Vinh danh nghề làm bún Vân Cù là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Nghề làm bún Vân Cù, với hơn 400 năm lịch sử, vừa được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sự kiện này không chỉ tôn vinh giá trị truyền thống mà còn mở ra cơ hội phát triển bền vững cho làng nghề bún nổi tiếng xứ Huế.

Lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề làm bún Vân Cù - Ảnh: VGP
Sáng ngày 19/2, tại thôn Vân Cù - Nam Thanh (xã Hương Toàn, TX. Hương Trà), TP Huế đã tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia dành cho nghề làm bún Vân Cù. Sự kiện càng thêm ý nghĩa khi diễn ra đúng vào ngày húy kỵ Bà Bún – Tổ nghề làng bún Vân Cù (22 tháng Giêng năm Ất Tỵ).
Vân Cù - ngôi làng bên dòng sông Bồ, không chỉ là một làng nghề làm bún lâu đời mà còn là nơi duy nhất ở miền Trung gìn giữ tục tế vị tổ nghề Bà Bún vào ngày 22 tháng Giêng âm lịch. Với hơn 400 năm hình thành và phát triển, làng bún Vân Cù đã trở thành biểu tượng của sự bền bỉ và tinh hoa nghề thủ công truyền thống. Nhờ những đóng góp quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển làng nghề, năm 2014, nơi đây được công nhận là "làng nghề truyền thống" của tỉnh Thừa Thiên Huế, nay thuộc TP Huế.
Bún Vân Cù đã gắn bó mật thiết với đời sống ẩm thực địa phương, góp phần tạo nên danh tiếng cho món "bún bò Huế" nổi tiếng. Sợi bún Vân Cù có màu trắng ngà, thơm hương gạo mới xay, mềm mịn nhưng vẫn giữ được độ dai vừa phải.
Điểm làm nên sự khác biệt của bún Vân Cù chính là quy trình sản xuất hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng bất kỳ chất phụ gia nào ngoài muối sống để ngâm, vo gạo, nuôi bột. Nhờ vậy, sợi bún giữ được độ tươi ngon thuần khiết, nhưng chỉ có thể bảo quản trong 24 giờ ở điều kiện thường, một minh chứng cho chất lượng sạch và an toàn, được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.
Hiện nay, mỗi ngày làng nghề cung ứng ra thị trường từ 25-28 tấn bún, với mỗi hộ sản xuất trung bình khoảng 2 tạ/ngày, thậm chí có hộ đạt 6-7 tạ/ngày. Đặc biệt, vào những dịp lễ, Tết, sản lượng có thể tăng gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp bốn lần, minh chứng cho sức sống mãnh liệt của một làng nghề truyền thống giữa nhịp sống hiện đại.

Bún tươi Vân Cù. Ảnh: Website Khám phá Huế
Lễ đón nhận danh hiệu Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề làm bún Vân Cù nhằm quảng bá và tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề làm bún Vân Cù. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp và nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; góp phần tuyên truyền giới thiệu giá trị văn hóa Huế gắn với công tác quảng bá, xúc tiến về du lịch tại địa phương.
Trong khuôn khổ lễ hội có nhiều hoạt động, chương trình chính diễn ra: Lễ tế Bà Bún - nghi thức truyền thống được người dân địa phương nhằm tri ân, tưởng nhớ vị tổ làng nghề; Lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương; Lễ hội ẩm thực làng bún Vân Cù; chương trình văn nghệ tự hào di sản làng bún Vân Cù…