: Thứ nhất, liên quan đến quy hoạch, khoản 1 Điều 4 Luật Khoáng sản quy định khai thác khoáng sản phải phù hợp với quy hoạch khoáng sản, nhưng trên thực tế một số mỏ vật liệu thuộc hồ sơ khảo sát nhưng lại không nằm trong quy hoạch khoáng sản.

Thứ hai, về thủ tục hành chính, dự thảo nghị quyết đã quyết định cơ chế đặc thù không phải cấp giấy phép khai thác khoáng sản, không phải thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết chưa tính đến các thủ tục hành chính khác vẫn phải làm như: cấp giấy phép thăm dò khoáng sản; phê duyệt kết quả thẩm định đánh giá tác động môi trường; giấy phép môi trường. Như vậy, nếu dự thảo nghị quyết không quy quy định cơ chế đặc thù cho phép miễn những thủ tục này, cả nhà thầu thi công và cơ quan quản lý nhà nước nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với rủi ro pháp lý sau này.

Vướng mắc thứ ba, điều chỉnh giấy phép khai thác khi nâng công suất, dự thảo nghị quyết chưa có cơ chế đặc thù cho phép được miễn thủ tục điều chỉnh giấy phép khai thác đối với các mỏ đang hoạt động được phép nâng công suất khai thác để phục vụ dự án. Nếu phải thực hiện điều chỉnh giấy phép khai thác sẽ mất rất nhiều thời gian dẫn đến không đáp ứng được tiến độ, khối lượng vật liệu phục vụ cho dự án.

Thứ tư, về xử lý khoáng sản làm vật liệu xây dựng dư thừa là cần thiết, nhưng chưa đầy đủ trong thực tế; chưa có quy định xử lý trường hợp đào đắp, san nền có đất, đá, cát dư thừa dự án không có nhu cầu sử dụng, nhưng dự thảo nghị quyết không quy định để xử lý trường hợp này.

Thứ năm, là về chồng lấn tuyến đường lên quy hoạch khoáng sản, đại biểu cho biết, dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành cũng có thể gặp tình trạng nếu điều chỉnh quy hoạch khoáng sản theo trình tự thủ tục của Luật Khoáng sản và Luật Quy hoạch sẽ mất rất nhiều thời gian.

Thứ sáu, về phát hiện khoáng sản khi thi công cần được giải quyết thế nào?; nếu thực hiện theo quy định hiện hành sẽ mất rất nhiều thời gian để cơ quan có thẩm quyền quyết định việc thăm dò, khai thác, thu hồi khoáng sản.

Đại biểu nhấn mạnh, 6 vướng mắc nêu trên chắc chắn sẽ gây khó khăn ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án Gia Nghĩa – Chơn Thành, do vậy đại biểu kiến nghị sửa đổi bổ sung một số cơ chế chính sách đặc biệt tại Điều 3 dự thảo nghị quyết. Trong đó, cần quy định rõ nguyên tắc việc khai thác khoáng sản phục vụ cho dự án thu hồi khoáng sản khi thi công dự án không bắt buộc phải phù hợp với quy hoạch khoáng sản, quy hoạch tỉnh đối với các mỏ vật liệu thuộc hồ sơ khảo sát.

Quy định đối với khối lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dư thừa trong quá trình thi công tuyến đường, thì cho phép nhà thầu thi công cung cấp cho các công trình khác kèm theo các nghĩa vụ tài chính.

Cần giao quyền cho Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh các quy hoạch khu vực có liên quan để đảm bảo tiến độ thiết kế của dự án. Khi thi công trên đường nếu phát hiện khoáng sản cần phân biệt thành hai loại, một là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; hai là khoáng sản có giá trị cao hơn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để có cách tiếp cận, xử lý phù hợp với từng loại khoáng sản…

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cũng kiến nghị một số giải pháp ngắn hạn và dài hạn, tránh phải xây dựng nghị quyết đặc thù đối với từng dự án cụ thể trong thời gian tới.

8h47: Đại biểu Nguyễn Công Long - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai: Cần rà soát kỹ lưỡng về tính hiệu quả, phương thức bố trí vốn…

Đại biểu Nguyễn Công Long bày tỏ đồng tình với dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Theo đại biểu, đây là dự án rất quan trọng trong tổng thể các dự án trọng điểm quốc gia về giao thông.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, đối với dự án này, chúng ta cần phải rà soát kỹ lưỡng về tính hiệu quả của dự án, phương thức bố trí vốn. Theo đại biểu Nguyễn Công Long, nếu có thể được thì chúng ta nên bố trí theo phương thức là vốn trung ương và vốn của nhà đầu tư, trên cơ sở sắp xếp làm sao đảm bảo sự dẫn dắt của đầu tư công, vai trò dẫn dắt của Nhà nước…

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, cũng rất cần cân nhắc về cơ chế, chính sách chỉ định thầu. “Qua triển khai thực hiện các dự án, chúng ta thấy rằng, trên thì mở dưới lại rất chặt chẽ. Ví dụ như quy định cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình thực hiện với các tư vấn thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Nhưng quy định ở dưới về tất cả trình tự, thủ tục thì vẫn theo luật bình thường, không có một cơ chế nào đặc biệt cả…”, đại biểu Nguyễn Công Long nói.

8h52: Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Đề nghị có phương án dự phòng về nguồn vốn để đảm bảo tiến độ dự án

Đại biểu Tạ Văn Hạ nhất trí sự cần thiết đầu tư Dự án nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ; từng bước hoàn thành mạng lưới cao tốc theo quy hoạch, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương và tăng cường liên kết vùng nói chung và liên kết nội vùng nói riêng, tạo động lực, sức lan tỏa, phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Đại biểu cho rằng Tây Nguyên không chỉ có vị trí đặc biệt quan trọng trong tuyến du lịch đường bộ nối các nước Thái Lan, Campuchia, Lào với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ. Do đó Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) sẽ tạo cơ hội, biến các nguồn tài nguyên, văn hóa hết sức đa dạng của vùng Tây Nguyên thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Đại biểu Tạ Văn Hạ cũng đề nghị có phương án dự phòng về nguồn vốn để đảm bảo tiến độ dự án; đồng thời có cơ chế, tăng cường giám sát việc triển khai dự án, đặc biệt là trong áp dụng các cơ chế chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.

8h59: Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng: Cần quan tâm đến cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn trình tự, thủ tục đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước)

Đại biểu Nguyễn Tạo bày tỏ sự thống nhất cao đối với việc Chính phủ quy định đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Đại biểu Nguyễn Tạo đánh giá đây là dự án phù hợp với chủ trương của Đảng về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ.

Theo đại biểu Nguyễn Tạo, hiện tại, thủ tục đầu tư cũng như việc triển khai thủ tục đầu tư dự án chiếm rất nhiều thời gian, gặp nhiều vướng mắc, khó khăn. Qua đó, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị cần quan tâm đến cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn trình tự, thủ tục đầu tư, tránh bị kéo dài thời gian. Đồng thời, cần có sự phối hợp, tính toán toàn diện, chủ động trong quản lý việc thực hiện quy hoạch, tránh bị trùng lặp.

Cuối cùng, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị Chính phủ xem xét, cân nhắc, bổ sung các công trình phụ trợ đồng bộ với tuyến cao tốc khi đi vào sử dụng, tránh lặp lại tình trạng như các tuyến cao tốc vừa qua đã được thực hiện.

9h05: Đại biểu Phạm Văn Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang: Cần đánh giá kỹ lưỡng số lượng xe vận tải đi qua tác động đến doanh thu của dự án

Đồng tình cao với chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), đại biểu Phạm Văn Thịnh khẳng định, đây là một con đường chiến lược cả về chính trị và kinh tế cũng như đồng tình cao với các ý kiến của ĐBQH phát biểu trước đó.

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Thịnh có thêm ý kiến là về tính doanh thu của dự án. Theo đó, việc dự báo nhu cầu xe vận tải đi qua tuyến này mà theo báo cáo của Chính phủ và của Bộ Giao thông Vận tải có đề cập đến năm 2030, đoạn tuyến cao nhất từ IC1 đến IC3 mới có là 7600 xe đi qua trong/ngày đêm. Tính ra như vậy là cả ngày chúng ta chỉ chưa đến 20 xe. Nếu tính bình quân cho 24 tiếng thì mỗi tiếng trên đường cao tốc không có đến một xe ô tô đi qua.

Trường hợp thứ hai là tính đến thời kỳ thu hồi vốn là năm 2045 thì cao nhất là có 23.000 xe, tức là mỗi một ngày đêm cũng không quá 60 xe ô tô đi qua đây. Vì thế, đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng, đây là những số liệu mà chúng ta cũng cần hết sức là cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng.

9h08: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

Phát biểu giải trình, báo cáo một số nội dung các đại biểu đã đề cập tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, qua tổng hợp ý kiến phát biểu tại tổ, tại hội trường, có thể thấy tất cả các đại biểu Quốc hội đều đồng tình ủng hộ rất cao về sự cần thiết phải triển khai dự án đường cao tốc này để thúc đẩy liên kết vùng ở khu vực Tây Nguyên với Đông Nam Bộ và cả Tây Nam Bộ.

Về tính khả thi đầu tư dự án theo phương thức PPP, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, đây là dự án tương đối hoàn chỉnh, được quy hoạch 6 làn xe, sẽ thi công xây dựng 4 làn xe hoàn chỉnh, phần vốn nhà nước hỗ trợ tham gia là 50%, sau khi mãn tải sẽ tiếp tục mở rộng thêm 2 làn xe trên đoạn tuyến này. Quá trình tính toán cho thấy, đây sẽ là dự án có thời gian hoàn vốn tương đối tốt so với các dự án trước đây, phù hợp với các nhà đầu tư, cũng được các ngân hàng đánh giá cao. Bộ trưởng cho biết, thường các dự án dễ gặp khó khăn khi nguồn vốn huy động từ các ngân hàng để đầu tư cho các dự án BOT chủ yếu là huy động ngắn hạn, trung và dài hạn thì tối đa là 5 năm. Với một dự án có thời gian hoàn vốn khoảng 18 đến 20 năm như dự án này, nhà đầu tư sẽ ưu tiên doanh thu để trả nợ ngân hàng, nên sẽ rất phù hợp và khả thi trong thu hút nhà đầu tư.

Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên thảo luận

Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên thảo luận

Về tác động của dự án đến các dự án BOT song hành trên quốc lộ 14, Bộ trưởng cho biết, khi hoàn thành toàn tuyến đường cao tốc Bắc Nam phía đông và một số tuyến ngang, không chỉ có 2 dự án BOT bị ảnh hưởng, mà còn ảnh hưởng đến các dự án khác. Tác động này đã được Chính phủ lường trước, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải trình phương án tháo gỡ, xử lý cho các dự án BOT bị ảnh hưởng, đặc biệt là do quá trình nhà nước đầu tư các dự án BOT đường cao tốc Bắc Nam phía Đông và các trục ngang, trong đó có Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Bộ trưởng cho rằng, sau khi dự án đường cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành đi vào hoạt động, sẽ có thể tính toán được mức độ ảnh hưởng tới các dự án khác để có đề xuất cụ thể, có thể là kéo dài thời gian thu phí, hoặc bổ sung một phần ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các dự án bị ảnh hưởng.

Về tiến độ của dự án, Bộ trưởng cho biết thời điểm triển khai của dự án đang có thuận lợi khi đã có kinh nghiệm triển khai hệ thống đường bộ, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc. Thời gian triển khai xây dựng được tính toán dựa trên kinh nghiệm xây dựng đường cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2. Bộ trưởng cho rằng dự kiến tiến độ là hoàn toàn khả thi và có thể thực hiện được.

9h21: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận nội dung thảo luận

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đã có 10 đại biểu phát biểu, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu nêu. Các đại biểu tán thành sự cần thiết đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây, giai đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành để từng bước hoàn thiện mạng lưới đường bộ cao tốc, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương; tăng cường liên kết vùng nói chung và liên kết nội vùng nói riêng, tạo động lực, sức lan tỏa thuận lợi kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Cảng Cái Mép Thị Vải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ, giúp tăng cường việc đảm bảo quốc phòng và an ninh.

Các đại biểu tán thành với nhiều nội dung trong dự thảo nghị quyết; đồng thời đề nghị rà soát việc tuân thủ các quy hoạch, các chỉ tiêu, kế hoạch sử dụng đất, phạm vi, quy mô phân kỳ đầu tư, phân chia dự án thành phần và cũng có đại biểu lưu ý về việc kết nối đoạn qua thị trấn Đức Hòa và điều chỉnh một số tuyến.

Các đại biểu cũng cho ý kiến về quy mô phân kỳ đầu tư, phân chia dự án thành phần số làn xe, làn dừng khẩn cấp, đường cong, hầm chui dân sinh, đánh giá kỹ các yếu tố tác động đến tiến độ triển khai dự án như thu hồi đất, bồi thường, bố trí tái định cư, đáp ứng nguyên liệu cho các dự án để đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án, đánh giá ảnh hưởng của các dự án đến việc thực hiện các dự án giao thông BOT song hành.

Các đại biểu đề nghị rà soát sơ bộ tổng mức đầu tư, cơ cấu vốn, khả năng bố trí vốn, nhất là khả năng của các địa phương, khả năng hấp thụ vốn, thời hạn giải ngân; cơ sở, căn cứ tính khả thi của việc đầu tư dự án theo phương thức đối tác công tư; phương án tài chính việc lựa chọn nhà đầu tư; tổ chức tín dụng tham gia đầu tư dự án.

Các đại biểu cũng đề nghị việc thu hồi đất, đền bù hỗ trợ tái định cư cần công khai, minh bạch có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và các địa phương,đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân. Việc triển khai các chính sách đặc thù phải tiết kiệm, hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Việc phân cấp cho địa phương cần đảm bảo khả năng thực hiện, phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm, cơ chế phối hợp của Bộ Giao thông vận tải các bộ ngành, các địa phương trong quá trình thực hiện dự án.

Ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ; Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Kinh tế và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường, các ý kiến thảo luận tại Tổ để xây dựng Báo cáo tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét thông qua.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=87443