TP. Hồ Chí Minh: Tích cực gỡ khó cho các dự án đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
TP. Hồ Chí Minh đang tập trung vào việc tháo gỡ các vướng mắc, khơi thông các dự án đang bị tắc nghẽn, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương tháng 6/2025 diễn ra ngày 3/7, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được cho biết, 6 tháng đầu năm, tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại trên địa bàn thành phố đều tăng trưởng.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được phát biểu trực tuyến tại đầu cầu UBND TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: VGP
Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa 6 tháng của TP. Hồ Chí Minh ước đạt 304.369 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2024.
Hoạt động xuất, nhập khẩu của Thành phố tiếp tục ghi nhận tín hiệu tăng trưởng tích cực; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp Thành phố ước đạt 56,5 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 31,6 tỷ USD, tăng 13,3% (cùng kỳ tăng 13,1%), kim ngạch nhập khẩu ước đạt 24,9 tỷ USD, tăng 13,2% so với năm 2024 (cùng kỳ tăng 4,6%).
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh 6 tháng đầu năm nay đạt 321.892 tỷ đồng, bằng 61,89% dự toán, tăng 20,38% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa đạt hơn 256.779 tỷ đồng (tăng 24,42%), thu từ xuất nhập khẩu hơn 65.020 tỷ đồng (tăng 6,58%).
Đáng chú ý, thành phố đã phân bổ chi tiết 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ giao, cả vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương (tổng cộng hơn 85.000 tỷ đồng), điều này thể hiện rõ quyết tâm đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm.
TP. Hồ Chí Minh cũng đã cắt giảm 10% chi thường xuyên (trừ lương và các khoản chi theo lương) để tạo nguồn cải cách tiền lương, với số tiền là 1.417 tỷ đồng. Các cơ quan, đơn vị xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ theo hướng tiết kiệm, hạn chế hội họp hình thức và lãng phí thời gian.
Nhìn chung, nguồn vốn ngân sách trong tổng số đầu tư toàn xã hội đã được sử dụng để đầu tư phát triển hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật, xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh đang tập trung vào việc tháo gỡ các vướng mắc, khơi thông các dự án đang bị tắc nghẽn, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Một trong những giải pháp chính là rà soát, giải quyết các dự án tồn đọng, để khơi thông nguồn lực.
TP. Hồ Chí Minh cũng đang khẩn trương điều chỉnh, cập nhật quy hoạch theo phân công mới sau sáp nhập. Theo đó, Thành phố sẽ định hướng trở thành trung tâm tài chính và công nghệ cao; Bình Dương là thủ phủ công nghiệp; Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm kinh tế biển. Đây là định hướng mang tính chiến lược, giúp phân bổ hợp lý chức năng vùng và tạo động lực phát triển cho khu vực phía Nam.
"Tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sáp nhập vào TP. Hồ Chí Minh nên việc giải quyết hồ sơ phi địa giới còn trục trặc. Nguyên nhân là do sự thay đổi về địa giới, hệ thống quản lý và quy trình làm việc, dẫn đến sự chưa thống nhất và chưa quen thuộc trong quá trình xử lý hồ sơ. Vì thế, Thành phố phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ giải quyết xong vấn đề này", Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết thêm.