TP Hồ Chí Minh thông qua đề án hợp nhất cấp tỉnh và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp

Theo đề án, sau sắp xếp, TP Hồ Chí Minh mới có diện tích 6.772,65km2, quy mô dân số hơn 13,7 triệu người, tổng cộng có 168 đơn vị hành chính trực thuộc.

Tối 15/4/2025, Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã thông tin về kết quả Hội nghị lần thứ 39 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh khóa XI (Hội nghị chuyên đề).

Sau sắp xếp, TP Hồ Chí Minh mới có 168 đơn vị hành chính cấp xã.

Sau sắp xếp, TP Hồ Chí Minh mới có 168 đơn vị hành chính cấp xã.

Hội nghị đã tập trung thảo luận và biểu quyết thông qua nhiều nội dung quan trọng về định hướng tổ chức bộ máy chính quyền, đảng bộ sau sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính các cấp, hướng đến xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp tại TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới.

Tại hội nghị, Ban Thường vụ Thành ủy đã trình dự thảo đề án sắp xếp, hợp nhất ba đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo đề án, sau sắp xếp, TP Hồ Chí Minh mới có diện tích 6.772,65km2, đạt 135,43% so với tiêu chuẩn đơn vị hành chính cấp tỉnh; quy mô dân số 13.706.632 người, đạt 979,04% so với tiêu chuẩn; tổng cộng 168 đơn vị hành chính trực thuộc. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2024 của ba địa phương đạt 677.993 tỉ đồng. Tổng số cán bộ, công chức hiện có là 22.878 người, số lượng viên chức là 132.110 người.

Về phương án tổ chức bộ máy chính quyền sau sắp xếp, cụ thể, khối chính quyền cấp thành phố, gồm: Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hồ Chí Minh mới sẽ hợp nhất đại biểu HĐND các tỉnh, thành nêu trên và tiếp tục hoạt động đến hết nhiệm kỳ 2021 - 2026. HĐND thành phố mới có 4 ban chuyên môn.

HĐND cấp xã của các đơn vị sau sáp nhập tiếp tục hoạt động đến hết nhiệm kỳ 2021 - 2026. Chủ tịch HĐND cấp xã được Thường trực HĐND thành phố chỉ định. Đối với các phường thuộc TP Hồ Chí Minh, tiếp tục không tổ chức HĐND phường theo Nghị quyết 131/2020/QH14. Việc tổ chức HĐND nhiệm kỳ 2026 - 2031 sẽ tuân theo luật sửa đổi.

UBND sẽ thực hiện theo Nghị quyết 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Trung ương, tổ chức 15 Sở và Cơ quan tương đương. Một số cơ quan được sắp xếp, chuyển chức năng như: chuyển Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Dương về Sở Ngoại vụ TP Hồ Chí Minh; giải thể Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Bình Dương, chuyển nhiệm vụ về Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh; sáp nhập các đơn vị sự nghiệp tương đồng; giữ nguyên các doanh nghiệp, quỹ nhà nước trước mắt.

Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên và trường chuyên biệt chuyển về Sở Giáo dục và Đào tạo; các trung tâm văn hóa, thư viện, nhà thiếu nhi, ban quản lý chợ và công viên chuyển về UBND cấp xã nơi trú đóng. Đài truyền thanh sáp nhập với trung tâm văn hóa cấp huyện; Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng chuyển về Sở Tài nguyên và Môi trường (đổi tên thành Sở Nông nghiệp và Môi trường); Ban Quản lý dự án khu vực cấp huyện chuyển về UBND thành phố; Ban Quản lý bến xe về Sở Xây dựng; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp chuyển về Sở Nông nghiệp và Môi trường./.

Đại Lánh - Mỹ Kiều

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/tp-ho-chi-minh-thong-qua-de-an-hop-nhat-cap-tinh-va-to-chuc-chinh-quyen-dia-phuong-hai-cap-176085.html