TP Hồ Chí Minh: Lo ngại một số dịch bệnh nguy hiểm ở trẻ vì thiếu vaccine

Tình trạng thiếu một số loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng ở trẻ diễn ra từ đầu tháng 5/2022 đến nay đã ảnh hưởng lớn đến công tác tiêm chủng cho trẻ tại TP Hồ Chí Minh. Do đó, ngành y tế lo ngại nguy cơ bùng phát dịch bệnh nguy hiểm ở trẻ trong thời gian tới, đặc biệt là dịch sởi.

Nguy cơ bùng phát dịch sởi

Bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng lớn đến công tác tiêm chủng trẻ em. Dù trong năm 2022, ngành y tế đã rất nỗ lực để nâng tỷ lệ bao phủ vaccine phòng bệnh cho trẻ, nhưng đến nay, tỷ lệ này vẫn chưa đạt mức có thể bảo vệ cộng đồng. Đặc biệt, tình trạng thiếu vaccine sởi, bạch hầu, ho gà từ tháng 5/2022 đến nay nhưng vẫn chưa được cung ứng, ảnh hưởng rất lớn đến công tác tiêm chủng mở rộng của Thành phố.

Phụ huynh đưa con đi khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh.

Phụ huynh đưa con đi khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh.

Theo thống kê, toàn Thành phố có 86.557 trẻ sinh năm 2021 cần được tiêm chủng các loại vaccine phòng bệnh, tuy nhiên số trẻ được tiêm đầy đủ 8 loại vaccine cơ bản chỉ 66.418 trẻ, đạt 76,6%. Tương tự, mũi tiêm nhắc cho trẻ 18 tháng tuổi cũng chưa đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể, trong số 97.052 trẻ sinh năm 2020 thì chỉ có 77.407 trẻ được tiêm mũi sởi 2 (đạt 79,4%) và 75.497 trẻ được tiêm vaccine bạch hầu - ho gà - uốn ván mũi 4 (đạt 77,4%).

“Nếu tình trạng gián đoạn cung ứng vaccine vẫn tiếp diễn có thể xảy ra một số dịch bệnh nguy hiểm trên trẻ em như sởi, bạch hầu, ho gà. Trong đó, sởi là dịch bệnh có nguy cơ xảy ra cao nhất và sớm nhất. Bởi theo ghi nhận của ngành y tế, dịch sởi ở nước ta thường xảy ra 4 năm/lần, trong khi đó lần gần đây nhất là tháng 10/2018 và kéo dài đến hết tháng 5/2019”, bà Lê Hồng Nga thông tin.

Tỷ lệ trẻ tiêm chủng mở rộng ở TP Hồ Chí Minh còn thấp do gián đoạn nguồn cung ứng vaccine.

Tỷ lệ trẻ tiêm chủng mở rộng ở TP Hồ Chí Minh còn thấp do gián đoạn nguồn cung ứng vaccine.

Về việc triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị cũng đang chuẩn bị các phương án để tiêm ngừa cho nhóm tuổi này. Tuy nhiên, việc tiêm chủng cho nhóm trẻ này dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn bởi sự đồng thuận của phụ huynh ở mức rất thấp. Qua khảo sát, chỉ có khoảng 10% phụ huynh đồng thuận cho trẻ tiêm vaccine phòng COVID-19.

Trong giai đoạn hiện nay, ngành y tế khuyến cáo tất cả mọi người cần chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng chung cho các bệnh truyền nhiễm như: thường xuyên rửa sạch bàn tay, đặc biệt là trước khi tiếp xúc với trẻ em; chủ động mang khẩu trang khi có triệu chứng hô hấp; thực hiện vệ sinh các bề mặt tiếp xúc; giữ nhà cửa thông thoáng…

Số ca sốt xuất huyết mắc mới vẫn cao

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, số ca mắc sốt xuất huyết trong tuần 44/2022 (tính đến ngày 30/10/2022) giảm 27% so với trung bình 4 tuần trước, tuy nhiên vẫn đang ở mức cao so với cùng kỳ các năm với hơn 1.600 ca mắc/tuần; trong đó vẫn còn nhiều ca nặng. Trong tuần qua, TP Hồ Chí Minh không ghi nhận thêm ca mắc sốt xuất huyết tử vong.

Số ca mắc sốt xuất huyết mới giảm nhưng vẫn còn nhiều trường hợp nặng.

Số ca mắc sốt xuất huyết mới giảm nhưng vẫn còn nhiều trường hợp nặng.

Trong tuần qua, toàn thành phố cũng ghi nhận 75 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 44 phường, xã thuộc 12/22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức; giảm 23 ổ dịch mới so với tuần trước đó.

Như vậy, từ đầu năm đến nay, Thành phố ghi nhận 70.370 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc là 2,3%, tăng hơn 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 29 trường hợp, tăng 24 ca so với cùng kỳ năm 2021.

BS.CK2 Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Hồi sức nhiễm và COVID-19 Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, trong tuần qua, bệnh viện vẫn tiếp nhận thêm nhiều trường hợp trẻ mắc sốt xuất huyết, trong đó có ca chuyển biến nặng. "Dù số ca mắc mới giảm nhưng vào thời điểm này, phụ huynh không nên chủ quan. Khi thấy trẻ có biểu hiện sốt, cần phải nghĩ đến bệnh sốt xuất huyết để được quan tâm theo dõi và phát hiện dấu hiệu chuyển nặng, nhập viện kịp thời. Trong một số trường hợp trẻ có thể mắc đồng thời nhiều loại bệnh khác kèm theo như: bệnh tay chân miệng, viêm phế quản, cúm...", bác sĩ Đỗ Châu Việt cho biết.

Theo ngành y tế TP Hồ Chí Minh, hiện khoảng 75% số trường hợp tử vong do sốt xuất huyết là người lớn; trong đó có những trường hợp đến bệnh viện trễ khiến gia tăng nguy cơ tử vong do không được can thiệp điều trị kịp thời. Những người có cơ địa béo phì, phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền như cao huyết áp, tiểu đường hoặc các bệnh lý về gan, thận có nguy cơ diễn tiến nặng nếu mắc sốt xuất huyết.

Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn đang cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Để hạn chế số ca tử vong do sốt xuất huyết xuống mức thấp nhất trong thời gian tới, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã quyết định áp dụng kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 để ứng phó với dịch sốt xuất huyết. Theo đó, hiện Thành phố đang triển khai mô hình điều trị sốt xuất huyết phân làm 3 tầng điều trị. Bên cạnh đó, ngành y tế cũng tập huấn cho các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn về sốt xuất huyết nhằm phát hiện kịp thời các triệu chứng có thể xảy ra.

Song song đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn khi phát hiện người bệnh sốt xuất huyết nặng trong tình trạng nguy kịch, có nguy cơ đe dọa tính mạng, cơ sở y tế phải kích hoạt quy trình báo động đỏ đối với người bệnh sốt xuất huyết nội viện hoặc liên viện để kịp thời cấp cứu người bệnh.

Bài và ảnh: Đan Phương/ Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/tp-ho-chi-minh-lo-ngai-mot-so-dich-benh-nguy-hiem-o-tre-vi-thieu-vaccine-20221103192441534.htm