TPHCM: Đình chỉ các trường hợp sử dụng căn hộ chung cư để sản xuất, kinh doanh trái quy định

Chiều 15/7, Bộ Công an tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH).

Tham dự hội nghị có Thượng tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH - chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH.

Hội nghị được trực tuyến đến Công an các địa phương trên cả nước.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TPHCM dự và chủ trì tại điểm cầu CATP.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TPHCM chủ trì điểm cầu CATP

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TPHCM chủ trì điểm cầu CATP

Quang cảnh điểm cầu Công an TPHCM

Quang cảnh điểm cầu Công an TPHCM

Trong 6 tháng đầu năm 2025, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã chủ động tham mưu Đảng ủy Công an Trung ương báo cáo, đề xuất Ban Bí thư tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 47 ngày 25/6/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC; tham mưu lãnh đạo Bộ chỉ đạo Công an các địa phương thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác PCCC và CNCH; tham mưu Bộ Công an ban hành Đề án số 08 ngày 05/5/2025 về kéo giảm cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản theo chức năng, nhiệm vụ của lực lượng CAND; tham mưu lãnh đạo Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chủ trương xây dựng Đề án “Kéo giảm cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản và nâng cao hiệu quả công tác CNCH” và Đề án “Tích hợp các đầu số 113, 114, 115 và tổ chức hệ thống thông tin liên lạc trong trường hợp khẩn cấp thành Trung tâm tiếp nhận, xử lý thông tin khẩn cấp quốc gia”.

Cục Cảnh sát PCCC và CNCH còn chủ động tham mưu triển khai thi hành các quy định của Luật PCCC và CNCH; trọng tâm là tham mưu Chính phủ ban hành 2 Nghị định, Bộ Công an ban hành 3 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật PCCC và CNCH theo hướng phân cấp, phân quyền quản lý triệt để, cắt giảm thủ tục hành chính về PCCC và CNCH nhằm đơn giản hóa, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp…

Hội nghị được truyền trực tuyến trên cả nước

Hội nghị được truyền trực tuyến trên cả nước

Công tác hợp tác quốc tế về PCCC và CNCH tiếp tục được đẩy mạnh, đã tham mưu thành lập Đoàn công tác của Bộ Công an tham gia hỗ trợ quốc tế và thực hiện nhiệm vụ CNCH trong thảm họa động đất tại Myamar. Qua đó, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của lực lượng CAND Việt Nam trên trường quốc tế.

Nhìn chung, tình hình cháy, nổ, sự cố xảy ra 6 tháng đầu năm 2025 giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2024, nhất là giảm số vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng (giảm 24,67% số vụ, giảm 25% số người chết). Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã hướng dẫn thoát nạn cho hàng trăm người bị mắc kẹt ra nơi an toàn, trực tiếp cứu được 294 người trong các vụ cháy; 403 người trong các vụ CNCH; tìm được 239 thi thể người bị nạn; tổ chức di chuyển và cứu được số tài sản trị giá trên 75 tỷ đồng trong các vụ cháy. Lực lượng tại chỗ và nhân dân dập tắt 480/1.710 vụ cháy.

Thứ trưởng Lê Văn Tuyến phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Thứ trưởng Lê Văn Tuyến phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Lê Văn Tuyến nhấn mạnh, 6 tháng cuối năm diễn ra nhiều sự kiện văn hóa, chính trị, xã hội quan trọng, Cục Cảnh sát PCCC và CNCN cùng hệ lực lượng cần chủ động rà soát chương trình công tác của từng đơn vị, bám sát chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ, Công an các đơn vị, địa phương để hoàn thành đúng tiến độ đề ra; quán triệt triển khai nghiêm chỉ đạo của Bộ về công tác PCCC và CNCN, đặc biệt là liên quan đến những nhiệm vụ cụ thể của hệ lực lượng, quy định của Luật PCCC và CNCH.

Thứ trưởng Lê Văn Tuyến nhấn mạnh, trong công tác PCCC và CNCH, coi trọng công tác phòng ngừa, lấy phòng ngừa là chính; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, kiến thức PCCC và CNCH phải thường xuyên, liên tục, đặc biệt là kỹ năng thoát hiểm khi có cháy…

Đồng chí Thứ trưởng yêu cầu cần quyết liệt triển khai các công tác nghiệp vụ cơ bản PCCC, rà soát lại theo chức năng, nhiệm vụ mới, hướng dẫn phân cấp cho lực lượng Công an cơ sở; tăng cường công tác kiểm tra về PCCC, hướng dẫn khắc phục những tồn tại, hạn chế của các đơn vị, địa phương liên quan đến PCCC; tăng cường đào tạo bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ cán bộ làm công tác PCCC…

TPHCM: Thực hiện ngay những biện pháp bảo đảm điều kiện an toàn PCCC và CNCH đối với chung cư cũ

Tham luận tại hội nghị với chủ đề “Chủ động trong công tác phòng ngừa và đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước (QLNN) về PCCC đối với loại hình nhà chung cư cũ, nhà chung cư trên địa bàn Thành phố”, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc CATP cho biết, qua thực tiễn công tác QLNN đối với loại hình này, CATP nhận thấy một số yếu tố ảnh hưởng đến công tác quản lý về PCCC tại các chung cư, đặc biệt là các chung cư cũ như sau:

Nhiều nhà chung cư cũ được xây dựng và đưa vào hoạt động đã trên 20 năm, hiện xuống cấp nghiêm trọng, hệ thống điện và các hệ thống kỹ thuật PCCC bị hư hỏng nặng, khó phục hồi, sửa chữa. Đồng thời còn đối mặt với thực trạng không có quỹ bảo trì, không có nguồn kinh phí để duy trì các điều kiện an toàn về PCCC.

Một số nhà chung cư được xây dựng theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn cũ nên thiếu nhiều tiện ích như: nhà để xe, nhà sinh hoạt cộng đồng; căn hộ có diện tích nhỏ… Từ đó, xảy ra tình trạng cư dân lấn chiếm không gian chung, sân bãi, đường giao thông nội bộ để làm bãi để xe, ảnh hưởng khoảng cách phòng cháy, chống cháy lan và đường giao thông phục vụ cho xe chữa cháy. Tình trạng cơi nới, xây dựng các “chuồng cọp” trái phép, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các điều kiện thoát nạn, chữa cháy và CNCH trên các tầng cao.

Nhiều nhà chung cư chưa thành lập được Ban quản trị, không có đơn vị đại điện trước pháp luật để thực hiện công tác quản lý, vận hành nhà chung cư; việc thành lập tổ tự quản, khu phố thiếu người tham gia điều hành.

Công tác QLNN về PCCC chủ yếu tập trung vào công tác kiểm tra, hướng dẫn thực hiện quy định pháp luật về PCCC, việc hướng dẫn khắc phục những thiếu sót, xử lý vi phạm đối với một số nhà chung cư rất khó khăn do không có Ban quản trị, không có người đại diện pháp luật; do đó không bảo đảm hiệu lực QLNN về PCCC theo quy định, cũng như không tổ chức thực hiện kịp thời những giải pháp an toàn nên vẫn tồn tại những nguy cơ tiềm ẩn về cháy, nổ...

Công tác tự kiểm tra an toàn PCCC tại các chung cư cũ hiệu quả chưa cao, mang tính hình thức. Đa phần là do thiếu kiến thức pháp luật về PCCC; chưa nắm rõ hoặc còn xem nhẹ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc duy trì các điều kiện an toàn về PCCC tại cơ sở. Nhiều nhà chung cư cũ chưa thành lập được Đội PCCC cơ sở…

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc CATP tham luận tại hội nghị

Để chủ động trong công tác phòng ngừa và đẩy mạnh công tác QLNN về PCCC đối với loại hình nhà chung cư cũ, nhà chung cư trên địa bàn Thành phố, thời gian tới, CATP tiếp tục tổ chức tổng rà soát, tiến hành phân công, phân cấp QLNN về PCCC theo thẩm quyền; tổ chức kiểm tra điều kiện an toàn về PCCC và CNCH kết hợp hướng dẫn Ban quản trị, Ban quản lý, chủ căn hộ và người dân sinh sống trong các chung cư thực hiện ngay những biện pháp, giải pháp bảo đảm điều kiện an toàn PCCC và CNCH, khắc phục những thiếu sót, loại trừ những yếu tố, điều kiện phát sinh cháy, nổ hoặc ảnh hưởng đến thoát nạn, công tác CNCH khi xảy ra sự cố; xử lý nghiêm, triệt để những hành vi vi phạm pháp luật về PCCC và CNCH. Tiếp tục tổ chức tập huấn, hướng dẫn UBND xã về công tác QLNN về PCCC và CNCH.

Phối hợp các sở, ban, ngành, UBND cấp xã tập trung giải quyết, xử lý dứt điểm, chấm dứt tình trạng cơi nới, lắp đặt cấu kiện xây dựng vi phạm quy định về lối thoát nạn, khoảng cách an toàn PCCC, chống cháy lan; chiếm dụng các phần không gian chung, vỉa hè, đường giao thông nội bộ để sử dụng vào mục đích khác như: để xe, kinh doanh, buôn bán..., lắp đặt các “chuồng cọp”; kiên quyết tháo dỡ hoặc tạo lối thoát nạn khẩn cấp, trả lại hiện trạng ban đầu, bảo đảm các điều kiện phục vụ công tác thoát nạn, chữa cháy và CNCH; đình chỉ hoạt động ngay những trường hợp sử dụng căn hộ chung cư để sản xuất, kinh doanh trái quy định; xử lý dứt điểm những trường hợp đưa chung cư vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu, hoàn công công trình.

Công khai danh sách các chủ đầu tư nhà chung cư vi phạm quy định nghiêm trọng về PCCC; các nhà chung cư không bảo đảm an toàn về PCCC, chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động, sử dụng để Nhân dân biết, theo dõi, giám sát.

Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo những biện pháp phòng ngừa cháy, nổ, hướng dẫn kỹ thuật, kỹ năng chữa cháy, thoát nạn, cứu người; xây dựng video hướng dẫn kỹ năng thoát nạn, xử lý đám cháy ban đầu... phát sóng vào các khung giờ “vàng” để nhân dân dễ tiếp cận, theo dõi, từ đó nâng cao kiến thức về an toàn PCCC; nhân rộng những mô hình PCCC đang phát huy hiệu quả, đồng thời nghiên cứu triển khai các mô hình mới để tiếp tục phát huy vai trò, hiệu quả của phong trào toàn dân tham gia PCCC.

CATP cũng sẽ đề xuất UBND Thành phố chỉ đạo UBND cấp xã nghiên cứu thành lập các mô hình Ban đại diện phù hợp đối với các nhà chung cư cũ không có Ban quản trị và trực tiếp thực hiện trách nhiệm “người đứng đầu cơ sở” trong quản lý, vận hành đối với nhà chung cư. Xây dựng mô hình “Tổ PCCC tự quản” tại các chung cư cũ không có Đội PCCC cơ sở; tiếp tục phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ), mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, xây dựng “Điểm chữa cháy công cộng”, vận động thực hiện phong trào “Nhà tôi 3 có” để chủ động trong công tác phòng ngừa…

Mai Anh

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/tphcm-dinh-chi-cac-truong-hop-su-dung-can-ho-chung-cu-de-san-xuat-kinh-doanh-trai-quy-dinh_180449.html