Trăm năm hương quế, hương chè
(Báo Quảng Ngãi)- Ngày qua ngày, đồng bào Cor ở huyện Trà Bồng vẫn ra sức giữ gìn cây quế, cây chè. Với họ, ngày nào còn người Cor là ngày đó hương quế, hương chè còn tỏa ngát hương thơm khắp núi rừng.
Sau nhiều lần lỡ hẹn, mới đây, chúng tôi có dịp mục sở thị những rừng quế cổ thụ ở huyện Trà Bồng. Trên non ngàn hôm nay, nhiều nơi rừng không còn nguyên vẹn, bị cắt xẻ để trồng keo, nhưng may mắn thay, ở thôn Cả, xã Trà Hiệp, diện tích quế vẫn phủ xanh núi đồi. Toàn thôn có 149 hộ dân, trong đó hơn 40% hộ dân còn giữ quế, với khoảng 123ha, chủ yếu là quế truyền thống.
Muốn vào rừng xem quế, chúng tôi phải được các bậc cao niên trong làng chấp thuận. Ở đây còn giữ tập tục “rừng quế của ai, nhà người đó biết và quế của làng nào, làng đó giữ”. Thậm chí, nhiều gia đình không cho các con biết, thường chỉ nói khi lâm chung nên chuyện không dẫn người lạ vào rừng là hiển nhiên. Họ cảnh giác với các đối tượng có ý đồ trộm quế. Bởi lẽ, nhiều năm trước đây, ở làng từng xảy ra nhiều vụ trộm quế, có đối tượng phải chịu án tù giam trên 5 năm. Ngày ấy, ông Hồ Văn Út (64 tuổi), với dáng người nhỏ bé nhưng lại rất gan dạ, đứng ra tập hợp dân làng, bày kế vây bắt kẻ trộm. “Có lẽ, sự gan dạ, bản lĩnh đã giúp ông Út giữ được nhiều quế như hôm nay. Quế từ thời ông bà để lại, hiện còn hơn 200 cây. Phần lớn là quế 70 - 80 năm tuổi, một số cây đã hơn trăm năm”, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Hiệp Hồ Văn Lân cho biết.
Men theo đường mòn chừng nửa mét, vượt qua những con dốc dựng đứng, chúng tôi đi suốt 2 giờ mới đến rừng quế của ông Út. Quế cao sừng sững, vỏ xù xì, tán lá xòe rộng, hương quế thơm ngào ngạt. Nhiều cây được treo biển, đánh số. Có cây phải gọi là “cụ quế” với tuổi đời trăm năm. Ông Út cho hay, người Cor ở thôn Cả xem quế như báu vật mà Giàng ban tặng. Họ lập lời thề trước Giàng rằng, còn người Cor là còn quế, nếu ai phản bội sẽ bị Giàng phạt. Cứ thế mà bao đời nay, những rừng quế cổ thụ vẫn sừng sững giữa núi rừng.
Ở tuổi 46, anh Hồ Văn Truyền, ở thôn Gỗ, xã Trà Thanh có đến 4 vườn quế, với diện tích khoảng 2ha. Quế lớn, quế nhỏ mọc xen kẽ trên núi. Nhiều diện tích quế Trà Bồng trồng đã hơn chục năm, giá trị tiền tỷ. Thương lái nhiều lần ngỏ ý mua cây, anh Truyền nhất quyết không bán. “Quế là thước đo giàu có, khẳng định vị thế trong làng, xã. Hằng năm, thu nhập từ quế cùng các cây trồng khác mang lại cho gia đình tôi hơn 100 triệu đồng. Thị trường ngày càng rộng mở, nếu không thể trồng thêm thì chẳng có lý gì phải chặt bỏ”, anh Truyền bày tỏ.
Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trà Bồng Huỳnh Thị Thanh Thúy, toàn huyện hiện có hơn 5.200ha quế các loại. Cách đây khoảng 4 năm, theo số liệu người dân cung cấp, địa phương có khoảng hơn 1.300 cây quế đầu dòng, đảm bảo tiêu chuẩn cho hạt để nhân giống, tập trung nhiều ở các xã Trà Hiệp, Trà Thanh, Trà Thủy, Hương Trà, Trà Lâm... So với các nơi, quế Trà Bồng có hàm lượng tinh dầu cao. Sự chung tay, góp sức của những người như ông Út, anh Truyền, góp phần rất lớn trong việc bảo tồn cây quế truyền thống.
Nằm ở độ cao hơn 1.300m so với mực nước biển, những đồi chè trên dãy núi Cà Đam hùng vĩ, thuộc xã Hương Trà (Trà Bồng) được ví như kho báu của người Cor nơi đây. Những cây chè cổ thụ mọc sát nhau trong rừng sâu, vững chãi, đầy sức sống từ bao đời nay. Chúng tôi ngỡ ngàng, như lạc vào miền cổ tích xa xăm khi đặt chân đến đồi núi thôn Trà Huynh, xã Hương Trà, nơi có nhiều cây chè cổ thụ. Vỗ vào một thân cây chè gần nhất, đã nhuốm màu rêu phong, anh Hồ Văn Vàng (35 tuổi), ở thôn Trà Huynh cho biết, tuy đường kính không bằng quế cổ thụ cùng tuổi nhưng ước chừng cây chè này cũng đã hơn trăm năm tuổi. Để thu hoạch được lá trên cây, phải leo lên bẻ cành. Chè ở đây rất thơm ngon, hương vị đậm đà, thế nên hái đến đâu, chè được thương lái thu mua đến đó.
Kể về những đồi chè cổ thụ trong vùng, già Hồ Văn Minh (80 tuổi) cho hay, từ khi tôi sinh ra đã thấy cây chè hiện diện trên đồi núi 2 thôn Trà Huynh và Trà Vân, nhiều không đếm xuể. Chè cổ thụ được mặc định là tài sản chung mà Giàng để lại, chẳng phân định của riêng ai nên dân làng không dám chặt phá. Để rồi, từ những hạt giống khô trên đỉnh núi rơi xuống, mọc lên những rừng chè tươi tốt, phủ xanh núi rừng Cà Đam. Không ít người lặn lội đường xa ngỏ ý mua về làm cây cảnh, nhưng chúng tôi một mực từ chối.
Bí thư Đảng ủy xã Hương Trà Hồ Thị Hưng chia sẻ, chính những giá trị đặc trưng của vùng đất này và bản lĩnh của người Cor nơi đây đã làm nên sản phẩm đặc trưng cho núi rừng Trà Bồng. Chính quyền địa phương đang ra sức mở rộng vùng chè, tìm đầu ra cho sản phẩm. Xã có kế hoạch vận động, mở rộng diện tích chè từ 120ha lên 150ha. Đồng thời, kêu gọi đầu tư nhà máy chế biến các sản phẩm từ chè, từng bước giúp người dân xóa đói giảm nghèo.
Rời rừng quế, rừng chè của đồng bào Cor, tôi chợt nhớ đến câu nói: “Tự nhiên thật kỳ lạ, giấu nhẹm đi vẻ già cỗi theo năm tháng nhưng khoác lên mình sự trẻ trung của cây xanh”. Những thân chè, thân quế cổ thụ nơi đại ngàn Trà Bồng hướng thẳng ánh mặt trời mà vươn cao, xanh ngát như một minh chứng về tương lai tươi sáng cho cộng đồng người Cor, luôn biết sống dựa vào rừng.
Bài, ảnh: THIÊN PHÚC
Trình bày: VÕ VĂN
Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/media/emagazine/202402/tram-namhuong-que-huong-che-5350af2/