TPHCM lại xin lùi thời gian hoàn thành metro Bến Thành – Suối Tiên
UBND TPHCM vừa xin chủ trương cho phép tiến hành các thủ tục điều chỉnh thời gian hoàn thành thi công dự án tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên vào cuối quý 4/2023.
Ngày 21/4, UBND TPHCM đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về điều chỉnh thời gian thực hiện dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên.
Theo đó, UBND TPHCM đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét trình Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chấp thuận chủ trương cho phép TPHCM tiến hành các thủ tục điều chỉnh thời gian hoàn thành thi công dự án vào cuối quý 4/2023. Thời gian hỗ trợ, vận hành và bảo dưỡng từ 2024 - 2028.
Văn bản này cho biết, ngày 13/11/2019, UBND TPHCM đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án metro số 1 với thời gian hoàn thành là vào quý 4/2021.
Tuy nhiên, UBND TPHCM cho biết, đến nay dự án mới đạt 88,5% khối lượng nên cần phải điều chỉnh thời gian thực hiện để tiếp tục thi công, hoàn thành dự án.
Về nguyên nhân kéo dài thời gian thực hiện dự án, UBND TPHCM cho biết do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã gây ra rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thi công.
Bên cạnh đó, việc xử lý các nội dung tồn đọng chính để hoàn thành, kết thúc đàm phán phụ lục hợp đồng số 19 (hợp đồng tư vấn chung) giữa chủ đầu tư với Liên danh NJPT kéo dài do thay đổi về trình tự, quy định pháp lý trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt dự toán phát sinh.
Ngoài ra, công tác nghiệm thu, thử nghiệm phải theo các tiêu chuẩn nước ngoài, trong khi chưa có các tiêu chuẩn tương đương ở Việt Nam. Công tác chuẩn bị đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống cho việc vận hành gặp nhiều thay đổi về quy định pháp lý và các hướng dẫn từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, UBND TPHCM còn cho biết, dự án metro số 1 liên quan đến nhiều lĩnh vực, triển khai đầu tiên tại Việt Nam, thực hiện các quy định hợp đồng nước ngoài và trải qua nhiều giai đoạn điều chỉnh các quy định pháp luật Việt Nam.
“Cho nên, cần phải rà soát thận trọng các bước thực hiện, đảm bảo việc tuân thủ các quy định trong nước, tuân thủ quy định điều ước quốc tế và thỏa thuận vay vốn” – văn bản của UBND TPHCM nêu.
UBND TPHCM cho biết, sau khi Thủ tướng chấp thuận chủ trương, thành phố sẽ chỉ đạo chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ trình hội đồng thẩm định điều chỉnh dự án do TPHCM thành lập để tiến hành thẩm định, trình phê duyệt điều chỉnh theo quy định.
Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) thừa nhận, dự án đang gặp trục trặc ở gói thầu tư vấn và đào tạo nằm trong gói thầu tư vấn chung.
Cụ thể, từ tháng 7/2020 dự án bắt đầu tổ chức đào tạo nghề cho 58 lái tàu, nhưng từ cuối năm 2020 đến nay, nhà thầu đã dừng việc đào tạo. Với các công việc tương tự khác, nhà thầu cũng chưa tổ chức đào tạo nhân sự.
Gói thầu tư vấn chung dự án (bao gồm đào tạo, lắp đặt thông tin tín hiệu…) được ký với Liên danh nhà thầu NJPT từ năm 2007, có giá trị gần 1.300 tỷ đồng. Quá trình thực hiện phát sinh chi phí nên các bên phải ký 18 phụ lục hợp đồng và hiện đang đề xuất thêm phụ lục thứ 19, với dự toán tăng thêm 1.669 tỷ đồng.
Đại diện MAUR cho biết, đây cũng là điều kiện để nhà thầu khởi động lại công tác đào tạo lái tàu và nhân sự khác. Hiện nay, phụ lục hợp đồng thứ 19 đang trình UBND TPHCM phê duyệt để nối lại dịch vụ tư vấn cho tuyến metro số 1.
Trước đó vào tháng 02/2022, Công ty TNHH MTV Đường sắt Đô thị số 1 TPHCM đã “kêu cứu” vì không còn kinh phí để hoạt động. Việc này làm ảnh hưởng đến quá trình tiếp nhận đào tạo, chuyển giao công nghệ để chuẩn bị vận hành thương mại tuyến metro số 1.
Công ty TNHH MTV Đường sắt Đô thị số 1 có quyết định thành lập năm 2015 với vốn điều lệ (được cấp vốn) 14 tỷ đồng; đến năm 2019 thì bổ nhiệm giám đốc và đi vào hoạt động. Hiện công ty chưa có nguồn thu do tiến độ xây dựng, đưa vào khai thác tuyến metro số 1 bị chậm so với dự kiến ban đầu. Từ khi thành lập đến nay, công ty chỉ được cấp vốn điều lệ là 14 tỷ để mua sắm trang thiết bị văn phòng cơ bản, còn kinh phí hoạt động vẫn chưa được ngân sách bố trí theo đề án được duyệt.
Đến nay, Công ty đã không còn đủ nguồn tạm ứng từ vốn điều lệ ban đầu để duy trì hoạt động dẫn đến khó khăn về việc trả lương, đóng các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... cho người lao động cũng như trả các chi phí điện, nước.
Theo đánh giá của một số chuyên gia, hiện nay, dự án tuyến metro số 1 còn ngổn ngang nhiều việc. Các ga chưa hoàn thiện. Các gối cao su bị xê dịch cũng chưa tìm ra nguyên nhân.
Để chạy thử nghiệm, chủ đầu tư phải mất vài tháng kiểm tra về tốc độ, tín hiệu, cơ sở hạ tầng kết nối, đường lên xuống, trong khi đến thời điểm này các dịch vụ bán vé, đường gom, bến bãi… chưa có.
Tuyến metro số 1 có chiều dài gần 20 km, đi từ chợ Bến Thành (quận 1) đến Depot Long Bình (TP Thủ Đức) gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao với tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng.