TP.HCM lên lộ trình 'giải cứu' loạt chung cư xuống cấp, hư hỏng nặng
Với gần 500 chung cư xây trước năm 1975, trong đó nhiều tòa nhà đã nguy hiểm cấp D, TP.HCM đưa ra lộ trình 2 giai đoạn đến năm 2035 để cải tạo và xây dựng lại.
Chiều 10/7, tại buổi họp báo kinh tế - xã hội TP.HCM, ông Vũ Anh Dũng, Phó phòng Phát triển đô thị Sở Xây dựng TP.HCM đã thông tin về việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn.

Ông Vũ Anh Dũng, Phó phòng Phát triển đô thị Sở Xây dựng TP.HCM chia sẻ về việc cải tạo, xây dựng chung cư cũ.
Theo ông Dũng, TP.HCM hiện có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975, trong đó có 16 chung cư có kết quả kiểm định cấp D (hư hỏng nặng, nguy hiểm) cần di dời, tháo dỡ để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân đang cư ngụ.
Trong số này, có 9/16 chung cư đã hoàn tất di dời với 534 hộ dân (7/9 chung cư đã tháo dỡ); 3/16 chung cư đang di dời dở dang với 150/386 hộ dân; 4/16 chung cư chưa di dời. Tổng cộng đến nay đã di dời 684/1.194 hộ dân.
Tuy nhiên, chương trình cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn TP.HCM còn chậm. Nguyên nhân là do chủ trương của TP.HCM khi triển khai thực hiện các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư chủ yếu là huy động từ nguồn vốn của doanh nghiệp. Chính phủ đề ra cơ chế thu hút nhà đầu tư tham gia thông qua việc tăng chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc và miễn tiền sử dụng đất.
Tuy nhiên, do các chung cư cũ nằm trong khu vực nội thành nên việc tăng chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc phải được tính toán trên cơ sở đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và quy mô dân số hiện hữu của khu vực.

TP.HCM hiện có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975, trong đó có 16 chung cư có kết quả hư hỏng nặng.
Đồng thời, việc trình và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/2.000, 1/500 gặp vướng, khó khăn kéo dài nên chưa đảm bảo tính khả thi cho dự án, khó mời gọi được nhà đầu tư tham gia.
Thực tế một số chung cư cấp D có diện tích khuôn viên quá nhỏ (<1.000m²) nên khi xây dựng mới lại nhà chung cư không đảm bảo cân đối việc tái định cư cho người dân và lợi nhuận cho nhà đầu tư, do đó không mời gọi được nhà đầu tư tham gia.
Đối với các dự án xây dựng mới thay thế chung cư cũ đã có chủ đầu tư, trong quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ di dời do có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân, chỉ cần một bộ phận người dân đang cư ngụ tại chung cư cấp D chưa đồng thuận với chính sách di dời, tạm cư, tái định cư sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ công tác di dời, tháo dỡ, an toàn khu vực.
"Việc bồi thường đối với phần diện tích nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước chưa bán cũng phát sinh vướng mắc do các quy định liên quan không rõ ràng, thậm chí mâu thuẫn nhau giữa các pháp luật chuyên ngành như nhà ở, quản lý tài sản công, đất đai", ông Dũng nói.

Nhiều chung cư xuống cấp, hư hỏng nặng đe dọa an toàn của người dân.
Về phương hướng, giải pháp trong thời gian tới, ông Dũng cho biết, TP.HCM đề ra 2 giai đoạn để cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Trong đó, từ nay đến năm 2030, TP.HCM hoàn thành cơ bản các công tác chuẩn bị phục vụ cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư được xây dựng trước năm 1975 và các nhà chung cư được xây dựng từ năm 1975-1994 (bao gồm việc kiểm định, quy hoạch, kế hoạch, đấu thầu, giải phóng mặt bằng, chấp thuận chủ trương đầu tư, thu hồi đất, giao đất, cấp phép xây dựng...).
Đối với 16 chung cư đã được kiểm định cấp D, TP.HCM hoàn thành công tác xây dựng mới, các chung cư cấp D phát sinh thuộc trường hợp phải phá dỡ khẩn cấp theo quy định của Luật Nhà ở năm 2023.
Giai đoạn năm 2035, TP.HCM hoàn thành công tác sửa chữa, hoặc xây dựng lại chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975 (theo kết quả kiểm định) và hoàn thành cơ bản công tác cải tạo, xây dựng lại đối với các chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm, cấp D hoặc hết niên hạn sử dụng được xây dựng từ năm 1975-1994.
Về giải pháp chính, TP.HCM sẽ bố trí ngân sách Nhà nước để thực hiện nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của Nhà nước mà pháp luật đã quy định như rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư; lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; Tổ chức lập, phê duyệt, công bố kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư;
Trao quyền cho UBND phường, xã thực hiện; xây dựng Nghị quyết quy định thêm cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đối với chủ đầu tư khi tham gia cải tạo, xây dựng lại chung cư;
Tuyên truyền, thuyết phục vận động người dân tham gia ủng hộ chương trình xây dựng lại thay thế các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp;
Đồng thời, xử lý cương quyết, kịp thời các trường hợp đơn lẻ không chấp hành quy định của Nhà nước, vì lợi ích riêng ảnh hưởng đến phần lớn cộng đồng cư dân đã chấp hành, đặc biệt là trường hợp chung cư cũ hư hỏng nặng, nguy hiểm cần phải di dời, tháo dỡ để đảm bảo an toàn cho toàn bộ cư dân đang cư ngụ.