TP Hồ Chí Minh: Sốt xuất huyết tăng nhanh, nhiều trường hợp nhập viện do sốc

TP Hồ Chí Minh ghi nhận trên 640 ca mắc sốt xuất huyết trong tuần qua, tăng 60,4% so với trung bình 4 tuần trước đó và đang có xu hướng tiếp tục tăng cao. Nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng sốc xuất huyết nặng.

Sốt xuất huyết tăng mạnh, nhiều trường hợp nguy kịch

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2025 đến hết tuần 26, tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy trên toàn thành phố là 10.262 ca. Riêng trong tuần 26 (từ ngày 23 - 29/6), Thành phố ghi nhận 645 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 60,4% so với trung bình 4 tuần trước đó. Khu vực có số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao thuộc các huyện cũ như Nhà Bè, Cần Giờ và Củ Chi.

Nhiều trẻ bị sốc xuất huyết nặng nhập viện điều trị tại các bệnh viện.

Nhiều trẻ bị sốc xuất huyết nặng nhập viện điều trị tại các bệnh viện.

Không chỉ số ca mắc tăng cao, tại các bệnh viện còn ghi nhận số ca nhập viện do sốc xuất huyết nặng cũng đang gia tăng. Theo thống kê tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh), số ca sốc do mắc sốt xuất huyết tăng 94,74% so với cùng kỳ năm 2024. Theo PGS.TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1, trong những tuần gần đây, hầu như ngày nào tại khoa cũng có ca sốc sốt xuất huyết được chuyển vào. Bác sĩ Phạm Văn Quang cho rằng, khi một ca sốt xuất huyết nặng phải nhập viện thì ở ngoài cộng đồng số ca mắc sốt xuất huyết có thể xảy ra gấp 10 - 20 lần.

Tương tự, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng ghi nhận nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng sốc xuất huyết nặng. Điển hình như trường hợp bé gái 5 tuổi nhập viện vì bị sốc xuất huyết nặng, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan nặng, suy hô hấp nặng. Theo đó, bệnh nhi được truyền dịch chống sốc, thở máy, truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh, tiểu cầu đậm đặc. Sau 10 ngày điều trị, hiện bệnh nhi đã hồi phục dần, cai được máy thở.

Một bệnh nhi 4 tuổi đang được điều trị tích cực tại khoa Hồi sức nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: BV

Một bệnh nhi 4 tuổi đang được điều trị tích cực tại khoa Hồi sức nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: BV

Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) cũng ghi nhận nhiều trẻ mắc sốt xuất huyết nặng nhập viện. Đơn cử như trường hợp bệnh nhi 4 tuổi phải nằm điều trị hồi sức tích cực trong 3 tuần do bị sốc xuất huyết nặng. Theo đó, bệnh nhi nhập viện cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp, xuất huyết tiêu hóa, trụy mạch kéo dài; tổn thương tim, gan, men gan tăng gấp 30 lần, men tim tăng 200 lần và rối loạn đông máu nghiêm trọng và diễn tiến suy thận.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, sốc sốt xuất huyết thường xảy ra vào ngày 3 đến ngày thứ 7 của bệnh, đặc biệt khi chuyển từ sốt cao sang hạ sốt. Sốc xảy ra đột ngột, thường vào lúc bệnh nhân hoặc người nhà cho rằng đã hồi phục, khiến cả người bệnh và người nhà không kịp xử trí và đây là giai đoạn cực kỳ nguy hiểm. Nếu không cấp cứu và điều trị kịp thời, người bệnh có thể thiếu oxy toàn thân, suy đa cơ quan như suy gan, suy thận, suy tim, trụy tim, phù phổi cấp, rối loạn đông máu nặng dẫn đến tử vong…

Theo nghiên cứu, khi thể tích tuần hoàn máu mất từ 10 - 15%, cơ thể có thể bù được, còn nếu mất từ 20 - 30%, người bệnh sẽ rơi vào sốc và mất từ 35 - 40%, huyết áp bằng 0 và tử vong. Nếu không được điều trị kịp thời, ở trẻ em tỷ lệ tử vong có thể lên tới 20%. Dấu hiệu nhận biết người bệnh sắp rơi vào sốc sốt xuất huyết là da, tay chân lạnh, mạch nhanh, huyết áp tụt, mệt lả, vật vã.

Người dân cần chủ động phòng bệnh

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, hiện đang vào mùa mưa, muỗi vằn sinh sôi nảy nở, bệnh sốt xuất huyết tấn công trẻ em cũng như người lớn nên quý phụ huynh cần lưu ý thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh như diệt muỗi, lăng quăng, dọn dẹp vật chứa nước, ngủ mùng, mặc quần dài, áo tay tránh muỗi đốt.

Hiện nay đã có vaccine tiêm ngừa sốt xuất huyết dành cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn.

Hiện nay đã có vaccine tiêm ngừa sốt xuất huyết dành cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn.

Khi thấy trẻ sốt cao trên 2 ngày có các dấu hiệu như bứt rứt, lăn lộn hoặc li bì, lơ mơ, nói sảng, chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen; đau bụng, ói; tay chân lạnh; lừ đừ, nằm một chỗ không chơi hoặc bỏ bú, bỏ ăn uống cần phải đưa đến đến bệnh.

PGS.TS Phạm Văn Quang cho biết, bệnh sốt xuất huyết đã bắt đầu vào mùa. Đây là bệnh lý thường gặp vào mùa mưa, có thể dẫn đến tình trạng trụy tim mạch, xuất huyết nặng, suy hô hấp gây tử vong, vì vậy cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Bệnh này cũng dễ nhầm lẫn với các bệnh khác, do đó khi thấy trẻ sốt cao 2 - 3 ngày không hạ sốt cần đưa trẻ đến khám và tầm soát bệnh. Việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm thông qua tầm soát sẽ hạn chế tình trạng trẻ trở nặng, tăng cơ hội điều trị bệnh.

Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, người từng mắc sốt xuất huyết có nguy cơ sốc cao hơn nếu tái nhiễm một chủng virus khác do xảy ra cơ chế “tăng cường phụ thuộc kháng thể” (ADE). Virus có bốn type huyết thanh DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Nếu nhiễm lần thứ hai với một type khác, kháng thể sinh ra từ lần trước không tiêu diệt được virus mới, ngược lại liên kết với type virus mới nhiễm, tạo điều kiện cho mầm bệnh nhân lên nhanh chóng. Lúc này, bệnh tiến triển nhanh, nguy cơ rơi vào sốc nặng cao hơn.

Do đó, để phòng nguy cơ sốc sốt xuất huyết, bệnh nhân cần tuân thủ điều trị. Bệnh nhân cần thăm khám hàng ngày, xét nghiệm kiểm tra số lượng tiểu cầu. Trong giai đoạn hạ sốt hoặc hết sốt từ ngày 3 đến ngày 7, người bệnh không nên chủ quan, nhập viện ngay khi có dấu hiệu như: đau bụng dữ dội, nôn liên tục, chảy máu lợi, chân răng, nôn ra máu, đi cầu phân đen, tay chân lạnh, chảy máu âm đạo không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt…

Bác sĩ Bạch Thị Chính cho biết, bệnh sốt xuất huyết hiện có thể phòng ngừa nhờ vaccine. Hiện nay, Việt Nam đã có vaccine phòng sốt xuất huyết Qdenga (Takeda, Nhật Bản), được chỉ định tiêm cho trẻ em từ 4 tuổi và người lớn. Hiệu quả bảo vệ của vắc xin hơn 80% và giảm nguy cơ nhập viện hơn 90%. Lịch tiêm gồm hai liều cách nhau 3 tháng.

“Người từng mắc sốt xuất huyết vẫn nên tiêm vaccine để phòng ngừa tái nhiễm với các chủng virus Dengue khác; đồng thời giúp giảm nguy cơ bệnh diễn tiến nặng và gây biến chứng nguy hiểm. Phụ nữ có kế hoạch mang thai nên tiêm vaccine sớm, tốt nhất 3 tháng hoặc tối thiểu 1 tháng trước khi mang thai”, bác sĩ Chính khuyến cáo.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, thời điểm giữa tháng 6 hàng năm đánh dấu sự gia tăng mạnh số ca mắc sốt xuất huyết tại TP Hồ Chí Minh. Nhằm chủ động kiểm soát dịch và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, ngành y tế Thành phố đã sớm đưa ra cảnh báo về nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết. Theo đó, TP Hồ Chí Minh xác định công tác phòng chống sốt xuất huyết được là nhiệm vụ trọng tâm và cấp thiết. Kế hoạch yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân đồng loạt ra quân xử lý điểm nguy cơ, thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng hàng tuần, tăng cường giám sát cộng đồng và truyền thông thay đổi hành vi một cách sâu rộng, thực chất.

Song song đó, các cơ sở y tế tiếp tục được chỉ đạo rà soát quy trình sàng lọc, phân loại, cấp cứu và điều trị sốt xuất huyết, đảm bảo kịp thời tiếp nhận người bệnh và xử trí đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Công tác tập huấn nhận diện dấu hiệu cảnh báo, chuyển độ, điều trị sốt xuất huyết và đảm bảo đầy đủ vật tư, hóa chất, dịch truyền, máu và các chế phẩm cũng được đặt trọng tâm nhằm hạn chế tối đa ca bệnh nặng và tử vong.

Bài và ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/tp-ho-chi-minh-sot-xuat-huyet-tang-nhanh-nhieu-truong-hop-nhap-vien-do-soc-20250703183626960.htm