TP HCM nỗ lực trở thành Thành phố điện ảnh
TP HCM đang chuẩn bị hồ sơ gia nhập 'Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO' (UCCN) trong lĩnh vực điện ảnh
Hồ sơ chính thức sẽ gửi đến UNESCO ngày 3-3. Nếu được phê duyệt, TP HCM sẽ là Thành phố điện ảnh UCCN đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á.
Cơ hội đan xen thách thức
Tại chương trình "Tọa đàm tham vấn quốc tế góp ý hồ sơ của TP HCM đăng ký tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO" diễn ra ngày 15-2, bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết: "TP HCM là địa phương nằm trong số 200 thành phố khởi nghiệp toàn cầu. Trong quá trình phát triển công nghiệp văn hóa, TP HCM đặc biệt quan tâm phát triển công nghiệp điện ảnh, một lĩnh vực có bề dày phát triển, có sức hút lớn với các nhà làm phim trong và ngoài nước. TP HCM đang nỗ lực hoàn thiện hồ sơ gia nhập "Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO" (UCCN) trong lĩnh vực điện ảnh".

TP HCM là nơi có nền văn hóa phát triển, đa dạng về văn hóa, sắc tộc, tôn giáo, rất thuận lợi để trở thành Thành phố điện ảnh. Trong ảnh: Lễ hội Nguyên tiêu 2025 tại TP HCM.Ảnh: HOÀNG TRIỀU
TS Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho rằng việc lựa chọn điện ảnh - ngành nghệ thuật mang tính tổng hợp, có sự kết nối chặt chẽ với văn học, âm nhạc, thiết kế, ẩm thực... - được kỳ vọng sẽ giúp ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo tại TP HCM phát triển. Đây cũng chính là cơ hội để TP HCM xây dựng thương hiệu, định vị là một trung tâm sáng tạo khu vực trên bản đồ điện ảnh toàn cầu.
Theo ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, hiện TP HCM có 935 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh với hơn 9 triệu lao động, hơn 100 nhà sản xuất phim hoạt động thường xuyên, tạo ra doanh thu 500 triệu USD (năm 2024), đóng góp 0,43% GRDP. TP HCM có 10 hệ thống rạp, 52 cụm rạp, 295 phòng chiếu và 184 không gian sáng tạo phục vụ sản xuất, quảng bá và trải nghiệm nghệ thuật…
Những người trong cuộc nhìn nhận điện ảnh TP HCM có nhiều cơ hội và thách thức khi tham gia UCCN trong lĩnh vực điện ảnh. Cụ thể, về cơ hội đó là sự quan tâm của chính quyền thông qua các chiến lược và chính sách cụ thể. Ngoài nền tảng phát triển ban đầu, đáp ứng nhu cầu thị hiếu đa dạng của người dân, điện ảnh TP HCM chiếm tỉ trọng lớn thị trường trong nước (40%). Bên cạnh đó là cộng đồng sáng tạo năng động; hạ tầng văn hóa, giáo dục… phát triển so với địa phương khác.
Những thách thức gồm: kinh tế phát triển chưa bền vững, các vấn đề đô thị và thị trường ảnh hưởng đến đời sống người dân; chất lượng cuộc sống đa dạng, dẫn đến thị hiếu thẩm mỹ và khả năng hưởng thụ văn hóa khác nhau, chưa được đáp ứng đầy đủ; nhu cầu sáng tác rất phong phú nhưng không gian sáng tạo và hợp tác công - tư còn hạn chế…
Những ý kiến tâm huyết
TP HCM khi đã gia nhập UCCN trong lĩnh vực điện ảnh sẽ góp phần trở thành nơi kết nối điện ảnh Việt Nam với quốc tế, đóng góp hiệu quả và có trách nhiệm vào sự phát triển chung của điện ảnh khu vực. Đây là động lực để thành phố triển khai hiệu quả các dự án phát triển điện ảnh chuyên nghiệp và hiện đại; tăng cường đào tạo và trao đổi chuyên gia, bổ sung thêm nguồn nhân lực chất lượng cao…
Lãnh đạo TP HCM kỳ vọng thông qua điện ảnh sẽ phục dựng, gìn giữ truyền thống tốt đẹp của dân tộc; hình thành được nền tảng cội nguồn năng lượng tinh thần cho người sáng tạo và người thụ hưởng, cải thiện đời sống của cư dân. Theo yêu cầu của hồ sơ, một số sáng kiến, chương trình, dự án TP HCM cam kết bao gồm: Kiến tạo điện ảnh trong học đường; dự án "Sắc màu cuộc sống qua điện ảnh"; Diễn đàn Mạng lưới các thành phố điện ảnh châu Á; tổ chức liên hoan phim quốc tế thường niên; xây dựng không gian sáng tạo điện ảnh; hình thành đầu mối hỗ trợ phát triển điện ảnh.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng bày tỏ: "TP HCM là nơi có nền văn hóa phát triển, thị trường mạnh, đa dạng về văn hóa, sắc tộc, tôn giáo, đặc biệt so với các nơi khác ở Việt Nam. Nhiều người làm việc trong lĩnh vực giải trí cũng tìm đến TP HCM làm nơi phát triển nghề nghiệp, sinh sống. Mong rằng khi đã trở thành Thành phố điện ảnh thì sự tự do sáng tạo sẽ càng cởi mở hơn cho những người làm nghề".
Nhà sản xuất, diễn viên Hồng Ánh cho rằng cần nhiều hơn nữa các không gian sáng tạo, trung tâm phổ cập kiến thức điện ảnh thông qua giới thiệu trò chơi điện ảnh thực tế, triển lãm để người dân hiểu. Về liên kết quốc tế, TP HCM cần giảm thiểu thủ tục để tạo sự thuận tiện, hoan nghênh đoàn phim các nước đến quay phim.
Ông Jérémy Segay, Tùy viên nghe nhìn khu vực Đông Nam Á thuộc Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, cho biết điểm mạnh là TP HCM có vị trí địa lý đẹp, thị trường phục vụ nhiều khán giả, tiếp đón nhiều khách quốc tế, cơ sở lưu trú tuyệt vời. TP HCM cũng là trung tâm phát triển điện ảnh, đa dạng bối cảnh… Tuy nhiên, hạn chế là TP HCM chưa có đơn vị chuyên hỗ trợ các đoàn phim nước ngoài muốn đến TP HCM để quay phim; thủ tục hành chính chưa rõ ràng, chưa có sự liên kết giữa các địa phương; chưa có trường quay hiện đại với bối cảnh và thiết bị đi kèm.
Từ thực tế ấy, ông Jérémy Segay đề xuất: "TP HCM cần có văn phòng tiếp nhận quay phim tại TP HCM; thiết kế bộ cẩm nang quay phim tại TP HCM… Bên cạnh đó, cần sớm đầu tư phim trường dạng tổ hợp sinh thái điện ảnh. Tổ hợp không nhất thiết ở một địa điểm như Củ Chi, mà có thể kết hợp Củ Chi với Cần Giờ… Sau khi phim quay xong, du khách có thể đến tham quan. Sau khi phục vụ điện ảnh, bối cảnh có thể trở thành địa điểm du lịch".
"TP HCM cũng cần có học viện hợp tác quốc tế, đào tạo nhân lực cho điện ảnh. Cần tăng cường kết nối điện ảnh với du lịch, để khai thác ưu điểm, thế mạnh của cả lĩnh vực. Đẩy mạnh sáng tạo nội dung số, đẩy mạnh truyền thông" - GS-TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, góp ý thêm.
NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM, khẳng định việc xây dựng phim trường chuẩn quốc tế là cần thiết. TP HCM đang rà soát quy hoạch để xây dựng phim trường chuẩn quốc tế. Dự kiến trong năm 2025 sẽ khởi công xây dựng phim trường, với kinh phí đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tp-hcm-no-luc-tro-thanh-thanh-pho-dien-anh-196250215200516146.htm