TP Thủ Đức - TP sáng tạo: Thuận lợi, thách thức và lộ trình

LTS: Tại hội nghị lần thứ 43, Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X ngày 24-7, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, nhấn mạnh từ yêu cầu hình thành một vùng tăng trưởng mới, TPHCM đề xuất hợp nhất 3 quận gồm quận 2, 9 và Thủ Đức thành một TP trực thuộc TPHCM, với tên gọi là 'TP Thủ Đức'.

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Việc hình thành một đơn vị hành chính thống nhất, quy mô như vậy nhằm đảm bảo sự tương tác liên thông và tận dụng tối đa lợi thế của vùng, tạo động lực phát triển kinh tế cho TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.

Nhằm tìm kiếm những giải pháp hiến kế đóng góp tốt hơn cho sự phát triển của TP, phục vụ cho việc xây dựng đề án “Hình thành và phát triển TP Thủ Đức”, Báo SGGP-ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH tổ chức buổi tọa đàm “Những điều kiện cần và đủ để hiện thực hóa TP Thủ Đức-TP sáng tạo: Thuận lợi, thách thức và lộ trình”, nhằm ghi nhận những ý kiến đóng góp, hiến kế của các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, kiến trúc sư là các nhà khoa học, các nhà chuyên môn về quy hoạch đô thị, các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các ban ngành, các doanh nghiệp…

Mở đầu buổi tọa đàm, ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Tổng biên tập Phụ trách Báo SGGP dẫn căn cứ các quy định pháp luật và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đồng ý thực hiện chủ trương thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM, trên cơ sở sắp xếp quận 2, 9 và Thủ Đức theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021.

Theo đó, trong quá trình xây dựng đề án, TPHCM cần lưu ý quy hoạch chung, trong đó nên tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia quy hoạch, các nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn công nghệ, tài chính, bất động sản hàng đầu thế giới về định hướng xây dựng TP Thủ Đức... Từ đó có thể tích hợp vào quy hoạch, định hướng chung của toàn TP.

Tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, cho biết mong muốn của lãnh đạo TP cũng như mong muốn của nhân dân là TPHCM phải năng động sáng tạo, phát triển đầu tàu kinh tế, có nhiều thành tích trong khoa học, giáo dục. Mục đích lớn nhất cuối cùng vẫn là tạo ra môi trường sống tốt nhất cho người dân TP, tạo ra những động lực cho kinh tế của TPHCM và cả nước nói chung lớn mạnh.

Để có những thành quả cao hơn nữa, chắc chắn cần những ý kiến đóng góp của các chuyên gia. Chúng tôi, những người quản lý luôn lắng nghe, cầu thị và cân nhắc thật kỹ lưỡng vì lợi ích của người dân, vì sự phát triển của TP. Lãnh đạo TP đều cầu thị và luôn với một tư duy mở để tiếp nhận, đón nhận đầy đủ các ý kiến đóng góp, suy nghĩ, sáng kiến với tinh thần xây dựng để TP chúng ta ngày một tốt hơn.

TS. Võ Kim Cương, Nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM:

Lo ngại hạ tầng phải giải tỏa đền bù giá cao

Đầu tiên là mô hình TP trong TP về mặt luật pháp không sai, hiện có mô hình một TP trực thuộc tỉnh là cấp huyện, vậy TP trực thuộc TP là cấp nào và đi liền theo đó là một loạt chính sách theo các cấp hành chính.

Do vậy nên đặt ra và so sánh giữa phương án lập 1 đơn vị hành chính TP, và phương án khác là không lập 1 đơn vị hành chính mà vẫn là 3 đơn vị hành chính nhưng có 1 cơ quan phát triển chung, do TP trực thuộc chỉ đạo. Nên có từng phương án và nội dung cụ thể để so sánh, từ đó tìm ra sẽ ra mô hình tổ chức phù hợp để triển khai kế hoạch TP mới này.

Thứ hai về mặt tiềm lực để phát triển, bởi giá trị đầu tư cho các đô thị phát triển mới trên thế giới rất lớn. Và ở đây đặt ra thách thức lớn nhất cho chúng ta là tiền ở đâu, kinh phí ở đâu để làm? Trong nguyên lý đô thị sinh ra từ đất, tức khai thác quỹ đất và cứ thế phát triển cơ sở hạ tầng dần dần lên.

Nhưng đất đai ở khu vực này hiện tại đang có tình trạng đầu cơ, thế thì khai thác đất này như thế nào cũng là thách thức. Trước đây, tôi đã từng phát biểu tại một hội thảo về mô hình TP đôi và giải pháp tài chính, đã có ý kiến đề nghị nên khoán kinh phí đầu tư hạ tầng của TP đó trên từng m2 đất, và mỗi m2 đất đó có nghĩa vụ đóng góp cho xây dựng.

Hễ ai là chủ đất đều phải đóng góp chứ không phải Nhà nước bỏ ra hết. Nếu thực hiện được điều đó, có thể sẽ có được giải pháp về tài chính, trước tiên phát triển hệ thống hạ tầng. Còn bây giờ chưa có gì cả, hạ tầng đụng vào đâu cũng đền bù giải tỏa với giá thị trường quá cao.

KTS. Phạm Phú Cường, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM:Tổ chức không gian theo mô hình gọn chặt

Dưới góc độ không gian kiến trúc, tôi cho rằng phải ứng xử với không gian 212km2 TP phía Đông theo hướng không phải xây dựng toàn bộ thành TP mới, mà đây là quá trình có bảo tồn, cải tạo, chỉnh trang và có phát triển mới.

Cụ thể, tôi tán thành ý tưởng bắt đầu từ việc kích hoạt 6 khu vực trọng điểm gồm Thủ Thiêm, Rạch Chiếc, Trường Thọ, Tam Đa, Đại học Quốc gia và Khu công nghệ cao. Với 6 khu vực này, vấn đề quan trọng là kết nối lại bằng giao thông công cộng, để các khu vực này kích hoạt tiềm năng riêng, mặt khác sẽ cộng hưởng giá trị của 6 khu vực để tạo lực đẩy phát triển.

Về tổ chức không gian, quan điểm của tôi là không phát triển theo vết dầu loang, không phát triển bê tông hóa, không biến thành sa mạc bê tông mà phát triển theo mô hình gọn chặt. Việc phát triển gọn chặt sẽ bảo vệ được nguồn tài nguyên thiên nhiên và tạo ra không gian đi bộ trong từng khu vực.

Đây là hình thức rất hiện đại và nhân văn và cũng là xu thế của thời đại 4.0, xu thế của môi trường sáng tạo. Việc phát triển gọn chặt như vậy sẽ giúp khu vực phát triển đa dạng, đan xen nhiều chức năng, giúp cho cuộc sống con người sống động hơn.

Nhìn trên bản đồ sẽ thấy có một không gian còn nhiều dư địa là không gian gần bờ sông Đồng Nai. Làm sao để việc phát triển không phá hủy đặc trưng sông nước tự nhiên của khu vực ven sông Đồng Nai, giữ gìn được giá trị của hệ sinh thái đó như túi nước chứa cho TP và cảnh quan tự nhiên, vừa là cơ hội vừa là thách thức.

Tôi cũng mong muốn khi phát triển TP phía Đông, chúng ta cũng phải lưu ý yếu tố văn hóa cần lưu ý bảo tồn như các di tích, di sản kiến trúc hay khu vực Thủ Đức có nhiều nghĩa trang… để có những quan tâm nhất định đến những thiết kế như vậy.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM:Phải chặn ngay việc thổi giá BĐS

Việc hình thành TP Thủ Đức phải bắt đầu từ quy hoạch, quy hoạch đó phải chuẩn, phải xây dựng trên khởi điểm từ 3 chức năng chính: TP này không thể là TP chết về đêm, TP này phải là TP sống động, và yếu tố thương mại dịch vụ không thể tách rời.

Về vấn đề quy hoạch, phải xác định hình thành đô thị cùng với phát triển thị trường bất động sản (BĐS), bởi nguồn thu ngân sách nhà nước xuất phát từ quy hoạch trong đó có BĐS. Và chính đất đai tạo ra khu đô thị mới mang lại lợi ích cho cộng đồng, cho khu vực.

Hiện nay trong Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai, Luật Nhà ở tất cả đều nói vấn đề này, nên chúng ta phải bắt đầu từ quy hoạch. Đó là tầm nhìn, ý chí, lợi ích của Nhà nước gắn với lợi ích của cộng đồng xã hội. Ngoài ra, việc kết nối hạ tầng cũng rất quan trọng.

Về vấn đề thị trường BĐS, hiện nay có tình trạng đầu cơ, thổi giá khu vực này, chuyện này không mới nhưng rất nghiêm trọng. Thời gian trước buông lỏng quản lý nhà nước nên phân lô bán nền tràn lan, nên sẽ là rào cản cho sự phát triển của TP Thủ Đức tương lai. TP Thủ Đức sẽ cần BĐS cao cấp vì thu hút nhiều người có thu nhập cao, do vậy phải quan tâm việc phát triển dự án nhà ở có giá trung bình.

Những trăn trở của chúng tôi 20 năm qua mới được Chính phủ chấp nhận là cho phép nhà ở thương mại có diện tích tối thiểu 25m2, và hiện chúng tôi đang cùng Bộ Xây dựng làm đề án nhà ở thương mại giá thấp.

Một vấn đề nữa là khi TP Thủ Đức phát triển, nhưng người dân bản địa, những người thu nhập thấp phải được hưởng lợi chứ không bị loại bỏ qua quá trình đô thị hóa này.

Ths.KTS Nguyễn Thanh Hải, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Miền Nam: Có chính quyền đô thị mới có được TP trong TP

Tôi ủng hộ dự án thành lập TP Thủ Đức, nhưng khi tiếp cận ở góc độ pháp lý có những băn khoăn về vấn đề định dạng cho TP, sẽ có chỗ đứng như thế nào trong hệ thống đô thị. Thật ra, tại Chương 9 theo Điều 110 của Hiến pháp không có nội dung này.

Cụ thể, có TP trực thuộc Trung ương, dưới TP trực thuộc Trung ương là cấp quận huyện, phường xã, không hề nhắc đến TP trong TP.

Tuy nhiên, trong hệ thống pháp lý còn diễn giải bởi pháp luật, chúng ta có luật tổ chức chính quyền địa phương nhắc đến TP trong TP trực thuộc Trung ương. Nhưng họ phiên ra TP đó ngang cấp quận huyện, không phải cơ cấu hành chính độc lập có cơ chế riêng. Chính vì thế tôi băn khoăn chúng ta thành lập TP mới nhưng giống quận huyện thì để làm gì?

Thay vì 3 quận gộp lại 1 quận cũng có chủ tịch, HĐND như 1 quận nhưng to hơn, sẽ không đột phá, không đem lại cho TPHCM. Mới đây, TPHCM báo cáo với Chính phủ, các Bộ ngành 4 vấn đề trong đó có vấn đề liên quan đến TP Thủ Đức và vấn đề liên quan đến chính quyền đô thị, đây là một hướng mở.

Nếu TPHCM được thông qua chính quyền đô thị và được áp dụng lên TP mới, ý nghĩa của TP mới mới có tác dụng.

Chúng ta phải nhận diện vấn đề đó mới nghĩ đến câu chuyện làm gì với đối tượng này, quy hoạch ra làm sao, vận hành như thế nào. Là một bộ phận của TPHCM thì khác, là một đô thị độc lập lại khác.

Trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại phân cấp đô thị cũng có vấn đề là một tổ chức hành chính kinh tế đặc biệt, nên chúng ta phải vận dụng. Nếu TP mới không có chính quyền đô thị, phải xin Quốc hội thành lập đơn vị kinh tế đặc biệt nằm trong TPHCM.

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Sở Quy hoạch kiến trúc TPHCM:Lưu ý đây là vùng trũng, ngập lụt cao

Thực trạng của quận 2, 9 và Thủ Đức chúng ta nhìn thấy tiềm năng, tài nguyên của sự sáng tạo. Đó là môi trường sông nước, kênh rạch, vùng trũng… Các đồ án phải có quan điểm tiếp cận và giải quyết nhóm vấn đề tự nhiên vùng trũng, nguy cơ ngập lụt cao làm sao tận dụng hệ thống sông rạch.

Đây là cách làm mới so với TPHCM, tích hợp hệ thống di chuyển trong đô thị này làm cho cộng đồng có khả năng tiếp cận đến không gian xanh, tài nguyên chung của đô thị, tạo môi trường hạ tầng về mặt kỹ thuật, hạ tầng xã hội mọi người cùng hưởng, đây là bài toán về chất lượng đô thị.

Tuy nhiên, tạo không gian nhưng lưu ý cộng đồng, tương lai và chất lượng cuộc sống như thế nào. Tận dụng cơ hội đó nhưng ứng xử khéo để có tài nguyên chia sẻ với tất cả mọi người.

Khu vực không gian 3 quận này đã có nền tảng của văn hóa mới và truyền thống. Kiến tạo của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội rất quan trọng vì tạo ra môi trường tốt cho con người, hình thành văn hóa mới.

Với 2 nhóm giải pháp, đầu tiên là quản lý đất đai như thế nào, quản lý hiệu quả quỹ đất đó. Thứ hai là nguồn lực con người, cộng đồng. Xây dựng đô thị chúng ta không nghĩ quỹ nhà ở và không gian ở cho các nhóm cộng đồng làm việc, sống ở đó sẽ thất bại trong đô thị đó.

Người cần nơi ở ổn định để làm việc lại thiếu không gian, giải quyết vấn đề nhà ở tạo quỹ đất thành những không gian nén, không gian đô thị hiệu quả, cần đặt ra sớm, gắn chính sách làm sao có quỹ đất nhà ở theo mô hình chúng ta hướng đến.

Vấn đề quan trọng nữa là chính sách đô thị sáng tạo. Làm thế nào kích thích nhiều chính sách thu hút nhiều nhân tài. Đầu tiên có quỹ hỗ trợ hệ thống R&D (nghiên cứu và phát triển), nuôi những nghiên cứu ấy, có môi trường doanh nghiệp mua, sản xuất thí nghiệm.

Song những quỹ tài trợ đó nằm trong cơ chế nhà nước, tức phải xin, nên làm sao có cơ chế thoát khỏi những ràng buộc này.

Vì thế, vai trò của Nhà nước hết sức quan trọng tạo ra diễn đàn giúp nhà nghiên cứu gặp doanh nghiệp cùng thảo luận ra giải pháp, đây chính là vấn đề chính sách.

Ông Nguyễn Thu Phong, Chủ nhiệm CLB Kiến trúc sư trẻ Việt Nam:Quy hoạch vùng hướng đến tứ cận

Quận 2, 9, Thủ Đức nằm giữa 2 con sông cực kỳ quan trọng là sông Đồng Nai và Sài Gòn của cả miền Nam, và là vùng đất biết bao nhiêu dự kiến ý kiến của các nhà đô thị gia nhiều đời đã xem xét. Do đó việc quy hoạch TP Thủ Đức phải xem xét trên bình diện tứ cận.

Tứ cận này cũng là bài toán chung của Đồng Nai và Bình Dương, bên kia sông Đồng Nai là TP Biên Hòa, rồi xuất hiện TP Long Thành, đô thị Nhơn Trạch, xa nữa là đô thị Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu. Có nghĩa TPHCM nằm lọt thỏm giữa vùng đô thị bên kia sông Đồng Nai và sông Sài Gòn.

Điều này sẽ tương tự như đô thị Tokyo (Nhật Bản), đô thị Ontario (Canada), các vùng đô thị của New York - những đô thị đi hàng trăm cây số không thấy đồng quê, đồng ruộng và nông nghiệp. Liên kết các vùng đô thị đó được cấu thành bởi nhiều đô thị sát vách nhau. Tức ra khỏi TP chúng ta thấy TP khác, đi tiếp thấy TP khác tiếp nối.

Như vậy, điều quận 2, 9 và Thủ Đức sẽ trở thành đô thị TP trong lòng TP, không còn hiện trạng vùng ven. Thực ra điều này hết sức bình thường. Nhưng cái khó là chúng ta đều đi sau cái thực tế khi phát triển bất động sản và đầu cơ đất đai đã hình thành trong khu vực này.

Chúng ta đi sau nên vướng tình trạng rất xót xa không còn quỹ đất để phát triển. TP Thủ Đức chính là cơ hội để khắc phục điều chúng ta chưa làm tốt trong quá khứ.

Theo đó, tối ưu hóa vùng đất tại địa bàn tốt nhất mà chúng ta còn lại hôm nay, 1 tâm lõi vùng đô thị hóa cả Đông Nam bộ và vùng đô thị hóa TPHCM. Như vậy đây cũng là cơ hội sẽ được các nhà chuyên môn tham gia để hóa giải.

TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông, Trường Đại học Việt Đức:GTCC là xương sống TP Thủ Đức tương lai

Tôi có nghiên cứu nhiều TP được gọi là thông minh sáng tạo như phố Đông Thượng Hải, Singapore… Cái cốt lõi của giao thông thông minh là đi lại bền vững, có nghĩa người dân được sử dụng phương tiện xanh và an toàn.

Bởi lẽ, cốt lõi của TP thông minh không phải công nghệ thông tin (CNTT) mà là đi lại bằng phương tiện giá cả phù hợp, an toàn và thân thiện với môi trường, chính là giao thông công cộng (GTCC).

Hầu hết TP trên thế giới được gọi là thông minh và sáng tạo đều lấy GTCC là xương sống cho sự phát triển vì GTCC đáp ứng nhu cầu đi lại của đại bộ phận người dân một cách an toàn, thoải mái.

Hiện nay thực trạng GTCC ở TPHCM nói chung rất hạn chế, đặc biệt ở phía Đông TPHCM mật độ xe buýt rất thấp. Vì thế, cần mở rộng 3, 4 lần mạng lưới xe buýt hiện hữu theo hướng tích hợp với các GTCC nhanh, sức chở lớn như metro, tàu điện nhẹ, xe buýt nhanh để hoàn thành mạng lưới hoàn chỉnh, đa cấp.

Cụ thể, TP thông minh sáng tạo phía Đông cần đặt ra mục tiêu quy hoạch đạt tổng km chiều dài của GTCC nhanh sức chở lớn khoảng 50-60km. Vì theo tiêu chuẩn thế giới xác định với TP lớn đông dân như TPHCM cần đạt mục tiêu 2 -2,5km/km2 với mạng lưới GTCC nhanh, sức chở lớn.

Ngoài ra khi phát triển GTCC nhanh, sức chở lớn cần hình thành khu đô thị xung quanh các nhà ga, tập trung sự phát triển xung quanh các nhà ga để khai thác tối ưu quỹ đất, nâng cao khả năng tiếp cận, đồng thời khai thác quỹ đất tốt nhất, để sử dụng một phần tiền đó trợ giá cho GTCC. Rất hiếm TP trên thế giới mà GTCC không có trợ giá.

Ths.KTS Thái Ngọc Hùng, Giám đốc Công ty Kiến trúc ATA:Phát huy tuyến metro và các đô thị nhà ga

Bàn về TP phía Đông trước hết tôi muốn nói về vấn đề GTCC, cụ thể là các cơ hội chúng ta có thể dựa vào đó để tiếp tục phát triển.

Trong đó, cơ hội lớn nhất là khi TPHCM có tuyến Metro số 2, theo đó, ở mỗi nhà ga có thể phát triển các đô thị ở xung quanh. Mỗi đô thị có bán kính khoảng 600m, 700m hoặc 800m và mất khoảng 15-20 phút đi bộ đến nhà ga.

Như vậy, lượng người vận chuyển sẽ phù hợp với tính toán của tuyến Metro, đồng thời phát huy hiệu quả của metro khi người dân có thể đi lại trên phương tiện đó, giảm vấn đề kẹt xe.

Từ các nhà ga đó cũng có thể nối thêm các tuyến đường khác, các tuyến xe buýt nhanh, các tuyến đường monorail (đường sắt một ray) để đến các khu vực như khu công nghệ cao.

Cơ hội này cũng mở ra cho TP có rất nhiều đô thị và thay đổi toàn bộ không gian của TPHCM. Nếu có khoảng 150 nhà ga như vậy sẽ có 150 đô thị có tất cả tiện ích thương mại ở đó, và người dân không cần phải di chuyển vào trong TP.

Đề án thành lập TP sáng tạo phía Đông là hướng đi mới TP cần tiến hành và nghiên cứu nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn TPHCM cũng xác định tầm nhìn của đô thị này.

Tầm nhìn của đô thị rất quan trọng, đó là định hướng để xác định được lộ trình hoàn thành mất bao nhiêu năm. Đồng thời, cần xác định sứ mệnh của TP này là gì, mang lại điều gì cho người dân? Xác định sứ mệnh sẽ định ra chúng ta sẽ làm những gì cho TP này.

TPHCM là TP lớn nên các chức năng không chỉ phục vụ cho TPHCM mà cho toàn vùng. Quan điểm cá nhân tôi cho rằng đó là mô hình chúng ta hướng đến là TP trong TP và phát triển chất lượng, không quan tâm đến việc định danh hay ranh giới hành chính.

Tôi đề xuất những vấn đề liên quan đến chiến lược, tầm nhìn, TPHCM cần làm rõ hơn để các chuyên gia dễ dàng đóng góp ý kiến cho TP nhiều hơn.

Kiến Á đón đầu TP tương lai Thủ Đức

Tọa lạc tại vị trí trung tâm KĐT mới Cát Lái, Quận 2, dự án CitiGrand do Kiến Á phát triển nhận được sự quan tâm của người mua trẻ do sở hữu lợi thế lớn về mặt kết nối.

Tọa lạc tại vị trí trung tâm KĐT mới Cát Lái, Quận 2, dự án CitiGrand do Kiến Á phát triển nhận được sự quan tâm của người mua trẻ do sở hữu lợi thế lớn về mặt kết nối.

Thời gian qua, đã có rất nhiều thông tin trên báo đài về việc thành lập TP mới phía Đông với tên gọi được đề nghị là “TP Thủ Đức”, bằng việc sáp nhập 3 quận gồm quận 2, 9 và Thủ Đức để trở thành TP Sáng tạo, Khu đô thị thông minh kiểu mới.

Tập đoàn Kiến Á, được thành lập hơn 25 năm, là đơn vị phát triển đa ngành với lĩnh vực hoạt động chính là bất động sản và giáo dục. Kiến Á hiện có rất nhiều dự án đã và đang hiện hữu tại TP tương lai này. Cụ thể là Khu đô thị Cát Lái, quận 2, với các dự án như Lavila Đông Sài Gòn 1&2, Citigrand, Citialto, Citiesto, Citisoho, Citihome, Citibella…

Vì thế, Kiến Á rất vui mừng và chờ đón việc thành lập TP Thủ Đức. Bởi đã từ lâu, Kiến Á đặt nhiều kỳ vọng trong việc phát triển Khu đô thị thông minh kiểu mới, nơi mang đến môi trường sống xanh, hiện đại, văn minh dành cho thị dân trẻ thành đạt.

Điển hình là các dự án thuộc dòng CITI, căn hộ dành cho người trẻ tại quận 2 của Kiến Á đã được rất nhiều nhà đầu tư và khách hàng an cư nhiệt tình đón nhận.
Kiến Á hiểu rằng sự xuất hiện của TP Thủ Đức sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế phía Nam nói riêng và kinh tế đất nước nói chung.

Đặc biệt, khi những TP lớn như TPHCM đang ngày càng bị quá tải dẫn tới bao hệ lụy về dân số, tài chính, giao thông, an ninh, an sinh xã hội, giáo dục, việc làm… TP mới Thủ Đức sẽ góp phần phát triển mọi thứ đồng đều hơn, tốt đẹp hơn cho tương lai.

Minh Tuấn

T.Hải - H.Nam - T.Dung - Y.Lam - M.Phương (ghi)

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/tp-thu-duc-tp-sang-tao-thuan-loi-thach-thuc-va-lo-trinh-83662.html