“Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày hội vật mùng mười tháng Giêng”, đó là câu thơ truyền miệng của người dân làng Sình (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) mỗi khi tới dịp khai hội vật.
Hội vật làng Sình năm nay thu hút rất đông đô vật tham gia ở 2 hạng cân thiếu niên (12 đến 16 tuổi) và thanh niên (18 tuổi trở nên) với thể thức ghi tên tự do và thi đấu loại trực tiếp.
Điểm đặc biệt của vật làng Sình là được tổ chức không vì mục đích tuyển chọn võ sĩ cho Triều đình mà chỉ được xem là hoạt động giải trí đơn thuần sau những ngày Tết.
Thế nên, ngoài việc thể hiện sức khỏe, tinh thần thượng võ, thỉnh thoảng các đô vật còn cố tình tạo tiếng cười giúp người dân có được tinh thần sảng khoái để bước vào năm mới. Người địa phương còn quan niệm, nếu năm nào hội vật thu hút được nhiều người đến xem thì năm đó người làng sẽ làm ăn khấm khá.
Lệ làng cũng quy định, các đô vật dự đấu không nhất thiết phải là người địa phương và bất kỳ khán giả nào cũng có thể được lên sới đấu vật. Ngoài giải Cạn dành cho chức vô địch, làng còn dành riêng một khoản tiền để thưởng cho tất cả những đô tham gia hội vật. Có thể do điều kiện dự hội khá đơn giản, nên ngày xưa, cứ đến trước ngày làng mở hội vật, trai tráng khắp nơi theo nhau về làng Sình.
Võ đài là sới vật bằng đất bột, mỗi bề rộng chừng bốn năm sải tay, cao hơn một mét được dựng trước sân đình từ ngày hôm trước, mùng chín tháng Giêng, bốn bề có dăng dây bảo vệ. Ngôi đình làng nằm bên bờ sông, cảnh quan thoáng đãng, sông nước hữu tình. Người xem vây quanh sới vật ngồi san sát bên nhau trên những mô đất, những bệ cấp bằng tre già đan kết lại trong khuôn viên đình rộng chừng 600m2.
Năm nay, từ sáng sớm, không khí lễ hội đã rộn ràng, tiếng trống hội, băng rôn, cờ hoa rực rỡ, người xem vây kín các sới vật, ngoài đường dòng người nô nức tìm về lễ hội ngày một đông...
Trọng tài trên sới là một người am hiểu luật, nhanh nhạy, kiên quyết. Các đô vật không đóng khố như ở miền Bắc mà mặc quần và quấn thêm một cán ngang lưng.
Người đến thi đấu không cần báo trước, chỉ đăng ký tại chỗ theo lời mời gọi thi tài. Khi được phép, họ vào sới, làm lễ bái thần làng và các vị cao tuổi. Trọng tài kiểm tra trang phục, sau đó cho lệnh thi đấu.
Luật vật dân tộc dựa trên nguyên tắc “túc bất ly địa” (chân không rời đất). Nêu nhấc được hai chân của đối thủ rời khỏi mặt đất là thắng cuộc. Từ “túc bất ly địa”, luật tiến đến “lấm lưng, trắng bụng”, một phần hoặc cả hai phần lưng lấm đất, bụng ngửa lên trời, là thua cuộc. Trước đây, vật võ làng Sình áp dụng luật “lấm lưng trắng bụng”.
Các đô phải đánh ngã đối thủ ở tư thế lấm lưng và phải thắng tất cả đô trong ngày để đoạt chức vô địch.
Hội vật làng Sình ngoài yếu tố tâm linh như mong cho dân khỏe, làng yên, mùa màng tươi tốt, hạnh phúc đến với muôn người còn là một hoạt động vui, khỏe đầy tinh thần thượng võ, kích thích việc rèn luyện sức khỏe, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí đối với lớp trẻ.
NGUYỄN VƯƠNG