TP.HCM kiến nghị Thủ tướng gỡ vướng cho 13 dự án giao thông
13 dự án ở TP.HCM gặp khó khăn, vướng mắc cần Thủ tướng tháo gỡ phần lớn là các dự án trọng điểm, dự án BT, dự án 'ngâm' nhiều năm chưa thể giải quyết.
Mới đây, qua rà soát, Sở GTVT tp.hcm đã tổng hợp các dự án giao thông có vướng mắc, khó khăn trên địa bàn TP. Từ đó, sở đề xuất, kiến nghị chuyển Sở KH&ĐT TP xem xét tổng hợp, báo UBND TP để kiến nghị Thủ tướng.
Khó khăn ở bốn dự án chuẩn bị đầu tư
Theo Sở GTVT, việc tổng hợp, đề xuất trên được thực hiện theo yêu cầu của Phó chủ tịch thường trực UBND TP Lê Hòa Bình về các dự án có vướng mắc, tồn đọng trên địa bàn TP cần kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ.
Cụ thể, Sở GTVT TP cho biết có 13 dự án còn khó khăn, gồm bốn dự án đang chuẩn bị đầu tư và chín dự án đang thực hiện.
Về các dự án chuẩn bị đầu tư, đứng đầu danh sách là công trình BT cầu đường Bình Tiên (nối quận 8 và huyện Bình Chánh) với tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỉ đồng.
Ngày 28-2-2020, UBND TP có văn bản thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP tại cuộc họp tổ công tác về đầu tư trên địa bàn TP. Theo đó, các cơ quan chức năng cần làm việc để thống nhất với nhà đầu tư về hình thức đầu tư dự án cầu Bình Tiên. Từ đó tham mưu, đề xuất UBND TP theo hướng đầu tư từ nguồn vốn ngân sách TP hoặc theo hình thức BT theo đúng quy định tại Nghị định 63/2018. Tuy nhiên, đến nay mọi việc chưa có tiến triển.
“Đề nghị Sở KH&ĐT rà soát, tổng hợp báo cáo UBND TP xem xét, báo cáo Thủ tướng về tình hình thực hiện và thủ tục tiếp theo” - Sở GTVT cho hay.
Dự án thứ hai là công trình xây dựng cụm cảng trung chuyển - ICD tại phường Long Bình, TP Thủ Đức, tổng vốn đầu tư 6.200 tỉ đồng. Cuối năm 2021, Sở GTVT đã có báo cáo về việc đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) nhưng đến nay cũng chưa có động thái mới.
Thứ ba là dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (gần 16.000 tỉ đồng). TP đã kiến nghị ngân sách trung ương hỗ trợ hơn 5.900 tỉ đồng cho công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư nhưng chưa có hồi đáp.
Thứ tư là dự án đường vành đai 3, với 75.777 tỉ đồng. TP cũng đã kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo bố trí nguồn vốn trung ương với kinh phí gần 40.000 tỉ đồng và các cơ chế chính sách đặc thù để tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện. Dự kiến dự án hoàn thành đưa vào khai thác toàn tuyến trong năm 2026.
Nhiều dự án đang thực hiện vẫn gặp khó
Nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn TP đang thực hiện và gặp một số khó khăn, TP kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ.
Cụ thể, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), TP kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho TP được sử dụng ngân sách TP. Phần ngân sách này dùng để bố trí kinh phí đảm bảo điều kiện thực hiện nhiệm vụ của Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt đô thị số 1 TP.HCM trong giai đoạn chuẩn bị vận hành khai thác thương mại tuyến này.
Công trình đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (quận Tân Bình) là dự án trọng điểm giải tóa ách tắc sân bay Tân Sơn Nhất, vốn đầu tư gần 4.850 tỉ đồng. TP kiến nghị Thủ tướng cho phép thực hiện trước việc bàn giao mặt bằng khu đất khoảng 11,8 ha đất quốc phòng với hình thức Bộ Quốc phòng chuyển giao cho địa phương quản lý để thực hiện dự án.
TP cũng kiến nghị gở vướng ở vành đai 2, đoạn kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - quốc lộ 1 hơn 2.760 tỉ đồng đang tạm dừng thi công từ tháng 3-2020. Nguyên nhân chính là do vướng mặt bằng và quỹ đất thanh toán theo hợp đồng BT.
Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1, đoạn từ ngã ba trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn, vốn hơn 4.900 tỉ đồng đang gặp khó về mặt bằng, chồng ranh với một số dự án khác và một số vướng mắc khác. Hiện dự án cơ bản hoàn thành 100% trục đường chính; 93% trục đường song hành bên phải và 74% trục đường song hành bên trái.
Công trình cầu đường Bình Triệu 2 (giai đoạn 2), vốn hơn 2.380 tỉ đồng, Sở GTVT đã kiến nghị UBND TP có văn bản cho phép ngưng thực hiện dự án theo hình thức BOT. Sở này cho rằng cơ quan chức năng cần chủ động làm việc, trao đổi nghiệp vụ với Bộ KH&ĐT để được hướng dẫn các thủ tục liên quan về dự án.
Dự án đường song hành từ đường Mai Chí Thọ qua khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến dường vành đai 2 (tổng vốn hơn 869 tỉ đồng), gặp vướng mắc liên quan đến việc giao đất thanh toán hợp đồng BT.
Cầu Thủ Thiêm 2 cũng gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và xác định giá đất để làm cơ sở thanh toán hợp đồng BT. Nếu các vướng mắc được sớm tháo gỡ, dự án sẽ hoàn thành trước ngày 30-4 tới.•
Kiến nghị gỡ vướng các dự án trong khu đô thị Thủ Thiêm
Trong các dự án đang thực hiện và gặp khó khăn, có hai dự án trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Cụ thể, dự án xây dựng bốn tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, với tổng vốn hơn 8.260 tỉ đồng. Dự án khởi công vào tháng 2-2014 nhưng tạm ngưng thi công từ tháng 2-2017 do vướng mặt bằng (hiện đạt khoảng 85% khối lượng). TP kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt giá đất, làm cơ sở thanh toán khối lượng thực hiện theo hợp đồng BT.
Tiếp theo là dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía bắc và hoàn thiện đường trục bắc nam trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, hơn 2.460 tỉ đồng.
Dự án được khởi công vào tháng 6-2015 nhưng tạm ngưng thi công từ tháng 10-2018 cũng do vướng mặt bằng (hiện đạt khoảng 75% khối lượng). TP kiến nghị Thủ tướng giải quyết khó khăn liên quan đến hợp đồng BT dự án.