Trái đất nóng lên, báo động tình trạng thực phẩm nhanh hỏng, ảnh hưởng đến sức khỏe

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 600 triệu người mắc các bệnh do thực phẩm, dẫn đến 420.000 ca tử vong.

Nhiệt độ tăng đe dọa nguồn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe. (Nguồn: Pexels)

Nhiệt độ tăng đe dọa nguồn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe. (Nguồn: Pexels)

Trong số đó, trẻ em dưới 5 tuổi là nhóm có nguy cơ cao nhất, với 125.000 trường hợp tử vong hằng năm do những căn bệnh có thể phòng ngừa này.

Bà Sumitra Sutar, 75 tuổi, sống tại làng Haroli, bang Maharashtra, Ấn Độ, là một trong hàng triệu nạn nhân của tình trạng này. Cách đây 5 năm, bà bị ngộ độc nghiêm trọng sau khi ăn cơm và cà ri đậu lăng thừa - món ăn quen thuộc suốt hơn năm thập kỷ của bà.

Nguyên nhân được xác định là vi khuẩn Bacillus cereus, một loại vi sinh vật có khả năng sinh độc tố gây nôn mửa, viêm mắt và nhiễm trùng đường hô hấp.

Sự nóng lên toàn cầu tạo điều kiện thuận lợi cho loại mầm bệnh này phát triển trong thực phẩm đã nấu chín.

Các nhà nghiên cứu và nhân viên y tế đang báo động về mối đe dọa ngày càng tăng này. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí eBiomedicine năm nay, cứ mỗi khi nhiệt độ tăng 1°C, nguy cơ nhiễm các vi khuẩn như salmonella không thương hàn và campylobacter - những tác nhân gây ngộ độc thực phẩm phổ biến - tăng thêm 5%.

Giáo sư Hudaa Neetoo, chuyên gia vi sinh và an toàn thực phẩm tại Đại học Mauritius, cảnh báo rằng, trong thời tiết cực nóng, các sản phẩm ăn liền có nguy cơ gây bệnh cao hơn.

Bà nói: "Trong những đợt nắng nóng, mức độ vi sinh vật gây bệnh trong các sản phẩm này có thể tăng đáng kể và đạt đến ngưỡng đủ gây bệnh, bởi chúng không cần qua bước tiệt trùng cuối cùng bằng nhiệt".

Bên cạnh nắng nóng, lũ lụt cũng là mối đe dọa nghiêm trọng. Nước lũ có thể cuốn theo phân bón từ các đồng cỏ chăn nuôi sang vùng trồng trọt, gây ô nhiễm nông sản như rau sống và các loại rau xanh.

Giáo sư Neetoo giải thích: "Phân gia súc có thể chứa các mầm bệnh như E. coli gây bệnh đường ruột, salmonella và campylobacter. Nghiên cứu cho thấy, việc rửa thông thường tại nhà không đủ để khử trùng và giảm mức độ vi sinh vật xuống mức an toàn".

Tại làng của bà Sumitra Sutar, nhiệt độ mùa Hè có thể lên tới 43°C. Padmashri Sutar, nhân viên y tế cộng đồng và cũng là con dâu của bà Sumitra, cho biết, nhiều người trong khu vực đã báo cáo sự gia tăng các bệnh do thực phẩm. Để đối phó, người dân ngừng nấu ăn bằng nước sông và chuyển sang sử dụng hoàn toàn nước ngầm.

Các chuyên gia nhấn mạnh, sự cần thiết phải nâng cao nhận thức của cộng đồng về mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và bệnh do thực phẩm.

Ahmed Hamad, giảng viên vệ sinh và kiểm soát thực phẩm tại Đại học Benha, Ai Cập, chỉ ra rằng, nhiều người chỉ xem biến đổi khí hậu như một vấn đề môi trường đơn thuần mà không nhận ra những tác động sâu sắc của nó đến sức khỏe cộng đồng.

Để giảm thiểu rủi ro, các chuyên gia khuyến nghị nấu chín thực phẩm ở nhiệt độ 70°C trong ít nhất hai phút để tiêu diệt hầu hết các mầm bệnh.

Đồng thời, cần cải thiện hệ thống giám sát và theo dõi để phát hiện sớm các đợt bùng phát dịch bệnh tiềm ẩn, cũng như tăng cường cơ sở hạ tầng để bảo đảm hệ thống chế biến và phân phối thực phẩm có thể chịu đựng được các hiện tượng thời tiết cực đoan.

(theo TTXVN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trai-dat-nong-len-bao-dong-tinh-trang-thuc-pham-nhanh-hong-anh-huong-den-suc-khoe-312474.html