TP HCM kiến nghị xét lại danh hiệu cho nghệ sĩ
Những ngày qua, dư luận trong giới sân khấu quan tâm đến việc 6 nghệ sĩ bị loại khỏi danh sách xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân (NSND) đợt 10 gồm: NSƯT Thanh Nguyệt, NSƯT Lê Thiện, NSƯT Thoại Mỹ, NSƯT Ngọc Khanh, NSƯT Linh Hiền và NSƯT Ngọc Dung.
Trước những bức xúc của người trong giới và kiến nghị của nhiều nhà chuyên môn, nghệ sĩ có uy tín, UBND TP HCM đề xuất xét lại danh hiệu NSND đối với hồ sơ của 6 nghệ sĩ nêu trên. Qua đó, UBND TP HCM đã giao Sở Văn hóa và Thể thao tìm hiểu, lắng nghe thêm thông tin từ một số nghệ sĩ tài danh, nghệ sĩ có cống hiến lâu năm trong ngành và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét.
Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức đã có văn bản đề xuất Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần 10 và Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xem xét lại kết quả đối với 6 nghệ sĩ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND lần 10.
Đề xuất này đã cung cấp thêm nhiều thông tin, nhằm ghi nhận những cống hiến bền bỉ của các nghệ sĩ kể trên đối với sự nghiệp nghệ thuật mà họ đã góp công sức, phát huy, quảng bá rộng rãi loại hình nghệ thuật hát bội (NSƯT Ngọc Khanh, NSƯT Ngọc Dung, NSƯT Linh Hiền) và nghệ thuật cải lương truyền thống (NSƯT Thanh Nguyệt, NSƯT Lê Thiện, NSƯT Thoại Mỹ).
Những nghệ sĩ này đã có nhiều vai diễn tiêu biểu, điển hình trong việc sáng tạo hình tượng nhân vật, ngoài ra còn tích cực tham gia đào tạo, chấm thi, lan tỏa đến giới trẻ hiện nay tình yêu dành cho nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Đây cũng là đề xuất nhằm động viên các nghệ sĩ trong điều kiện hoạt động nghệ thuật truyền thống ngày càng khó khăn. Điều đáng quý nhất ở 6 nghệ sĩ kể trên là tấm lòng dấn thân vì nghệ thuật dân tộc, dù đã có tuổi nhưng vẫn tích cực tham gia dạy nghề như NSƯT Lê Thiện gắn với Hội Sân khấu TP HCM tổ chức các buổi "Giao lưu - Truyền nghề"; NSƯT Ngọc Khanh góp phần gầy dựng các khóa đào tạo "Đường đến hát bội" truyền đạt kiến thức cơ bản cho sinh viên, học sinh đam mê bộ môn hát bội; NSƯT Thoại Mỹ tích cực tham gia ban giám khảo các cuộc thi: "Chuông vàng vọng cổ", "Tài tử miệt vườn"…; NSƯT Thanh Nguyệt là một trong những thành viên trụ cột của Sân khấu Vàng, góp phần xây dựng nhà tình thương trao tặng đồng bào nghèo; NSƯT Linh Hiền tích cực đưa chương trình hát bội đến học đường, là kép chánh trụ cột của Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP HCM.
Trước đó, Hội đồng cấp thành phố đã xem xét hồ sơ từng nghệ sĩ, đối chiếu với các quy định, tiến hành bỏ phiếu với tỉ lệ 100% thành viên thống nhất đề xuất Hội đồng cấp Nhà nước xem xét tặng danh hiệu NSND đối với 35 nghệ sĩ và danh hiệu NSƯT đối với 65 nghệ sĩ.
Đối với các hồ sơ do TP HCM đề nghị, có 46 trường hợp thuộc lĩnh vực sân khấu nghệ thuật truyền thống, gồm 35 nghệ sĩ cải lương và 11 nghệ sĩ hát bội. Trong đó, một số nghệ sĩ chưa đủ thành tích nghệ thuật theo quy định nhưng có quá trình tham gia nghệ thuật lâu dài từ 30 đến 50 năm, có nhiều đóng góp cho hoạt động nghệ thuật, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả.
Đặc biệt, một số nghệ sĩ tích cực tham gia vào việc đào tạo, truyền nghề cho thế hệ trẻ, nhất là nghệ thuật hát bội không có trường đào tạo chính quy, đã góp phần rất lớn cho việc giữ gìn và phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống đặc trưng của Nam Bộ.
Ngoài ra, một số nghệ sĩ không có nhiều điều kiện tham gia các cuộc thi, liên hoan sân khấu vì lý do lớn tuổi và đặc thù tại thành phố nhiều nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật tự do, không thuộc đơn vị nghệ thuật công lập.
"Những nghệ sĩ này xứng đáng vì đã có nhiều cống hiến cho vườn hoa nghệ thuật nước nhà, không chỉ với vai diễn của họ mà còn vì sự trao truyền kinh nghiệm khi họ tham gia dạy nghề trực tiếp, đồng thời ngồi ghế giám khảo nhiều cuộc thi" - NSND Kim Cương nhận xét.