Trái khoáy chuyện cử đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài rồi 'không ngoảnh lại'

Đưa ra các chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục và y tế. Tuy nhiên, nghịch lý là nhiều trường hợp sau khi được đào tạo xong đã không quay trở về để phục vụ công tác, một số khác vẫn được cử đi đào tạo nâng cao, dù không thuộc đối tượng thụ hưởng.

Nghịch lý càng đào tạo, càng thiếu tiến sĩ

Trước yêu cầu về đào tạo bồi dưỡng cán bộ giảng viên có trình độ tiến sĩ ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu duy trì các mã ngành đào tạo theo quy định, từ năm 2015 Trường Đại học Hà Tĩnh ban hành quyết định về việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ viên chức. Và trong khoảng 10 năm vừa qua, nhà trường đã cử nhiều giảng viên đi đào tạo tiến sĩ trong và ngoài nước bằng ngân sách Nhà nước.

Đại học Hà Tĩnh với nhiều bất cập trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đại học Hà Tĩnh với nhiều bất cập trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tuy nhiên, nghịch lý là phần lớn sau khi hoàn thành khóa đào tạo, các tiến sĩ này đã tìm cách ở lại nước sở tại, hoặc nếu trở về cũng tìm mọi cách rời khỏi Trường Đại học Hà Tĩnh do nhà trường không có cơ chế, chính sách để giữ chân nhân tài. Đơn cử, tại Khoa Ngoại ngữ, giảng viên Hà Văn X. (SN 1983) mặc dù hiện tại vẫn đang là quân số của nhà trường nhưng năm học vừa rồi không được đánh giá xếp loại do nghỉ việc không lương. Thời điểm cử đi đào tạo tiến sĩ tại Australia, thầy X. là Trưởng bộ môn. Sau khi được cấp bằng tiến sĩ, người này đã không về nước, dù phía nhà trường đã nhiều lần liên hệ. Trường hợp tương tự là giảng viên Phan Thị Nh. (SN 1987), đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài, nay đã quá thời gian học tập nhưng vẫn không trở về.

Cũng ở Khoa Ngoại ngữ, hai tiến sĩ khác là tiến sĩ Nguyễn Gia V., năm 2009 được cử đi nghiên cứu sinh bằng ngân sách Nhà nước theo Đề án 322 với mức học phí 5.314USD/năm. Sau 4 năm, ông V. về nước với tấm bằng tiến sĩ và xin ra khỏi nhà trường, hiện đang làm công tác quản lý giáo dục cho một cơ sở tư thục trên địa bàn TP Hà Tĩnh. Tiếp đó, trong năm 2022, thạc sĩ Trần Ngọc H. cũng xin ra khỏi Đại học Hà Tĩnh để làm hiệu trưởng một trường tư thục khi giảng viên này đang trong quá trình học tiến sĩ. Theo thống kê, trong thời gian khoảng 10 năm trở lại đây, Khoa Ngoại ngữ của Trường Đại học Hà Tĩnh đã có 5 giảng viên, trong đó có 3 tiến sĩ và 2 thạc sĩ xin nghỉ việc để tìm kiếm cơ hội khác tốt hơn.

Tương tự, tại Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, trong thời gian vừa qua có 11 người được cử đi nghiên cứu sinh thì hiện nay đã có 6 người rời khỏi khoa sau khi đào tạo xong. Giảng viên Nguyễn Châu Tr. (SN 1982), sau khi trường cử đi đào tạo, đã có bằng tiến sĩ nhưng đang xin nghỉ ốm lâu dài, không về trường công tác. Thực chất, ông Tr. hiện đang “đầu quân” cho một trường quốc tế của Australia tại TP Hồ Chí Minh. Cũng khoa này, giảng viên Nguyễn Thị Th. (SN 1987), đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài đến nay đã quá thời gian đào tạo nhưng không về nước.

Thống kê cho thấy, trong tổng số 49 người có học hàm tiến sĩ và nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Hà Tĩnh đến thời điểm hiện tại, có 9 người học xong có bằng tiến sĩ nhưng xin nghỉ việc, hoặc quá thời gian học tập song không trở về trường theo quy định.

Xuất phát từ việc “hổng” học vị tiến sĩ, trong khi Đề án sáp nhập Đại học Hà Tĩnh trở thành thành viên Đại học Quốc gia Hà Nội đã cam kết đến năm 2026, trường phải nâng tỷ lệ giảng viên có bằng tiến sĩ lên thành 50-60%, phấn đấu đến năm 2030 là trên 70% nên năm 2023 trường đã ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ giảng viên giai đoạn 2023 - 2026, quy định tất cả giảng viên của trường phải học tiến sĩ, với 86 giảng viên thuộc diện đào tạo được đưa vào danh sách. Năm học 2023 - 2024, do 9 giảng viên nằm trong danh sách nhưng không có cam kết đi đào tạo tiến sĩ đã bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ, dù hoàn thành xuất sắc về chuyên môn. Ấm ức vì quy định vô lý này, một trường hợp đã có đơn xin thôi việc.

Lỗ hổng từ chính sách đào tạo nhân lực cao

Để khuyến khích, nâng cao trình độ đội ngũ nhân lực đang công tác trong lĩnh vực y tế và giáo dục, đồng thời thu hút nhân tài là những người tốt nghiệp đại học loại giỏi, xuất sắc, có tài năng đặc biệt trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao; những người được phong tặng các học hàm, học vị và các danh hiệu cao quý, từ năm 2017, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 17 quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Hà Tĩnh. Đến ngày 16/12/2021, chính sách này được thay thế bằng Nghị quyết 46/2021/NQ-HĐND với nhiều chế độ đãi ngộ tốt hơn để hỗ trợ nguồn nhân lực chất lượng cao trong quá trình học tập cũng như công tác sau khi hoàn thành khóa đào tạo, giai đoạn 2022 – 2025.

Tuy nhiên, bên cạnh những đối tượng được lựa chọn đúng quy định, quá trình thực hiện đã xảy ra tình trạng nhiều trường hợp không thuộc diện thụ hưởng vẫn được cử đi học bằng ngân sách Nhà nước. Chỉ tính riêng lĩnh vực y tế, năm 2023, qua rà soát các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh, Sở Nội vụ Hà Tĩnh phát hiện trong 5 năm gần đây, ngành y tế tỉnh này có 27 trường hợp được cử đi đào tạo đại học, sau đại học theo diện hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo của tỉnh. Trong số này, có đến 10 đối tượng không thuộc ngành nghề tỉnh cần để hỗ trợ nhưng vẫn được cử đi học từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Trong đó, đáng chú ý là trường hợp của bác sĩ Nguyễn Đình Th. (SN 1974), năm 2022 đang là Giám đốc Bệnh viện Tâm Thần Hà Tĩnh, bác sĩ này đã được cử đi học Chuyên khoa cấp II, chuyên ngành Tổ chức quản lý Y tế tại Trường Đại học Y tế công cộng Hà Nội trong thời gian 3 năm. Sau khi hoàn tất khóa học, bác sĩ Th. trở về nhận nhiệm vụ là Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh).

Bất luận, Chuyên khoa cấp II, chuyên ngành Tổ chức quản lý Y tế trong giai đoạn này không nằm trong danh mục ngành nghề tỉnh cần theo chính sách khuyến khích phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao quy định tại Nghị quyết 46. Trước đó 1 năm, cũng tại Bệnh viện Tâm Thần Hà Tĩnh, Phó Giám đốc Lê Văn L. (SN 1974), cũng được cử đi đào tạo Chuyên khoa cấp II, chuyên ngành Tổ chức quản lý Y tế tại Trường Đại học Y tế công cộng Hà Nội. Bác sĩ L. hiện đang công tác tại Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh.

Cùng thời gian này, bác sỹ Phạm Thị H. (SN 1993), đang công tác tạo Trường Cao đẳng y tế Hà Tĩnh được cử đi đào tạo thạc sĩ, chuyên ngành Y học dự phòng tại Trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên. Ngoài ra, từ năm 2018 đến nay, còn có thêm 7 bác sỹ làm việc ở các trạm y tế đi học thạc sỹ và Chuyên khoa cấp I tại các Trường Đại học Y Dược - Đại học Huế và Đại học Y Dược - Đại học Thái Nguyên. Theo Sở Nội vụ Hà Tĩnh, tuy không đúng đối tượng thụ hưởng nhưng xem xét thời điểm đi học thì những người này vẫn đủ điều kiện để xem xét cho hưởng chính sách. Mặt khác phần lớn các đối tượng đã hoàn thành chương trình đào tạo và đã tiếp tục trở lại các đơn vị công tác trong ngành y tế.

Do vậy, sau khi xem xét, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh Hà Tĩnh, thống nhất cử 27 viên chức đi đào tạo theo diện hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo theo quy định tại Điều 8 Nghị quyết số 46/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh. Trong đó, bao gồm cả việc “hợp thức hóa” cho 10 trường hợp không thuộc diện những vẫn được cử đi đào tạo nói trên.

Thiên Thảo

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-duc/trai-khoay-chuyen-cu-di-dao-tao-tien-si-o-nuoc-ngoai-roi-khong-ngoanh-lai-i737402/