TP HCM muốn làm dự án BOT trên đường hiện hữu
Trong công văn vừa gửi Sở KH&ĐT liên quan hoàn thiện cơ chế đặc thù ở dự thảo thay thế Nghị quyết 54, Sở GTVT TP HCM đề xuất được áp dụng trở lại hợp đồng BOT với dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường hiện hữu, thay vì chỉ những công trình mới.
Nếu được chấp thuận, ngành giao thông TP sẽ tập trung làm trước một số dự án mở rộng QL, đường kết nối liên vùng để khơi thông các cửa ngõ.
Trong đó, QL13 đoạn qua địa phận Thủ Đức dự kiến mở từ 19m lên 40-60m, kinh phí ước tính gần 12.200 tỷ. QL1 đoạn từ An Lạc đến ranh tỉnh Long An, cũng được mở rộng từ 19m lên 52m, tổng vốn gần 12.900 tỷ đồng. Tại cửa ngõ phía Tây Bắc, QL22 từ ngã tư An Sương đến Vành đai 3 sẽ mở lên gần 40m, xây hai cầu vượt, kinh phí khoảng 1.200 tỷ đồng.
Ngoài ba tuyến QL trên, Sở GTVT đề xuất xem xét áp dụng hình thức BOT tại các dự án khác như: xây hoàn chỉnh và kéo dài trục Đông - Tây về phía Nam, nối ra Vành đai 3 (dài 9,7km, tổng vốn 13.837 tỷ đồng); trục Bắc - Nam (đường Âu Cơ - Khu công nghiệp Hiệp Phước) dài gần 27km, mở rộng lên 40-60m, tổng vốn 54.200 tỷ; đường song song QL50, dài 5,8km, rộng 40m, kinh phí dự kiến hơn 3.800 tỷ đồng.
Báo Vnexpres dẫn lời ông Trần Chí Trung, Trưởng phòng KH&ĐT (Sở GTVT), nói đề xuất trên đưa ra trong bối cảnh nhiều trục đường chính, khu vực cửa ngõ và các tuyến QL qua địa bàn chậm mở rộng theo quy hoạch vì thiếu vốn. Điều này khiến ùn tắc thường xuyên xảy ra, kìm hãm nhu cầu kết nối giao thông, kinh tế giữa TP và khu vực lân cận.
"Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, lĩnh vực giao thông ở TP được bố trí hơn 52.700 tỷ đồng. Mức này dù được ưu tiên, song đáp ứng chưa đến 20% nhu cầu vốn, dẫn đến rất khó triển khai các dự án trên", ông Trung nói và cho rằng việc áp dụng hình thức BOT tại các công trình mở rộng, nâng cấp đường hiện hữu sẽ góp phần tăng khả năng huy động vốn, đáp ứng nhu cầu đầu tư, giảm gánh nặng cho ngân sách.
Đại diện Sở GTVT cũng cho biết cơ chế trên được đề xuất thí điểm trước ở TP HCM. Nếu triển khai hiệu quả sẽ là mô hình để tính toán nhân rộng, cũng như làm cơ sở cho việc cập nhật, điều chỉnh ở Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Thực tế, các hình thức BOT hoặc BT (xây dựng - chuyển giao) trước đây áp dụng đầu tiên ở TP HCM, sau đó nhân rộng ra cả nước khi nhiều công trình đem lại hiệu quả.
Dưới góc nhìn chuyên gia, một TS thuộc ĐH Bách khoa TP HCM, nói hệ thống giao thông ở TP được quy hoạch đủ các loại hình, song việc triển khai quá chậm. Yêu cầu phát triển ngày càng lớn nhưng ngân sách hạn hẹp, địa phương lại thiếu cơ chế thu hút thêm nguồn lực, ảnh hưởng lớn tiến độ các dự án. Vì vậy hình thức BOT khi được áp dụng ở các dự án nâng cấp, mở rộng đường giúp TP thêm cơ hội phát triển.
Chuyên gia cũng cho rằng BOT là hình thức quan trọng thu hút vốn tư nhân đầu tư hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, quá trình triển khai ở một số dự án phát sinh các bất cập, tiêu cực, nên các quy định thời gian qua được siết lại để tránh gây hệ lụy. "Việc áp dụng loại hợp đồng này ở các công trình hiện hữu cần có giải pháp quản lý chặt từ pháp lý đến lúc thực hiện, kiểm tra, giám sát để đảm bảo hiệu quả đầu tư cũng như hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp làm dự án và ngân sách Nhà nước", ông nói.
TP HCM đã triển khai 7 dự án BOT, gồm cầu đường Bình Triệu 2 (giai đoạn một) đã kết thúc thu phí hoàn vốn. Ba dự án khác đang thu phí, gồm BOT An Sương - An Lạc, cầu Phú Mỹ, mở rộng xa lộ Hà Nội và QL1. Một dự án sắp thu phí là đường nối tuyến Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu. Hai dự án đang làm thủ tục dừng hợp đồng, gồm: đường nối Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP HCM - Trung Lương và cầu đường Bình Triệu 2 (giai đoạn hai).