TP.HCM được định vị là trung tâm tài chính toàn cầu
Việc xây dựng trung tâm tài chính không phải là nội dung mới trên thế giới nhưng đối với Việt Nam đây là vấn đề mới và chưa có tiền lệ. Việt Nam sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn, để lỡ mất thời cơ.
Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng tại Hội nghị Xây dựng Trung tâm tài chính tại Việt Nam chiều nay (28.3).
"Cơ hội vàng" để Việt Nam xây dựng trung tâm tài chính hiện đại
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, thế giới đang trải qua một kỷ nguyên nhiều biến động: cạnh tranh địa chính trị, biến đổi khí hậu, khủng hoảng chuỗi cung ứng, dịch bệnh, xung đột vũ trang, kinh tế phân mảnh; bên cạnh đó là sự phát triển vượt bậc về khoa học công nghệ, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo AI, blockchain... khiến trật tự tài chính toàn cầu không ngừng dịch chuyển.
Trong bối cảnh đó, các trung tâm tài chính toàn cầu cũng đang tái cấu trúc mạnh mẽ: từ việc đơn thuần cung cấp dịch vụ vốn, sang trở thành nơi hội tụ đổi mới sáng tạo, công nghệ tài chính (fintech), tài chính xanh và các sản phẩm đặc thù cho thị trường ngách.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng tại Hội nghị Xây dựng Trung tâm tài chính tại Việt Nam chiều nay (28.3).
Tại châu Á - khu vực phát triển năng động nhất thế giới hiện nay, đã xuất hiện và hình thành các trung tâm tài chính mới như: Mumbai, Kuala Lumpur, Jakarta. Việt Nam với vị trí địa chính trị quan trọng, kinh tế vĩ mô ổn định và môi trường đầu tư ngày càng cải thiện, đang đứng trước "cơ hội vàng" để tham gia và định vị vai trò, vị trí của mình trong chuỗi trung tâm tài chính toàn cầu.
Thứ nhất, Việt Nam được ghi nhận là điểm sáng về tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới. Năm 2024, GDP đạt 7,09%, thuộc nhóm cao nhất khu vực và thế giới; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát dưới 4%; xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục 786,29 tỉ USD; thu hút FDI hơn 38 tỉ USD – thuộc top 15 quốc gia hấp dẫn FDI nhất toàn cầu...
Thứ hai, Việt Nam có một số lợi thế đặc thù để hình thành trung tâm tài chính (TTTC), đó là vị trí chiến lược quốc tế giữa các con đường hàng hải từ bắc xuống nam, từ đông sang tây, tâm điểm của khu vực Đông Nam Á; múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu, thuận lợi thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch; Là một trong những thị trường dẫn đầu về tỷ lệ áp dụng các công nghệ tài chính tương lai.
Thứ ba, những năm gần đây, TP.HCM được đưa vào xếp hạng trong danh sách chính thức các TTTC mới nổi toàn cầu; trong khi đó, TP.Đà Nẵng cũng đang nổi lên là một trung tâm công nghệ tài chính cấp vùng tiềm năng.
Theo Bộ trưởng, việc xây dựng TTTC không phải là nội dung mới trên thế giới nhưng đối với Việt Nam đây là vấn đề mới và chưa có tiền lệ. Việt Nam sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn, để lỡ mất thời cơ.
"Với sự chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương, sự hợp tác của cộng đồng quốc tế và các doanh nghiệp, tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ xây dựng thành công TTTC hiện đại và đẳng cấp quốc tế, đóng góp vào sự phát triển ổn định và bền vững của khu vực và toàn cầu", Bộ trưởng chia sẻ.
Trung tâm tài chính mang bản sắc riêng của Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng việc xây dựng trung tâm tài chính (TTTC) ở Việt Nam cần có bản sắc riêng, khác với bất kỳ quốc gia nào.
"Chúng tôi đang tính đến việc nghiên cứu xây dựng một TTTC quốc tế mang bản sắc riêng, tận dụng được lợi thế so sánh về kinh tế, xã hội và địa chính trị. Khác với mô hình truyền thống, chúng tôi ưu tiên ứng dụng công nghệ hiện đại ngay như fintech, blockchain, tài chính xanh...", Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, đã ký 17 FTA với các đối tác trên thế giới, đây là cơ hội để Việt Nam phát triển các loại hình tài chính đặc thù "trade finance". Việt Nam cũng có điều kiện thuận lợi để xây dựng TTTC dựa trên xuất khẩu hàng nông sản và các mặt hàng truyền thống; có thể xây dựng các sàn giao dịch hàng hóa dựa vào blockchain. "Cần nghiên cứu để tạo sự khác biệt TTTC của Việt Nam và cũng sẽ bổ trợ cho các trung tâm tài chính khác trong khu vực", bà Ngọc nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được cũng đánh giá việc Trung ương lựa chọn TP.HCM là nơi đặt TTTC quốc tế toàn diện là niềm vinh dự lớn. TTTC không chỉ là nơi hội tụ dòng vốn lớn mà còn là động lực chiến lược thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ cao, nâng cao năng lực quản trị, gia tăng sức cạnh tranh và hội nhập của quốc gia.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được đánh giá việc Trung ương lựa chọn TP.HCM là nơi đặt TTTC quốc tế toàn diện là niềm vinh dự lớn
Theo ông Được, về các yếu tố khách quan và sự chuẩn bị đến thời điểm này, TP.HCM là nơi hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để đảm nhận vai trò đầu tàu trong chiến lược xây dựng TTTC bởi 4 lý do sau đây:
Thứ nhất, TP.HCM sở hữu nền tảng kinh tế năng động và hội nhập quốc tế sâu rộng. TP.HCM đóng góp khoảng 15,5% GDP cả nước, chiếm hơn 25,3% tổng thu ngân sách quốc gia và gần 11,3% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Đây là trung tâm thương mại - dịch vụ - tài chính lớn nhất Việt Nam, nơi đặt trụ sở của nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Thứ hai, tại TP.HCM những thiết chế cơ bản cho thị trường tài chính hiện đại, bao gồm thị trường chứng khoán, thị trường vốn, các trung tâm thanh toán, hạ tầng ngân hàng số và các ứng dụng tài chính công nghệ đã được vận hành một cách bài bản. Gần đây nhất, Việt Nam đã nghiên cứu đề xuất áp dụng cơ chế sandbox, thí điểm triển khai các hoạt động fintech và các sáng kiến chuyển đổi số tạo điều kiện thuận lợi cho các quỹ đầu tư tiếp cận và ươm mầm cho các dự án công nghệ đổi mới sáng tạo mang tính đột phá.
Thứ ba, TP.HCM có vị trí địa lý chiến lược đồng thời thị trường tài chính tại TP.HCM đã có những kết nối chặt chẽ với các trung tâm tài chính lớn trong khu vực như Singapore, Hong Kong, Thượng Hải, Tokyo... thông qua các hoạt động đầu tư và thương mại. Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và trong tương lai là sân bay Long Thành cùng các cảng biển lớn xung quanh là điều kiện thuận lợi để phát triển hệ sinh thái tài chính toàn cầu.
Thứ tư, quyết tâm chính trị và định hướng chiến lược rõ ràng từ Trung ương đến địa phương, xác định phát triển TP.HCM thành TTTC quốc tế là nhiệm vụ chiến lược. TP luôn tích cực cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ rào cản pháp lý, đồng thời phát triển hạ tầng số và công nghệ tài chính. Đây là những bước đi cụ thể nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu.
"Việc phát triển TTTC quốc tế tại TP.HCM không chỉ mang lại lợi ích kinh tế - xã hội thiết thực cho thành phố và cả nước, mà còn tạo ra sức lan tỏa tới các đô thị lân cận và cả khu vực Đông Nam Á. Đây sẽ là nền tảng để TP.HCM nâng cao năng lực quản trị đô thị, phát triển bền vững và mở rộng hợp tác toàn diện với các đối tác toàn cầu", ông Được nhấn mạnh.