TP.HCM có thể thu hơn 30.000 tỷ từ khai thác quỹ đất dọc đường vành đai 3

Nếu khai thác tốt quỹ đất dọc đường vành đai 3 theo mô hình TOD, ước tính TP.HCM có thể thu về hơn 30.000 tỷ đồng.

Thống kê quỹ đất có tiềm năng để ưu tiên quy hoạch

Chỉ sau 7 tháng từ khi dự án đường vành đai 3 TP.HCM được Quốc hội bấm nút, TP.HCM đã "bứt tốc" bàn giao 83% mặt bằng cho chủ đầu tư. Công trình sẵn sàng khởi công vào ngày 18/6.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP - chủ đầu tư) nói tại cuộc họp báo chiều 15/6 và nhận định đây là tốc độ "kỷ lục" trong lịch sử ngành giao thông.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM trả lời họp báo chiều 15/6. Ảnh: Thành Nhân

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM trả lời họp báo chiều 15/6. Ảnh: Thành Nhân

Tại buổi làm việc, PV Báo Giao thông đặt câu hỏi về việc tính toán khai thác quỹ đất dọc đường vành đai 3 ra sao theo mô hình TOD được đề cập trong Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, trong khi Nghị quyết mới nêu rõ TP chỉ được khai thác vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến thuộc địa phận thành phố?

Phản hồi vấn đề, ông Lương Minh Phúc cho biết trong Nghị quyết mới có đề cập việc áp dụng cơ chế này chỉ giới hạn tại vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường vành đai 3.

"Do đó, chúng ta sẽ phải thống kê quỹ đất có tiềm năng, lợi thế giao thông, kinh tế để ưu tiên quy hoạch, từ cơ chế này chuyển thành dự án đầu tư, giải phóng mặt bằng. Với cơ chế chuyển lợi nhuận trở thành quỹ cho giao thông TP. Hiện, chúng ta đã dự trù một số khu vực, nếu khai thác tốt, TP có thể thu về hơn 30.000 tỷ đồng từ quỹ đất này", ông Phúc nói.

Ông Lương Minh Phúc cho hay: Không chỉ chuẩn bị cơ chế thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD - Transit Oriented Development), TP.HCM cũng chỉ đạo quyết liệt, chu đáo câu chuyện ngày, giờ. Dự kiến ngay khi Quốc hội bấm nút, TP có thể triển khai ngay cơ chế mới được chuẩn bị trong Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 vào tháng sau.

"Đối với cơ chế khai thác TOD, TP.HCM đã lập nhóm nghiên cứu cập nhật quy hoạch các phân khu. Chúng ta muốn làm nhiều nhưng trong quá trình xây dựng nghị quyết, TP chỉ thí điểm trước đối với các nút giao, nhà ga metro số 1, metro số 2 và vành đai 3", ông Phúc phân tích thêm.

Làm ngày đêm để GPMB

Ông Lương Minh Phúc cũng cho biết cách làm vành đai 3 TP.HCM khác tất cả dự án trước đây. "Tranh thủ từng phút từng giờ, 300 anh chị em khâu giải phóng mặt bằng các địa phương phải làm bất kể ngày đêm, lãnh đạo Trung ương đôn đốc, đồng hành và hơn hết là sự ủng hộ rất lớn từ người dân", ông Phúc nói.

Khẳng định khởi công chưa phải điểm dừng nỗ lực, ông Phúc cho biết 4 địa phương vẫn còn con đường dài với thách thức phía trước. Đó là tổ chức thi công đồng loạt 47,3 km trên 4 tỉnh, thành; đảm bảo tiến độ kỹ thuật, môi trường; chuẩn bị 7,2 triệu m3 vật liệu cát; bên cạnh đó, TP.HCM cùng 3 địa phương phải hoàn tất 100% mặt bằng trong giai đoạn tiếp theo.

Lãnh đạo TCIP cho hay, TP.HCM vẫn giữ mục tiêu cam kết phấn đấu đến năm 2025 thông xe trục cao tốc; năm 2026 sẽ có đường song hành và hệ thống giao thông xung quanh.

Ngoài TP.HCM đã có 83% mặt bằng, đến nay, Bình Dương cũng hoàn tất thủ tục, dự kiến khởi công vào cuối tháng 6; Long An sẵn sàng 95% mặt bằng. Riêng Đồng Nai sẽ khởi công dự án vào tháng 7, do tỉnh này đang thực hiện thủ tục lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng, chuẩn bị mặt bằng các gói khởi công.

6 nút liên thông hoàn chỉnh của tuyến đường vành đai 3 TP.HCM. Đồ họa: TCIP

6 nút liên thông hoàn chỉnh của tuyến đường vành đai 3 TP.HCM. Đồ họa: TCIP

Đường vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,34km (đoạn qua TP.HCM dài 47,51km; Đồng Nai 11,26km; Bình Dương 10,76km; Long An 6,81km), chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công.

Dự án được Quốc hội thông qua giữa tháng 6, giao UBND TP.HCM chịu trách nhiệm làm đầu mối tổ chức thực hiện. Tổng mức đầu tư của dự án là 75.378 tỷ đồng, dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.

Đây là trục đường liên vùng và điểm đầu của tuyến cao tốc hướng tâm như: TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; TP.HCM - Trung Lương, Bến Lức - Long Thành...

Việc khép kín vành đai 3 góp phần hoàn chỉnh hệ thống mạng lưới cao tốc kết nối TP.HCM với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kéo giảm ùn tắc giao thông khu vực.

Khi tuyến đường được đưa vào khai thác, phương tiện vận tải liên tỉnh không cần đi qua trung tâm thành phố, khu vực đông dân cư; tiết kiệm được thời gian hành trình, chi phí, tạo thêm hướng kết nối giữa TP.HCM với sân bay Long Thành ngoài cao tốc TP.HCM - Long Thành.

Theo kết quả rà soát sơ bộ, quỹ đất vùng phụ cận dọc tuyến vành đai 3 (riêng địa bàn TP.HCM) có khoảng 2.413,4ha, trong đó khoảng 514ha đất nông nghiệp do Nhà nước trực tiếp quản lý.

UBND TP cho biết dự kiến, riêng với phạm vi đất nông nghiệp, có thể khai thác bán đấu giá thu hồi khoảng 26.985 tỷ đồng.

Đối với các quỹ đất còn lại, tiếp tục rà soát, xác định cụ thể, chính xác diện tích, vị trí, đề xuất điều chỉnh quy hoạch và các nội dung khác có liên quan, đảm bảo tính khả thi để tạo nguồn vốn.

Thư Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tphcm-co-the-thu-hon-30000-ty-tu-khai-thac-quy-dat-doc-duong-vanh-dai-3-d594293.html