TP Hồ Chí Minh: Kỳ vọng làm được 355km đường sắt đô thị vào năm 2035
Sau bài viết 'Nhiều kỳ vọng phát triển nhanh đường sắt đô thị', ngày 25-2, Báo Hànôịmới đã có cuộc trao đổi với ông Phan Công Bằng – Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh (MAUR) xung quanh việc phát triển các tuyến đường sắt đô thị (metro) của thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới, đặc biệt, sau khi Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị vừa được Quốc hội thông qua.

Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh Phan Công Bằng. Ảnh: M.Tuấn
- Thưa ông, Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển đường sắt đô thị (metro) của thành phố Hồ Chí Minh?
- Có thể nói, Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất lớn, bởi các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt sẽ trao quyền cho địa phương nhiều hơn để “tự quyết” trong quá trình thực hiện, giúp các dự án được triển khai với tiến độ nhanh hơn. Từ đó, góp phần hoàn thiện hệ thống các tuyến metro trong tương lai, đưa hạ tầng giao thông đô thị trở nên đồng bộ.
- Quốc hội cho phép thí điểm 6 cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị. Trong đó, có các quy định áp dụng riêng cho thành phố Hồ Chí Minh. Theo ông, điều này sẽ tạo thuận lợi gì trong quá trình triển khai?
-Điều nàygiúp ích rất nhiều, đặc biệt là giúp rút ngắn được các quy trình, thủ tục khi triển khai các dự án. Trong đó, các quy định áp dụng riêng cho thành phố Hồ Chí Minh sẽ cho phép thành phố có cơ chế huy động vốn từ nhiều nguồn để làm metro; hay như thành phố không phải lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư mà có thể thực hiện ngay thủ tục lập dự án đầu tư, rút ngắn thủ tục trung bình từ 3 - 5 năm. Ngoài ra, không thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án trong trường hợp kéo dài thời gian thực hiện mà không làm tăng tổng mức đầu tư. Cơ chế này giúp giảm các thủ tục qua nhiều khâu làm kéo dài thời gian thực hiện.
- Nghị quyết đề ra phát triển 10 tuyến metro tại thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2035. Liệu thành phố Hồ Chí Minh có làm kịp không, thưa ông?

Thành phố Hồ Chí Minh triển khai các dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD. Ảnh: M.Tuấn
- Việc xây dựng 10 tuyến metro đến năm 2035 là một khối lượng công việc khổng lồ mà nếu thành phố Hồ Chí Minh không bắt tay vào làm ngay từ bây giờ, sẽ khó thực hiện xong. Thực ra, thành phố đã chủ động trước đó bằng việc thông qua quy hoạch làm 355km đường sắt đô thị đến năm 2035. Với cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thời gian thực hiện trong 10 năm kỳ vọng sẽ khả thi. Thực tế, hiện nay, đã có một số nhà đầu tư là các tập đoàn lớn trong và ngoài nước cũng quan tâm và mong muốn được đầu tư xây dựng các tuyến metro. Để thực hiện suôn sẻ, thành phố cần tập trung ngay vào công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để có mặt bằng “sạch” triển khai xây dựng.
- Theo ông,chủ trương triển khai các dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD (đô thị gắn với giao thông công cộng) sẽ có tác động ra sao trong việc đồng bộ, hoàn chỉnh hạ tầng giao thông thành phố Hồ Chí Minh nói chung, hệ thống metro nói riêng?
-TOD sẽ tạo nên hệ sinh thái hạ tầng kết nối đồng bộ, đặc biệt là mạng lưới xe buýt rộng khắp, liên kết với sân bay, cảng biển, đường sắt và đường thủy. Bên cạnh đó, dọc tuyến metro, các khu vực quanh ga metro sẽ trở thành động lực tăng trưởng, kéo theo sự phát triển đô thị. Mặt khác, với TOD, sẽ tăng giá trị và khai thác tối đa đất đai dọc và xung quanh tuyến metro.
Có thể nói, ưu điểm phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD là tối đa hóa giá trị tăng thêm từ đất nhằm bù đắp vốn đầu tư cho đường sắt đô thị; tối đa hóa lưu lượng hành khách sử dụng đường sắt đô thị nhằm giúp kinh doanh vận tải hành khách công cộng sinh lời. Do đó, TOD không chỉ là lời giải cho việc hình thành đô thị nén, mà còn làm gia tăng giá trị đất đai, điều chỉnh không gian đô thị một cách cân bằng hơn, góp phần hoàn chỉnh hạ tầng đô thị.

Hệ thống các tuyến đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh đã được quy hoạch. Ảnh: SGGP
- Ban Quản lý Đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh sẽ có những bước thực hiện ra sao để tham mưu cho thành phố trong việc thực hiện các dự án, thưa ông?
- Có rất nhiều đầu việc phải làm ngay, như công tác giải phóng mặt bằng; đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng các tiêu chuẩn trong việc xây dựng, vận hành, khai thác; xây dựng định mức giá; công tác xử lý bùn thải; công tác phối hợp giữa các bộ, ban, ngành của Trung ương và thành phố liên quan… Không những vậy, khi xây dựng các kế hoạch, cần đảm bảo tính chính xác, nhanh gọn, hiệu quả để tham mưu thành phố trong quá trình thực hiện các dự án theo đúng tiến độ đề ra.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!