TP Hồ Chí Minh: Rủi ro khi các chung cư cũ không có quỹ bảo trì

Không có quỹ bảo trì để tu sửa, người dân tự ý cơi nới, các chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đang đứng trước nhiều rủi ro.

Hiện trường vụ cháy tại chung cư Độc Lập ngày 6-7-2025. Ảnh: Công an TP Hồ Chí Minh

Hiện trường vụ cháy tại chung cư Độc Lập ngày 6-7-2025. Ảnh: Công an TP Hồ Chí Minh

Chiều 10-7, tại họp báo kinh tế - xã hội, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ vụ cháy các căn hộ tại chung cư Độc Lập (phường Phú Thọ Hòa) ngày 6-7, có thể rút ra nhiều bài học đắt giá.

Cụ thể, theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, những chung cư cũ (đa số được xây dựng từ trước năm 1975) thường nhỏ, hẹp, với điều kiện sinh hoạt chật chội, không đảm bảo về an ninh, an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH). Nhiều chung cư cũ đã hư hỏng đến mức không thể sử dụng được. Tuy nhiên, đa phần các chung cư lại không có quỹ bảo trì cũng như nguồn kinh phí để đảm bảo duy tu, sửa chữa kịp thời.

Việc không có quỹ bảo trì khiến công tác sửa chữa những kết cấu chịu lực, lối thoát hiểm, hệ thống điện… gặp khó khăn, hoặc không thể sửa chữa được. Đáng lo ngại hơn, nhiều chủ hộ tại các chung cư này đã xây dựng trái phép, cơi nới, che chắn, dẫn đến nguy cơ cháy nổ cao.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh trả lời tại họp báo ngày 10-7. Ảnh: Nguyễn Lê

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh trả lời tại họp báo ngày 10-7. Ảnh: Nguyễn Lê

Công an thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chung cư Độc Lập được xây dựng từ năm 2008, không có thiết kế lối thoát hiểm cho các căn hộ ở tầng trệt. Nguyên nhân cháy bước đầu được xác định là do đường dây dẫn điện cung cấp cho các thiết bị tiêu thụ điện trong căn hộ 0.20 tại tầng trệt bị chập, gây cháy ở phía trước căn hộ này và căn hộ liền kề tới căn 0.19. Ngoài ra, tại ban công các căn hộ của chung cư này cũng xảy ra tình trạng cơi nới, lắp đặt “chuồng cọp”, chặn lối thoát hiểm qua ban công.

Sau vụ cháy, Công an thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp chính quyền địa phương tổ chức hướng dẫn, trao đổi chuyên môn sâu liên quan đến công tác phòng, chống cháy nổ. Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng khuyến cáo, người dân cần tích cực tham gia các hội nghị tuyên truyền, các buổi tập huấn về công tác PCCC&CNCH để có kiến thức và kỹ năng xử lý khi xảy ra cháy, với phương châm “cứu chính mình, trước khi được người khác cứu mình”.

Liên quan đến tình trạng chung cư cũ, xuống cấp, Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có 474 chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975, trong đó có 16 chung cư có kết quả kiểm định cấp D (hư hỏng nặng, nguy hiểm), cần di dời dân cư, tháo dỡ công trình để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân đang cư ngụ.

Trong số này, 9/16 chung cư đã hoàn tất di dời với 534 hộ dân (7/9 chung cư đã tháo dỡ); 3/16 chung cư đang được di dời dở dang với 150/386 hộ dân; 4/16 chung cư chưa di dời. Tổng cộng đến nay đã di dời 684/1.194 hộ dân.

Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ hoàn tất công tác sửa chữa, xây dựng mới toàn bộ chung cư cũ (xây dựng trước năm 1975) trên địa bàn.

Nguyễn Lê

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tp-ho-chi-minh-rui-ro-khi-cac-chung-cu-cu-khong-co-quy-bao-tri-708719.html